Quán cơm 2.000 đồng đông nghịt giữa trời rét buốt

Hà NộiLập cập thò vào túi áo, ông Đào lôi ra tờ 2.000 đồng nhăn nhúm, nhận về khay cơm đang bốc hơi nghi ngút. "Cơm ngon quá!", người đàn ông 73 tuổi gật gù.

Những người xung quanh cũng tiếp lời ông: "Gạo dẻo thơm lắm", "Có cả hoa quả tráng miệng nữa"...

Đây là quán Yên Vui, quán cơm bán với giá 2.000 đồng một suất đầu tiên ở Hà Nội và là quán thứ 13 trong chuỗi cơm Yên Vui và Nụ cười do quỹ từ thiện Bông sen tài trợ. Quán mở từ ngày 14/12 vào các trưa thứ 2, 4, 6, tại số 136, ngõ 88 đường Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội).

Quán cơm Yên Vui đông bà con đến ăn, trong khoảng 11-12h, ngày 11/1. Ảnh: Phan Dương.

Quán cơm Yên Vui đông bà con đến ăn trong khoảng 11-12h, ngày 11/1. Ảnh: Phan Dương.

Quán nằm ở khu vực tập trung nhiều người bán hàng rong, xe ôm, đánh giày, người vô gia cư... Từ 11h, người lao động nghèo đã bắt đầu tập trung khá đông trước cửa quán, họ dặn nhau "nhanh chân nhanh tay" để nhường chỗ cho người khác.

Quán bán được 13 buổi thì ông Đào đã ăn buổi thứ 12. Là một người vô gia cư, ông Đào nhặt ve chai quanh khu vực ga Hà Nội và sống qua ngày chủ yếu bằng cơm từ thiện. Năm nay do Covid-19, ngay đến cả ve chai cũng không có mà nhặt. Nghe mọi người truyền nhau có quán cơm chỉ 2.000 đồng, nên ông tìm đến. Từ ngoài ga đi bộ vào mất chỉ mươi phút. "Hiếm khi buổi trưa tôi được ăn cơm nóng sốt thế này", người đàn ông nói. Chỉ khoảng 15 phút ông đã ăn xong suất cơm có cá kho, canh, cà bung và hoa quả tráng miệng.

Hớt hải đặt quang gánh ở lề đường, bà Nguyễn Thị Thuấn bước vào quán. Mới mở cửa được chừng hơn một tiếng mà quán chỉ còn lại hơn chục suất trong số 200 suất cơm. Bà đưa 2.000 đồng nhận phiếu ăn, rồi đổi lấy một khay cơm. Vừa ngồi xuống bàn, nhân viên phục vụ mang thêm cho bà một tô cơm nóng. "Cơm thì có nhiều lắm. Các bác thoải mái ăn", cô nhân viên nói.

Bà Thuấn húp ngay tô canh cho ấm bụng trước khi bắt đầu ăn. Đi chợ từ lúc 3h sáng, khi ngoài trời dưới 10 độ C, đây là lần đầu tiên trong ngày bà có cảm giác "người âm ấm". Gần chục năm qua bà Thuấn bán hàng rong quanh khu vực ngõ Nhà Dầu, Văn Chương, Trần Quý Cáp... Sáng sớm mỗi ngày, bà cùng năm chị em đều quê Phú Xuyên (ngoại thành Hà Nội) quẩy gánh ra chợ Long Biên mua hàng về bán. Bà Thuấn bán hành, tỏi, chanh, ớt, trầu, cau. Hôm nào đắt hàng có thể lãi được 50.000 đồng. Mấy bữa nay trời lạnh, hàng cũng ế, một gánh bán hai hôm chưa hết.

Bà bảo bán hàng lâu năm tại đây nên được thương. Các quán cơm thường chỉ lấy giá 10-15.000 đồng. "Nhưng vào hôm nào ế, ăn 10.000 đồng cũng tiếc. Tôi thường chỉ mua 5.000 cơm canh ăn với muối vừng mang theo", bà cho hay.

Quán cơm 2.000 đồng mở ra giúp bà Thuấn đỡ được một phần gánh nặng. Chồng bị tai biến, chạy chợ được chục ngày bà lại về chăm ông vài bữa. Năm nay bà 68, cao tuổi nhất trong xóm hàng rong, nhiều người khuyên nghỉ nhưng bà không biết làm việc gì để có tiền, nên vẫn bám trụ.

Chỉ 1.000 đồng đến 2.000 đồng, bà con đã có thể ăn những bữa cơm nóng hổi, sạch, ngon với sự tiếp đón niềm nở của các tình nguyện viên. Ảnh: Phan Dương.

Chỉ 1.000 đồng đến 2.000 đồng, bà con đã có thể ăn những bữa cơm nóng hổi, sạch, ngon với sự tiếp đón niềm nở của các tình nguyện viên. Ảnh: Phan Dương.

Anh Nguyễn Cao Sơn, chủ nhiệm quán Yên Vui chia sẻ, những suất cơm 2.000 đồng sạch và ngon là "yêu thương dành cho bà con" trong những ngày đông giá rét, cũng như ngày hè nóng nực. Bản thân anh Sơn và các nhân viên, tình nguyện viên của quán chỉ là những "shipper". "Một đầu chúng tôi trao khay cơm ấm nóng đến những người lao động. Một đầu nhận đóng góp từ các nhà hảo tâm", anh chia sẻ.

Từ hôm quán mở tới nay, anh Sơn nhận về "không biết bao nhiêu yêu thương mà kể". Có bác xe ôm ăn xong thì quay lại tặng cho quán mớ rau, nải chuối con cháu gửi từ trong quê ra. Có bà lão ở chung cư cũ chống gậy mang tới tặng một quả bưởi. Hay như bà nhặt ve chai, nằng nặc xin quét dọn cho quán sau khi ăn xong.

Sau vài buổi quán mở đã có một giảng viên đại học về tìm đến. Dùng bữa xong, anh quyết định dành 70% thu nhập đóng góp cho quán. Đồng thời, anh đóng 100.000 đồng để có thể đến đây ăn dần 100 bữa cơm chay. Một trang trại nhận cung cấp rau sạch cho quán, một nhóm từ thiện quyên góp được hơn 100 triệu tặng quán...

Trong những vị khách đến ăn, anh Sơn nhớ nhất một người đàn ông ăn mặc sang trọng. Thường những người có vẻ ngoài như thế đều là nhà hảo tâm. Sau vài buổi đến ăn, người này tâm sự từng là một chủ doanh nghiệp trước khi Covid-19 nổ ra. Dịch bệnh khiến anh ấy mất tất cả, bạn bè và người thân quay lưng. "Anh ấy nói có thể giờ mình còn khó khăn hơn một số bà con đến ăn cơm, nhưng vẫn phải giữ hình thức bên ngoài để tìm việc", anh Sơn kể.

Trước khi đến quán, người này không tin lại có suất cơm 2.000 đồng. Nhưng sau đó, ngoài ăn cơm ngon, anh ấy còn cảm nhận được nụ cười của người bán cũng như của khách, khiến anh thấy mình cũng nhận được tình yêu. Chính điều này khiến anh có niềm tin sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn.

"Chúng tôi luân chuyển lòng tốt của thế gian thành những phần cơm đến với người mưu sinh đường phố", anh Sơn nói. Bản thân anh Sơn làm trong ngành tài chính, cũng xin vợ con cho nghỉ việc 3 tháng để điều hành quán ổn định, rồi mới đi làm tiếp.

Đầu bếp của quán là anh Đỗ Văn Hưng, hiện làm bếp chính tại quầy buffet của một khách sạn 5 sao trên đường Trần Duy Hưng nhưng chấp nhận bớt thời gian ngủ nghỉ để nấu cơm cho bà con...

Nguyễn Cao Sơn cho biết điều hơi tiếc là mặt bằng quán hơi nhỏ, nên vào giờ cao điểm bà con sẽ mất vài phút chờ đợi. Ảnh: Phan Dương.

Nguyễn Cao Sơn cho biết điều hơi tiếc là mặt bằng quán hơi nhỏ, nên vào giờ cao điểm bà con sẽ mất vài phút chờ đợi. Ảnh: Phan Dương.

Chừng 12h15 khách đã vãn. Một người phụ nữ dừng xe rau trước quán. Anh Sơn niềm nở: "Nay vẫn còn cơm chị nhé". Chị bước tới, nhận suất ăn cuối cùng.

Bán rau trong các ngõ ngách ở quận Đống Đa và Hoàn Kiếm, Long Biên, Gia Lâm, chị Nguyễn Thị Lương, 37 tuổi, thường qua đây khi đã muộn. Nhiều bữa hết cơm, chị được phục vụ mỳ tôm. Hàng tháng chị và chồng làm bảo vệ có thể thu nhập khoảng chục triệu đồng. Ngặt nỗi anh chị nuôi 4 đứa con, nên lúc nào nhà cũng túng. "Chắt bóp từng đồng. Vào hôm không có cơm 2.000 đồng thì tôi ăn bánh chưng, bánh rán thôi", chị chia sẻ.

Khi những vị khách cuối cùng đã rời đi thì một người đàn ông bước vào quán. Suất ăn đã hết, anh đưa 1.000 đồng mua suất mỳ tôm. Khi nhân viên bê ra một bát mỳ tôm với hai trứng rán, có hành lá và một tô cơm trắng, người đàn ông như không tin vào mắt mình. "Cảm ơn, cảm ơn. Ngay đến cả nước mỳ cũng ngon", anh húp xì xụp, nói.

Người đàn ông tên Bùi Văn Phương, quê Nam Định, làm nghề đánh giày ở Hà Nội đã 30 năm. Trong lúc ăn biết được lịch hoạt động của quán, anh Phương hẹn thứ tư này sẽ rủ vợ ra đây ăn trưa.

Theo anh Nguyễn Cao Sơn, suất cơm 2.000 đồng chỉ là giá tượng trưng để mọi người thấy họ đang bỏ tiền ra mua cơm và ăn trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Anh Sơn dự kiến trong các tháng tới sẽ mở thêm quán Yên Vui ở khu vực Phúc Xá (quận Long Biên) và bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Một số hình ảnh trong buổi sáng ngày 11/1 của quán.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét