Lúc con trai 11 tháng tuổi có biểu hiện biếng ăn, chị Huệ nghĩ ra cách làm những hộp cơm bento có tạo hình vui mắt, ngộ nghĩnh.
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, 29 tuổi, gồm chồng và hai con ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Từ lúc cậu con trai thứ hai được 6 tháng tuổi, chị bắt đầu cho con ăn dặm với phương pháp "tự chỉ huy" (Baby Led Weaning - BLW), nghĩa là cung cấp thức ăn để bé tự quyết định ăn món nào trước, món nào sau hoặc có thể từ chối ăn, cha mẹ tôn trọng quyết định của con. Sau hai tháng áp dụng BLW, chị chuyển sang nấu cháo và đút cho con ăn theo kiểu truyền thống.
"Đến lúc con khoảng 11 tháng tuổi thì 'tẩy chay' cháo, mẹ đút thìa cứ lắc đầu nguầy nguậy không chịu hợp tác. Từ đó tôi quyết định quay lại phương pháp cũ", người phụ nữ Hải Phòng cho biết.
Vì con đã ăn được thức ăn như người lớn nên hàng ngày chị Huệ làm hộp cơm trong lúc nấu cho cả nhà. Chị nêm gia vị nhạt hợp khẩu vị của con, thỉnh thoảng thêm rong biển, phô mai dành riêng cho trẻ em rồi múc ra trước sau đó mới nêm thêm để vừa ăn với người lớn. Trong lúc chờ thức ăn chín, chị tạo hình cơm thành những hình thù ngộ nghĩnh.
"Con ăn nhiều thức ăn nhưng lười ăn cơm nên tôi quyết định 'đầu tư' phần tạo hình để kích thích con ăn", bà mẹ hai con chia sẻ.
Chị Huệ làm một hộp cơm bento chỉ mất khoảng 5-15 phút làm thêm vài công đoạn. Ví dụ, có hôm cả nhà ăn bí đỏ, chị bỏ chút thời gian xay bí, lọc lấy nước trộn với gạo để cơm nấu ra có màu vàng. Tương tự, chị cũng thường làm cơm màu cà rốt, hoa đậu biếc... Thay vì cắt củ quả theo kiểu thông thường, chị dùng khuôn cắt thành những hình dáng đẹp mắt trang trí, cũng là cách bổ sung thêm vitamin từ rau củ cho con.
Hộp cơm đầu tiên không đẹp, mất nhiều thời gian nhưng sang đến hộp thứ hai bà mẹ đã làm nhanh và đẹp hơn. Bây giờ đã quen, chị Huệ không cảm thấy những hộp cơm bento chiếm quá nhiều thời gian nấu nướng của mình.
Thông thường, mỗi ngày chị Huệ chỉ làm một bữa cơm hộp bento nhưng có những thời điểm con biếng ăn, chị phải làm hai bữa. Trong tuần, có khoảng 1-2 bữa chị làm thêm những món như bún, phở, bánh mì đổi món. Cậu con trai tỏ ra rất thích thú với hộp cơm mẹ làm, ăn ngon và nhiều hơn so với kiểu ăn thông thường.
Nếu như trước đây, hễ vào bàn ăn là con lại sợ, mẹ đút thìa quay đi thì bây giờ con ngắm nghía hộp cơm một hồi rồi tự ăn một mình. Mỗi lúc mẹ chuẩn bị bữa cơm lại chạy đến nũng nịu đòi ăn. Bà mẹ Hải Phòng cũng hay tranh thủ dạy con về tên những con vật, màu sắc trong hộp cơm.
Để nặn được nhiều hình thù con vật cho hộp cơm, mỗi tối sau khi con ngủ, chị Huệ thường dành vài phút lên mạng xem thêm các nhân vật hoạt hình, sau đó lên ý tưởng cho thực đơn ngày mai. Ví dụ, khi chọn nặn hình những chú cừu, chị Huệ sẽ mua thêm bông cải, bí xanh chế biến các món cho gia đình, đồng thời kết hợp trang trí hộp cơm trông giống một bãi cỏ - một loại thức ăn quen thuộc của cừu.
"Nhiều mẹ nói với tôi nếu con quen ăn những hộp cơm đẹp mắt như thế thì sau này khi đi học sẽ khó hòa đồng với bữa ăn ở trường nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi xem những hộp cơm là cách thể hiện tình cảm, yêu thương với con. Bữa cơm nhiều hình tượng, nhiều màu sắc sẽ giúp con phát triển trí tưởng tượng thêm rất nhiều", chị Huệ chia sẻ.
Xem thêm hình ảnh những hộp cơm bento của chị Huệ
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét