Trung Quốc có thể sẽ ban hành đạo luật cấm sử dụng bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với trẻ em, bao gồm cả mắng mỏ, mạt sát, bắt quỳ hoặc nhốt trong phòng tối...
Jiang Jiehua - phó giáo sư luật của Đại học Thượng Hải, cảnh báo, người dân nên hiểu, luật mới sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai. Trong trường hợp bị tố giác, cha mẹ có thể bị đi tù, mất quyền giám hộ.
Tại Trung Quốc, thói quen đánh đòn để dạy dỗ con cái vẫn rất phổ biến, đặc biệt ở nông thôn bởi các cha mẹ tin rằng nếu không kỷ luật nghiêm khắc một đứa trẻ ngỗ ngược, chúng sẽ trở nên hư hỏng khi lớn lên.
Tuy nhiên, roi vọt có thể biến thành những vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em nghiêm trọng. Mới đây, tại Quảng Tây, người dân đã trình báo với cảnh sát về việc một người cha đánh đập đứa con trai 5 tuổi thậm tệ, khiến khắp người cậu bé chi chít những vết sẹo. Sau đó, trước mặt cảnh sát và các thành viên của Hội phụ nữ, cha của cậu bé đã thừa nhận hành vi của mình.
Vấn đề có nên trừng phạt bằng roi vọt đối với trẻ em hay không đang gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội đất nước này. Các bài báo về chủ đề này đã được đọc 470 triệu lần trên Weibo và thu hút 30.000 bình luận. "Chiều chuộng đứa trẻ đồng nghĩa với việc giết chúng. Đối với một số đứa trẻ tinh nghịch, không thể giáo dục chúng nếu bạn không đánh chúng vài roi", một người bình luận trên Weibo. Một người khác viết: "Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi lúc đầu đã kỷ luật tôi bằng cách cho tôi nghe điều phải trái, nhưng tôi không nghe mẹ, mà cũng chẳng hiểu điều mẹ nói. Nhưng khi bà đánh tôi, tôi ngay lập tức cư xử đúng mực".
Dù quan điểm này được nhiều người đồng thuận, nhưng các nhà phê bình cho rằng đã lỗi thời. "Quan điểm rằng một đứa trẻ sẽ không lớn lên thành người tốt nếu cha mẹ không đánh đòn là sai lầm. Những người không có tính kiên nhẫn, không xứng đáng làm cha mẹ", một người phản đối thói nhục hình bình luận.
Zhang Ruiqiu - một bà mẹ ở Thượng Hải có con trai 7 tuổi - cho biết cô hiểu rằng mắng mỏ, đánh đòn con trai là không đúng, nhưng cô cảm thấy không thể kiềm chế được cơn tức giận khi thấy con ham mê trò chơi điện tử, thay vì đọc sách hoặc làm bài tập về nhà.
Cô chia sẻ: "Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc như tôi đều phải làm việc. Tôi không có nhiều thời gian và sức lực để kỷ luật cậu bé nghịch ngợm của mình mà không đánh nó. Thật quá mệt mỏi", Zhang nói. "Luật mới này cung cấp một hướng đi tốt, nhưng tôi nghi ngờ liệu nó có thể được thực hiện được hay không".
Dự thảo luật cũng quy định rằng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp không được phân biệt đối xử với trẻ vị thành niên vì lý do giới tính hoặc tình trạng thể chất của chúng. Họ cũng không được xúi giục, dạy dỗ, cho phép hoặc sử dụng trẻ em làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, Tân Hoa xã đưa tin.
Tuy nhiên, các bài báo không tiết lộ hình phạt nào sẽ được đưa ra cho những người vi phạm pháp luật. Phó giáo sư Jiang cho biết mặc dù đã có luật bảo vệ trẻ chống lại bạo lực, tuy nhiên, sẽ rất khó để cơ quan chức năng xác định và truy tố người vi phạm - vì nhiều bậc cha mẹ cho rằng họ đang kỷ luật con cái để giáo dục chúng.
"Sử dụng roi vọt để kỷ luật trẻ em là một truyền thống lâu đời ở Trung Quốc. Trong xã hội phong kiến, con cái phải nghe lời cha mẹ mọi điều. Ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn theo truyền thống này. Vì vậy, luật mới sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho phong cách nuôi dạy con cái của Trung Quốc.
Dưới xã hội cũ, cha mẹ cho phép giáo viên đánh vào lòng bàn tay con cái nếu chúng học không tốt. Nhưng trong thời đại hiện nay, giáo viên tại các trường học không được phép thực hiện bất kỳ hình thức trừng phạt thân thể nào với trẻ. Thế nên, tôi nghĩ, sẽ cần có thời gian để thay đổi suy nghĩ của mọi người", ông Jiang nói.
Thùy Linh (Theo SCMP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét