TP HCMKể từ khi bà Đức bị bệnh bốn năm trước, ông Nguyễn Trí Nhân (TP Thủ Đức) trở thành "trợ lý đi chợ" cho vợ với hơn nghìn tờ hướng dẫn mua hàng viết tay.
"Ông mua đường cát ở tiệm khác đừng mua của Hạnh nữa, để nó nói làm nữa hả? Ông đi ăn hủ tiếu chay ở tiệm đồ chay kế cây xăng đi cho ngon. Ông xem còn cá cho Su không thì mua. Tờ này ở nhà xem thôi". Đây là một trong những tờ hướng dẫn đi chợ mà bà Nguyễn Thị Đức, 66 tuổi, viết cho chồng từ tối hôm trước để hôm sau ông đi chợ cho "đỡ quên".
"Tết năm nay, bà xã nổi hứng làm món mứt tắc, ngày nào cũng làm thêm nên phải mua thêm đường hoài. Hôm mang mứt tặng cô bán tạp hóa, cô nói với bà ấy ‘sao than mệt mà làm hoài vậy’. Lần này, bả dặn tui mua đường chỗ khác vì sợ cô ấy la nữa", ông Nguyễn Trí Nhân, 65 tuổi, nói.
Ông Nhân là một kiến trúc sư đã nghỉ hưu. Thời trẻ, do công việc nên người đàn ông này ít khi ở nhà và cũng chẳng biết việc chợ búa, bếp núc. Bốn năm trước, một lần bà Đức đang đi chợ thì ngất xỉu, sức khỏe giảm sút, đến nay vẫn đang điều trị chứng trầm cảm, bà chỉ có thể ngồi nhà.
Vợ bệnh, ông Nhân xung phong làm chân đi chợ. Từ đó, cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, bà Đức lại lên thực đơn cho ngày mai, ghi sẵn những thứ cần mua ra giấy để sẵn trên bàn cho chồng. Sáng sớm, sau khi rửa chén, ông cầm giấy ra chợ.
Công việc đi chợ tưởng đơn giản nhưng lại trở thành một thử thách với ông kiến trúc sư về hưu. Dù "cẩm nang" của vợ đã liệt kê chi tiết từng loại nguyên liệu cho từng món ăn nhưng không có buổi chợ nào ông mua đủ trong một lần. Những tháng đầu mới đi chợ, ông thường phải đi 2-3 lần nữa để mua thêm.
Rất nhiệt tình đi chợ nhưng hầu như hôm nào ông cũng có sự cố và "bị bả la", chủ yếu là do không vừa ý với những món hàng ông mua. Có hôm nhà ăn chay, ông Nhân mua miếng tàu hủ (đậu phụ) nhưng miếng đó bị chiên vàng hơn mọi khi. Nghĩ chủ quán bán đồ cũ chiên lại, bà Đức một mực bảo chồng ngày mai phải mang ra "mắng vốn" để đổi bằng được miếng khác. Tuy nhiên, suốt hai ngày sau đó, ông Nhân vẫn treo miếng đậu hủ trên xe, không dám đổi.
"Mãi sang ngày thứ ba, đi làm về không thấy miếng đậu treo trên xe nữa. Hỏi mẹ mới biết ba đã mang miếng khác về. Nhưng đó là miếng đậu ba đổi được hay mua mới thì ba không nói", Nguyễn Trúc Quyên, 29 tuổi, con gái út đang sống cùng ông bà kể.
Nhưng không phải lần đi chợ nào của ông cũng bị bà Đức càm ràm. Có lần được vợ khen mua cá cho mèo nhìn tươi, ông Nhân cười tủm tỉm. Thấy con mèo ăn hết phần cá mình nấu, ông cũng vui ra mặt, rồi tranh luôn nhiệm vụ nấu cá cho mèo ăn.
Có lần đi chợ, dù vợ không viết giấy dặn nhưng ông Nhân vẫn mua hoa về cắm khắp nhà, mỗi bình một loại. Được vợ khen, từ đó ngày nào ông Nhân cũng mua hoa về cắm. Sau bốn năm, giờ ông đã trở thành một "chuyên gia" cắm hoa trong nhà.
Bây giờ, sau hơn một nghìn tờ hướng dẫn, ông Nhân đi chợ sành hơn trước nhiều. Hàng ngày, bà Đức chỉ cần viết tên món ăn là ông có thể tự mua đủ nguyên liệu. Ông thuộc hết vị trí các sạp hàng trong chợ. Nếu cần mua cá cho mèo, ông chỉ cần đứng từ xa, vẫy tay là cô hàng cá biết, cân đủ số lượng. Sau khi đi vòng khắp chợ mua thức ăn, ông chỉ việc quay lại lấy cá trả tiền.
Ngoài việc mua đầy đủ các món vợ ghi sẵn, trong giỏ đi chợ của người đàn ông hôm nào cũng có thêm hai phần ăn sáng kèm các món ăn vặt như chè, bánh lọt, bánh khoai, hột vịt lộn về cho vợ và con gái, còn mình thì ăn cơm nguội hay bất cứ thứ gì sẵn có ở nhà.
Từ ngày đảm nhiệm việc chợ búa, ông cũng "nghiện" mua sắm online. Thay vì đi nhà sách, ông thường đặt sách giao đến tận nhà cho vợ. Người đàn ông cũng thích mua những dụng cụ làm đồ handmade, các thứ lặt vặt trong nhà như những chiếc móc đồ thông minh được quảng cáo trên tivi.
Lúc mới chuyển về căn nhà mới, nghe vợ than phiền không dám đi lên sân thượng vì thấy cầu thang nguy hiểm, ông Nhân âm thầm đi mua mỗi ngày một ít gỗ về đóng lại một chiếc cầu thang chắc chắn. Từ ngày vợ bệnh, ông Nhân cũng không dám đi đâu lâu ngày. Cô con gái lớn đã có gia đình riêng, ở nhà chỉ còn mỗi hai mẹ con Trúc Quyên nên những lần về quê ở Tiền Giang, ông cũng tranh thủ lên sớm nhất có thể.
Tuy không thể hiện ra, nhưng bà Đức lại luôn âm thầm để ý và chăm sóc cho chồng. Trước lúc chồng về quê, bà Đức thường nấu nhiều món ngon hơn thường ngày. Nhà có cô con gái út, nhưng đi đâu bà Đức cũng chỉ thích chồng chở. Dù không hay khen trước mặt chồng nhưng bà luôn khen ông thông qua con gái. Mỗi lần chồng mua đồ hay làm điều gì ưng ý, bà cũng cười tủm tỉm.
"Từ trước đến nay, hễ trong nhà có chuyện gì ngại nói, nhà mình thường viết giấy gửi cho nhau. Ba mẹ không rành công nghệ, sử dụng điện thoại thông minh nên chọn cách viết giấy để đi chợ. Cả hai đều là người không hay nói nhiều và thể hiện ra bên ngoài nhưng luôn để ý và quan tâm nhau", Trúc Quyên chia sẻ.
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét