CanadaBenjamin và em gái ước có mùa hè tuyệt vời với cha tại Ontario, nhưng lại mắc kẹt ở Toronto với một nhà trị liệu và người mẹ mà chúng ghét.
9h sáng, một người phụ nữ trung niên tóc vàng vẫy tay với hai đứa nhỏ trong phòng khách ở một khu nghỉ dưỡng gần Toronto. Cô là một nhà trị liệu và lũ trẻ sẽ tham gia vào chương trình Family Bridges (Cầu nối gia đình) - chương trình xây dựng lại tình phụ tử hoặc mẫu tử cho những đứa con.
Benjamin, 15 tuổi và em gái Olivia nhìn qua cửa kính, ghen tỵ với những người đang leo lên ngọn núi thoai thoải. "Đây không phải là một kỳ nghỉ. Đây là một trại giam giữ để tẩy não", Benjamin nghĩ. Trong một khoảnh khắc cậu và em gái nhìn vào mắt nhau và thống nhất: "Chúng ta sẽ không bị mua chuộc".
Trước đó, ngày 20/6/2014, thẩm phán tòa án gia đình Ontario đã kết luận cha của Benjamin đang tiến hành một "chiến dịch toàn lực" để tách hai anh em khỏi mẹ. "Đây là một trong những vụ nghiêm trọng nhất mà tôi đã gặp trong 23 năm làm nghề", vị thẩm phán nhận xét trước khi giao quyền giám hộ tạm thời cho người mẹ Meredith, cấm người cha Scott tiếp xúc hai con. Tòa án cũng cho phép Meredith đăng ký điều trị cho hai con. Để tham gia chương trình này Meredith phải vay tín dụng 150.000 đôla.
Những đứa trẻ bị cha hoặc mẹ "nhồi sọ" và nảy sinh tâm lý thù ghét cha/mẹ còn lại khá phổ biến trong các cặp vợ chồng đã ly thân hoặc ly hôn. Ngay cả những bậc cha mẹ tỉnh táo nhất cũng đôi khi thấy mình đang gièm pha người cũ trước mặt con hoặc sử dụng tình cảm của con để trừng phạt người kia. Bác sĩ tâm thần William Bernet, giáo sư danh dự của Đại học Vanderbilt, ước tính có 37.000 trẻ em Mỹ là nạn nhân của hiện tượng này.
Một cô gái tên Kate kể, sau khi bố ra ngoài sống, mẹ đã đặt một hộp kim tiêm ở ghế sau xe hơi và tuyên bố rằng bố cô "có âm mưu tiêm thuốc cả hai mẹ con". Kate khi đó 7 tuổi, đã rất sợ hãi khi ngủ ở nhà bố. "Tôi có những cơn ác mộng khủng khiếp về cha tiêm thuốc và cố gắng giết tôi. Tôi thậm chí đã tập nín thở phòng trường hợp tôi phải giả vờ chết", cô kể. Khi Kate bước vào tuổi thiếu niên, cô tin rằng chính mẹ chứ không phải cha mới là người nguy hiểm. Và bây giờ cô đã được sống với cha theo lệnh của tòa án.
Khi bố mẹ chia tay năm Rebecca 12 tuổi, mẹ đã cầu xin cô và hai đứa em đừng đến thăm bố. Người mẹ và nhà ngoại đã cố gắng thuyết phục Rebecca rằng, cha không quan tâm tới 3 chị em vì hiếm khi đưa đi bơi, giúp làm bài tập hay tặng quà. Trong những dịp hiếm hoi đến thăm bố, người mẹ hướng dẫn con chụp ảnh email, tài liệu pháp lý và tin nhắn của bố. Trong vòng vài tháng, Rebecca đã chống lại cha mình. Mãi sau, khi tòa án ra phán quyết Rebecca về sống với bố thì cô mới hiểu trước đó bị mẹ "thao túng" thế nào.
Linda ở Michigan, một phụ nữ từng bêu rếu bạn đời trước mặt hai con đã đồng ý trả lời phỏng vấn của The Atlantic. Trong hồ sơ tòa án, Linda đã ngăn cản con gặp cha, kích động hai con hỗn láo với bố, mắng ông không trợ cấp cho con. Nhưng thực tế chồng cũ đã chi 12.000 đôla mỗi tháng cho cô nuôi con và đồng ý trả các chi phí đại học của chúng trong tương lai.
Trong cuộc trò chuyện, Linda cho biết cô đã làm thế khi thấy chồng cũ dành ưu tiên cho con của vợ mới hơn con của cô. "Tôi là một con gấu cái bảo vệ đàn con". Tất nhiên thẩm phán không chấp nhận lời giải thích của Linda và phạt 350 đôla cùng chi phí thuê luật sư cho chồng cũ. Thẩm phán cho biết lý do duy nhất giúp Linda không bị tống giam là vì chồng cũ đã yêu cầu.
Về Scott, không giải thích được tại sao anh, một người từng ở nhà nuôi con trước khi ly hôn, lại làm nhiều việc để hai con ghét mẹ tới thế. 12 năm trước, trong lúc chờ ly hôn, Scott mang theo hai con 7 và 9 tuổi về quê nghỉ hè. Mỗi tối ông nói xấu vợ như: bà ấy đã rút hết tài khoản ngân hàng của ông, bà ấy mắc chứng trầm cảm, nghiện thuốc theo đơn, quan tâm học sinh hơn con... Tự thoại của Scott trải dài từ vô vị đến lố bịch. "Mẹ các con nấu ăn dở tệ". "Ở trường đại học, mẹ các con chơi với một bạn nam đã giết người và mẹ con đã đồng lõa, biết cả nơi chôn xác"... Nửa đêm, Scott cho hai xem các video về các chứng rối loạn tâm thần. Cứ sau vài phút, ông bố sẽ tạm dừng video và nói "Thấy chưa! Đây là những gì mẹ các con đã làm".
Hết hai tháng hè, lũ trẻ về với mẹ, Scott sẽ gọi điện lúc 18 giờ. Hai đứa trẻ sẽ bỏ tất cả - từ bữa tối, chơi với bạn, bài tập về nhà, thậm chí cả tiệc sinh nhật của chúng - để nói chuyện với cha. Trong những cuộc gọi này, Scott tiếp tục buộc tội vợ cũ về mọi hành vi sơ suất.
Mùa xuân 2013, Meredith phát hiện Scott đã sắp xếp cho con trai mới học lớp 8 thay đổi nơi cư trú từ Toronto về thị trấn của Scott. Khi Meredith đối mặt với Benjamin, thằng bé hét lên: "Đồ khốn kiếp! Mẹ đã làm hỏng mọi thứ". Chị cũng phát hiện Benjamin đã viết một truyện ngắn có tựa đề "Death’s Joy", trong đó mô tả việc đâm chết mẹ và cha dượng, rồi tự vẫn. Lo lắng cho tâm lý của hai con, Meredith đã kêu gọi thẩm phán và đưa con đến nhà trị liệu nhưng luôn bị chồng cũ phá đám. Cuối cùng vào năm 2014, cô thuyết phục một thẩm phán chặn liên lạc với chồng cũ trong 90 ngày, để cho phép cô và các con tham dự một chương trình đoàn tụ. Scott cảnh báo "sự oán giận của bọn trẻ với mẹ sẽ ngày càng dâng cao và tổn thương sẽ không thể cứu vãn". Meredith sẵn sàng nhận canh bạc đó.
Trong 4 ngày, hai đứa trẻ dần ngộ ra đâu là "chính" và "tà". Olivia nghi ngờ bố khi xem bộ phim mang tên The Wave. Benjamin tỉnh ngộ từ một đoạn video - vốn bố từng mở nhiều đêm trước đó để hạ bệ mẹ. Nay khi chuyên gia mở ra xem, cậu khựng lại: "Chờ đã, đó là những gì bố làm với chúng tôi. Mọi chuyện dần dần được làm sáng tỏ từ đó", cậu nói.
6 năm sau khi được trị liệu, Olivia giờ là sinh viên năm hai ngành ngành nghiên cứu giới tính và xã hội học. Cô chia sẻ hai anh em đã không gặp bố trong 6 năm và cũng không nhớ ông. Đến giờ cô vẫn ám ảnh những con số nhấp nháy trên đồng hồ điểm 1 giờ, 2 giờ sáng, có lần 3h32 sáng, bố vẫn đánh thức cô dậy để lải nhải về mẹ. "Lúc đó tôi mới 7 tuổi. Tôi chỉ muốn ngủ. Cha là nguồn thông tin duy nhất. Tôi làm sao để phân biệt đâu là sự thật, đâu là vu khống". Sự khống chế của bố đã đánh cắp những khoảnh khắc bình dị của tuổi thơ cô. Cô cũng không dám đầu tư sâu vào tình bạn.
Còn Benjamin đang học năm 3, chuyên ngành nghiên cứu tâm lý. Nhiều ký ức năm lớp 8 đã biến mất. "Tôi đã quên ý định chuyển đến miền bắc Ontario và câu chuyện viết về việc tự tử", cậu nói. Khi xem lại các tài liệu tòa án và nhật ký của mình, cậu cảm tưởng "gần giống như đọc về người khác". Benjamin vẫn tức giận vì bố đã bóp méo tầm nhìn của cậu về mẹ, ông bà, về giá trị của riêng cậu. "Tôi vẫn vô cùng lo lắng về rất nhiều điều khác nhau. Ngay cả bây giờ, bạn sẽ nhận thấy tôi không giao tiếp bằng mắt với bạn", cậu nói.
Về phần Scott, lẽ ra có một mối quan hệ tốt với các con nếu tham gia tư vấn. Thay vào đó, anh ta bỏ đi và biệt tích từ đó tới nay. Các nhà trị liệu và luật sư cho biết việc cha mẹ xa lánh biến mất sau khi tranh giành quyền nuôi con là điều phổ biến bởi "những đứa trẻ chỉ là vũ khí nhắm vào bạn đời cũ".
Bảo Nhiên (The Atlantic)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét