Hải DươngSáng 30 Tết, Nguyễn Đông đặt mâm cơm tất niên lên bàn, bất giác nhận ra chẳng còn gì để làm. Bằng thời gian này năm ngoái, anh "chạy không kịp thở".
Ngoài công việc ở một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Đông còn làm chủ một quán trà chanh gần hồ Mật Sơn - địa điểm thường được TP Chí Linh tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Quán giải khát có sức chứa gần 100 người thường mở cửa đến gần nửa đêm. Đông kỳ vọng, tháng Tết sẽ cho thu nhập tốt như mùa hè.
Hôm 26/1, trời lạnh, quán vẫn có hơn 20 khách ghé. Ngày hôm sau, cả khu phố thuộc phường Sao Đỏ, cách công ty Poyun một kilomet râm ran tin "có dịch". Từ ngoài phố đến quán trà chanh đều vắng tanh. Sáng 28/1, anh Đông treo biển đóng cửa tiệm, trước khi lệnh phong tỏa toàn TP Chí Linh ban hành.
"Cứ vài phút lại nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu đưa người nhiễm bệnh và các F1 đi cách ly. Tâm trạng ai cũng u ám", Đông kể. Gia đình bảy người lo dịch bệnh lây lan rộng, lo con trai thứ hai không thể về Tết và nhưng không lo thiếu nhu yếu phẩm. "Lần trước cũng cách ly nên biết rồi, cán bộ vẫn cho đi chợ", mẹ Đông nói với con trai. Bà đeo khẩu trang, đi vội ra chợ mua một yến gạo rồi về.
Cách ly trong những ngày Tết Nguyên đán, gia đình anh Đông cũng như những người Chí Linh khác, vẫn cố thu vén để có một cái Tết đủ đầy. Những năm trước, Đông hai lần gói bánh chưng. Lần một vào 23 tháng Chạp, lần hai vào 28 Tết, mỗi lần 20 cái bánh. Ăn ít, nhưng năm nào anh cũng đi một vòng, biếu họ hàng nội ngoại. Năm nay, sau vài lần đắn đo, họ gói 10 cái bánh.
"Tết trước mua đào, quất, mỗi cây hơn một triệu. Năm nay cũng có, nhưng nhỏ hơn", Đông cười. Gia đình anh không thuộc diện phải cách ly, nhưng cũng chẳng có ý định đến nhà ai ngoài nhà bà nội và ông bà ngoại.
Vài ngày trước, bố mẹ anh gom ít hạt dẻ cười, bánh kẹo gửi cho con trai là sinh viên năm nhất ở một học viện quốc phòng không thể về quê. Ông bà đã bình tâm sau những ngày đầu dịch bùng phát, nhưng hiếm khi cười vì lần đầu phải xa con trai ngày Tết.
29 Tết, khu chợ gần nhà Đông mở cửa trở lại để người dân mua sắm Tết, với điều kiện đảm bảo giãn cách. Người mua kẻ bán, chỉ ngã giá, giao tiền rồi xách giỏ ra về.
Ngày 30 năm ngoái, Đông tất niên với bạn bè, kéo cả gia đình nhỏ sang nhà bà nội dùng bữa. Đại gia đình hơn 20 người lo lau dọn bàn thờ. Người thịt gà, người bày mâm, rửa bát.
9h đêm, vợ chồng Đông và ba nhân viên của quán "chạy không có sức mà thở". Người dân Chí Linh đổ ra hồ Mật Sơn chơi, đợi ngắm pháo hoa đông như hội. Quán trà chanh gần hồ đương nhiên đắt khách. Anh phải huy động thêm mẹ và em trai ra phụ.
Con phố nhỏ có 20 hộ gia đình thân thiết như ruột thịt. Sau khoảnh khắc giao thừa họ đến từng nhà nhau chúc Tết. Ba ngày xuân, Đông và bạn bè triền miên với những cuộc tụ tập. Người dân khắp nơi đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc, cách Sao Đỏ hơn 6 km du xuân. Đường phố tập nập như ở thủ đô.
Năm nay, ngồi trong nhà, thi thoảng Đông mới nghe thấy tiếng xe máy vụt qua cửa. "Ba ngày Tết, tha hồ ôm con gái cưng ngủ", ông bố trẻ nói.
9 giờ tối ngày 30 Tết, anh Phạm Xuân Trường trùm bộ quần áo bảo hộ, tay đeo đôi găng cao su và khuôn mặt bịt 2 lớp khẩu trang kín mít rời cửa hàng về nhà. Ngoài đường thưa thớt bóng người qua lại, không gian cũng im ắng.
Trường rảo bước về nhà cách đó 40 m. Lúc này, vợ anh đang thịt gà chuẩn bị cúng giao thừa. Nhìn thấy chồng, người vợ né ra góc khác. Anh nhanh chóng lột khẩu trang và găng tay vứt thùng rác rồi bước vào phòng tắm, bật nước nóng, cởi bộ quần áo bảo hộ giặt sạch.
Với người đàn ông 40 tuổi này, bộ quần áo là "tấm bùa hộ mệnh" để có thể tiếp tục hành nghề sửa chữa điện thoại ngay tâm dịch Chí Linh. "Định nghỉ mấy lần nhưng bà con cần nên mình phải cố", anh nói.
Sáng 30 Tết vợ anh chạy ra chợ mua cân giò và vài thứ rau củ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên. Bánh chưng, gà được ông bà nội gửi từ mấy hôm trước. "Chưa lần nào đi chợ Tết vội vã như vậy", chị nói. Đêm nay thay vì qua nhà ông bà đón giao thừa như mọi năm, hai vợ chồng tự bày bàn thờ cúng gia tiên.
Nhận được tin thành phố phong tỏa hôm 28/1, người đàn ông này lập tức mua 2 bộ quần áo bảo hộ, đeo găng tay và khẩu trang, dán thông báo: "Khách đến để điện thoại vào máy bật nhiệt trước cửa". Chiếc máy này tự chế từ máy tách kính, lúc nào cũng bật 90 độ C. Khi đến tay thợ, điện thoại khách còn được đưa qua máy chiếu tia UV thêm 2 phút, xịt nước khử khuẩn.
Từ ngày thành phố "đóng cửa", ai mang máy đến Trường đều miễn phí công sửa. Ngày 30 Tết mọi năm, quán anh đông nghịt, làm đến 23h mới nghỉ. Nhưng năm nay, sợ vợ và con gái ở nhà một mình buồn nên chỉ nhận khách đến 21h.
Em trai kế bị cách ly tập trung tại nhà máy trong thành phố, gia đình em trai út ở Quảng Ninh cũng không thể về. Đêm 30 vốn là dịp đại gia đình quần tụ, nay ai ở yên đó. Đêm giao thừa Chí Linh trời se lạnh. Bày mâm cúng hướng về phương Nam, nơi có nhà ba mẹ, anh Trường thắp nén nhang, miệng lầm rầm khấn vái.
Những năm trước, đây là thời điểm gia đình hơn 10 thành viên cùng đếm ngược đón năm mới. Nhưng năm nay, chưa biết khi nào họ mới được gặp nhau. Trường bật điện thoại gọi về cho bố mẹ, đầu bên kia hai ông bà cười tươi nói lời chúc năm mới, phá tan bầu không khí u ám. Họ hẹn nhau mồng 6 Tết khi hết phong tỏa sẽ đoàn tụ.
"Bố mẹ đã dành hai con gà to nhất vườn cho ngày đó", mẹ anh nói, đưa tay chỉ ra phía ngoài. Ngoài sân, cây đào trồng từ năm ngoái được gắn đèn nhấp nháy sáng lung linh. Vẳng lại từ điện thoại bài hát mừng xuân bố anh ưa thích.
Phạm Nga - Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét