‘Ông đồ nhí’ nổi danh đất Sài Gòn

Tay cầm bút lông, nhìn thẳng vào người ngồi đối diện, cậu bé 13 tuổi Trần Thiên Phú ngẫm nghĩ một thoáng rồi chấm mực, "múa" trên giấy.

Nhận bức tranh thư pháp mà Thiên Phú đưa mình, chị Thu Trinh, 47 tuổi, ở quận 12 ngỡ ngàng: "Tôi quá bất ngờ khi một cậu bé nhỏ như vậy lại có thể viết thư pháp rất thuần thục. Đặc biệt, chỉ nhìn loáng qua mặt tôi vài giây nhưng tặng tôi một câu đúng với suy nghĩ, tâm trạng của tôi lúc này".

Những chữ mà cậu bé "cho" chị Trinh là "Gia đình vạn sự bình an, tài vô lộc đến, phúc duyên tràn đầy". Cảm động nhưng người phụ nữ không dám ngồi thêm vì phía sau lưng chị gần 50 người khác đang xếp hàng.

Thiên Phú tặng chữ cho chị Thu Trinh, quận 12. Ảnh: Diệp Phan.

Thiên Phú tặng chữ cho chị Thu Trinh, quận 12. Câu chữ thể hiện nỗi lòng của chị nên chị rất tâm đắc. Ảnh: Diệp Phan.

Sinh ra trong gia đình không ai biết viết thư pháp nhưng từ nhỏ, mỗi dịp xuân đến, cậu bé Thiên Phú (quận Tân Bình) thường được mẹ dắt đến công viên Tao Đàn, phố ông đồ để tham quan. Những lần gặp cảnh ông đồ đang cầm bút lông "cho chữ", cậu bé rất mê mẩn. "Em thích nhìn cách ông đồ đưa nét bút, bàn tay của họ rất uyển chuyển, mềm mại", Phú nhớ lại.

Tết năm lớp 1, khi đã biết viết chữ cái, Thiên Phú xin mẹ cho đi học viết thư pháp. Dù hơi ngạc nhiên, nhưng nghĩ bộ môn này cũng giống như bơi, đánh cờ, giúp con phát triển trí tuệ nên bà Nguyệt chở con đi đăng ký.

Vậy là, tuần ba buổi, bà Nguyệt đưa con đến lớp. Những ngày đầu, em chỉ tập viết từng chữ cái, dần dần ghép thành từ đơn, từ ghép. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều học sinh tiểu học, cậu hay viết sai chính tả.

Mê thư pháp, nhưng Phú chỉ xem đây là hoạt động giúp mình thư giãn sau khi đã học bài xong, em mới bắt đầu tập viết. Để biết, hiểu được nhiều câu chữ, Thiên Phú ngoài rèn viết còn đọc thêm nhiều sách về chữ nho. Đi đâu hễ thấy có gì hay, em lại ghi nhớ về nhà tìm hiểu để biết thêm.

Cuối năm lớp 1, Phú được một vị sư cô học cùng lớp thư pháp giới thiệu đến chùa giao lưu, cho chữ vào ngày rằm. "Hôm đó cũng có rất nhiều ông đồ khác, nhưng thấy con nhỏ tuổi mà ngồi viết miệt mài, mồ hôi ướt đẫm áo vẫn không chịu nghỉ. Mọi người tò mò, xếp hàng dài đến chỗ của con xin chữ", bà Nguyệt kể.

Sau buổi đó, trụ trì của chùa gọi điện đến báo, chiếc thùng "tùy tâm" nhận được rất nhiều tiền của mọi người ủng hộ "ông đồ nhí". Bà Nguyệt hỏi ý con trai, Thiên Phú nói: "Lâu nay mẹ có ước nguyện sẽ đi làm từ thiện mà chưa có cơ hội. Giờ có tiền thì mẹ gửi tặng chùa luôn".

Kể từ đó, tiếng lành đồn xa, Thiên Phú tuy viết chữ thư pháp chưa đẹp nhưng lại được nhiều ngôi chùa, nhiều nơi mời đến cho chữ. Cứ vào mỗi dịp Tết từ mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng, em luôn có mặt ở chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận để cho chữ người đi lễ chùa.

Mỗi dịp năm mới, Thiên Phú thường đến chùa cho chữ. Em có thể cho chữ hàng trăm người liên tục. Ảnh: Diệp Phan.

Mỗi dịp năm mới, Thiên Phú thường đến chùa cho chữ. Em có thể cho chữ hàng trăm người liên tục. Ảnh: Diệp Phan.

Ba năm nay, những bức thư pháp của cậu đã đẹp hơn rất nhiều. Đặc biệt, em thích nhìn mặt những vị khách rồi "cho chữ" theo cảm nhận của mình về người đó.

Có lần, vào ngày Tết, mẹ dặn Thiên Phú năm mới nên chọn những câu chữ nào thể hiện sự tốt lành, vui tươi để tặng. Nhưng khi gặp một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, dáng vẻ giàu có, em lại tặng một câu như thể người ta đang nợ nần: "Buồn phiền để gió cuốn đi, chuyện đời là thế cớ chi bận lòng". Tưởng chừng bức thư pháp đó khiến người phụ nữ khó chịu nhưng Phú vừa viết xong, bà khóc và bảo: "Thằng bé này nó viết ra nỗi lòng tôi". Đứng tâm sự một hồi với bà Nguyệt, người phụ nữ cho biết mình đang mắc nợ nhiều người nên buồn phiền trong lòng.

Một lần khác, có người đàn ông dáng vẻ khắc khổ đến xin chữ. Nhìn thoáng qua, Thiên Phú viết lên giấy chữ "Nhân quả", kèm câu "Cho là còn có mất đâu. Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình".

Bà Nguyệt nghĩ, câu này hoàn toàn không hợp, người đàn ông trông khổ vậy, tiền đâu mà cho người khác hay làm từ thiện. Bỗng vị khách xin chữ ôm mặt khóc, thuê người đóng khung chở để về tận nhà cho mình. Đến nơi, bà Nguyệt thấy nhà của ông là một căn biệt thự rất lớn. Tuy giàu có nhưng sống đơn giản và thường giúp đỡ nhiều sinh viên nghèo.

"Phú nó bảo mẹ đừng bắt con viết như này như kia nữa, con nhức đầu lắm. Sau này, tôi để con tự quyết định", bà Nguyệt chia sẻ.

Một góc trưng bày những bức tranh thư pháp của Thiên Phú ở nhà. Ảnh: Diệp Phan.

Một góc trưng bày những bức tranh thư pháp của Thiên Phú ở nhà. Bà Nguyệt, mẹ Phú là người hỗ trợ em vẽ trang trí lên những bức tranh. Ảnh: Diệp Phan.

Tuy thích văn thơ, viết chữ nhưng Phú lại là học sinh đại diện trường thi học sinh giỏi môn toán, lắp ráp robot. Em thích nhất là các môn tự nhiên. Ước mơ của Thiên Phú là được học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Nhìn con ai cũng bảo như ông cụ non, già trước tuổi nhưng chỉ là những lúc con tập trung viết chữ thôi. Buông cây bút, con lại hòa đồng với các bạn như mọi đứa con nít khác", bà Nguyệt tâm sự.

Diệp Phan

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét