Cũng vì không thể về nước do Covid-19, Quỳnh Trâm gặp được ý trung nhân của đời mình. Lần đầu gặp mặt cũng là ngày họ đính hôn.
Đến giờ với cô gái này, tình yêu ập đến quá nhanh, nhiều hôm thức dậy thấy chồng nằm bên, cô tự hỏi: "Là mình mơ chăng?". Đã nửa năm kể từ ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ vẫn ríu rít như thể đang trong tuần trăng mật. Hàng ngày họ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu nướng, mỗi khi ra ngoài cả hai mặc áo đôi, không rời nhau nửa bước, tay trong tay cười nói rộn ràng.
Trước khi gặp Trần Lộc, một nhạc sĩ khiếm thị tại bang Minnesota, Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm, 26 tuổi, từng nghĩ ở vậy suốt đời bởi thị lực kém, chỉ nhìn rõ 7 màu cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, dưới ánh đèn chỉ phân biệt được trắng đen.
"Giấc mơ" của Trâm bắt đầu từ ngày cô được một hội từ thiện dành cho nghệ sĩ khuyết tật mời sang Mỹ biểu diễn đầu năm 2020. Dự định lưu lại ba tháng nhưng Covid-19 bất ngờ bùng phát, các chuyến bay về nước không còn, cô ở nhờ nhà người bạn - nghệ sỹ Thành Lễ. Một lần đau mắt dữ dội, cô được anh Lễ giới thiệu tới Trần Lộc, người cũng bị chứng tăng nhãn áp khiến thị lực kém. Câu chuyện của đôi trẻ bắt đầu từ việc mua thuốc gì và ở đâu.
Thế nhưng càng nói chuyện, cả hai phát hiện đối phương rất thú vị. Ở Mỹ từ nhỏ trong khu ít người Việt, Lộc không có nhiều bạn bè, luôn thấy cô đơn. Gặp Trâm, anh như "cá gặp nước", nói chuyện cả ngày không biết chán. Không sõi tiếng Việt, chàng nhạc sĩ khiếm thị mày mò tìm cách nhắn tin cho cô bạn mới quen. Trong khi đó, Trâm cũng không thạo tiếng Anh, nhiều lần phải nhờ Google dịch. "Vậy mà tôi vẫn cảm nhận được sự chân thành và nỗi cô đơn của anh trong từng tin nhắn", cô gái nhận ra tình cảm khác lạ nảy nở trong lòng mình đối với chàng trai.
Dần dà, những ngày chưa thấy tin nhắn của Lộc, Trâm bỗng thấy nhớ nhung, hình ảnh anh xuất hiện trong đầu bất cứ khi nào rảnh rỗi. Còn với Lộc, cảm giác tiếc nuối không muốn nói lời tạm biệt sau mỗi buổi trò chuyện cứ quấn lấy anh, mãi đắn đo trước khi ấn nút gửi tin: "Thôi muộn rồi, em ngủ đi".
Nói chuyện qua lại gần một tháng, sắp đến ngày Trâm phải lên máy bay về nước. Thấy tình cảm của cả hai ngày càng tiến triển, anh Thành Lễ và mẹ của Lộc - cô Vân Thanh - có ý vun vén nên rủ Trâm sang nhà chơi dù lúc đó bạo động xuất phát từ vụ chàng trang da đen George Floyd bị cảnh sát sát hại - đang bao trùm khắp nước Mỹ. Thời điểm giữa tháng 5/2020, các chuyến bay nội địa vẫn bị coi là không an toàn, anh Lễ và những người bạn đã dành hai ngày một đêm để lái xe đưa Trâm từ California - nơi họ ở - đến nhà Lộc tại Minnesota.
"Thương hai đứa lắm, thấy ríu rít với nhau suốt ngày nhưng chỉ qua điện thoại. Tôi mong cho chúng được gặp nhau, biết đâu thành duyên", anh Thành Lễ nói về chuyến đi của mình.
"Hạ cánh" an toàn sau 27 tiếng, lần đầu đôi trẻ gặp nhau nhưng đã quấn quýt không rời. Khoảng hai tiếng sau, anh Lễ ghé sát tai Trâm nói nhỏ: "Hay là hai đứa đính hôn luôn nhé". Cô gái sững người bất ngờ, còn Lộc chỉ cười. "Đại dịch này bao nhiêu người đột ngột biến mất, cuộc sống mong manh lắm. Nếu có thể được, tại sao không cố giữ người yêu bên mình", Lễ tiếp lời. Lần này Trâm cúi đầu, mông lung suy nghĩ.
Thấy Trâm không cất lời, Lộc nắm tay, giọng run run: "Đồng ý làm vợ anh nhé!". Ngước nhìn Lộc, Trâm chỉ thấy khoảng trắng lờ mờ trước mắt, nhưng vẫn cảm nhận được sự chân thành của anh. Trâm nghĩ tới dịch bệnh, không biết về Việt Nam rồi, đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại người yêu, không biết nếu xa nhau, Lộc sẽ cô đơn đến thế nào. Thu hết can đảm, Trâm hít một hơi thật dài, mỉm cười nắm chặt đôi bàn tay chàng trai đứng trước mặt. "Vâng", cô nói dứt khoát.
Buổi lễ đính hôn được gấp rút chuẩn bị ngay sau đó. Mọi người trong nhà tất bật làm nem nướng, bún bò, ban thờ cũng bày biện đủ lễ vật như phong tục của người Việt. Bố mẹ Lộc gọi điện "thưa chuyện" với ba mẹ Trâm ở Việt Nam. Họ hàng nhà trai được triệu tập có mặt ngay trong ngày. Khâu chuẩn bị diễn ra chỉ trong 3 giờ đồng hồ.
Vì an ninh tại Minnesota chưa ổn định nên khu đồ bán nữ trang gần nhà đóng cửa. Cô Vân Thanh phải lấy tạm nhẫn kim cương giả để con trai đeo cho Trâm. Khách mời đều tuân thủ quy định cách ly, đeo khẩu trang kín mít. Nụ hôn đầu Trâm và Lộc trao nhau cũng qua lớp khẩu trang y tế.
Sau lễ đính hôn, Lộc không muốn đối diện cảnh chia ly bởi tháng 6/2020 Trâm phải về nước. Nhận thấy sự gắn bó của đôi trẻ, lại muốn tạo thời gian tìm hiểu nhau kỹ hơn, hai gia đình thống nhất cho Trâm và Lộc một chuyến chơi xa trước khi cô trở về Việt Nam.
Chuyến du lịch kéo dài một tuần sau đó kết thúc bằng thủ tục đăng ký kết hôn. Ngày đến nhận giấy, đôi trẻ ăn mặc, trang điểm kỹ càng rồi chụp ảnh kỷ niệm đăng lên trang cá nhân thông báo rộng rãi. Người thân, bạn bè ở Việt Nam ai cũng ngạc nhiên, dồn dập hỏi chuyện, nhiều người thắc mắc: "Hay Trâm đang đùa?". Dưới mỗi tin nhắn, cô gái đều để mặt cười đáp: "Bởi tình cảm đã chín muồi".
Đám cưới Trâm - Lộc diễn ra sau lễ đính hôn đúng 3 tháng. Làm dâu nơi xứ người, cô gái Việt được mẹ chồng dạy nấu những món cơ bản, việc mà trước đây cô chưa bao giờ đụng tới. Trâm hy vọng khi dịch bệnh ổn định, sẽ đi hát trở lại. Còn Lộc, ngoài thời gian chơi piano ở hội người cao tuổi địa phương, anh còn giúp vợ học tiếng Anh và sáng tác âm nhạc. "Chỉ mong hai đứa luôn vui vẻ, an lành bên nhau mãi như thế", cô Vân Thanh nghẹn ngào.
Nhiều năm trước khi chưa bước vào nghề hát, Trâm từng là vận động viên điền kinh khiếm thị gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Là một cô gái yêu thể thao và thích ca hát hơn bất cứ thứ gì trên đời, nhưng giờ Trâm nghĩ nhiều hơn đến việc chăm sóc và xây dựng gia đình với người mình yêu. Với cô, sự xuất hiện của Lộc trong cuộc đời như một định mệnh, bởi từ giây phút đầu tiên gặp gỡ, cô biết trái tim mình không còn đơn độc nữa.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét