Đà NẵngTrong lúc tuyệt vọng vì nghĩ mình không còn khả năng làm mẹ, Thảo Linh, tìm đến Dezso nhờ tư vấn, điều trị. Họ sau đó thành đôi và có con sau hơn một năm.
Đầu tháng 12, Dezso Molnar bay từ Đức sang Đà Nẵng sau gần một năm xa người vợ Thảo Linh và cậu con trai Aaron vì Covid-19. Ngắm con trai quấn quýt bên ba dù lâu mới gặp, hạnh phúc dâng đầy trong đôi mắt Thảo Linh. Từ khi có sự xuất hiện của đứa trẻ, chị đã biết nó sẽ là "liều thuốc" tốt nhất chữa lành vết thương lòng của mình và chồng.
Năm Thảo Linh 19 tuổi, chị mang thai con gái đầu lòng nhưng chưa kịp kết hôn, người yêu chị qua đời vì tai nạn giao thông. Không muốn bỏ giọt máu cuối cùng của người mình yêu thương, chị rời giảng đường đại học, chấp nhận tai tiếng để sinh Ben. Con lớn, chị đi học lại.
Mười hai năm kể từ ngày Ben chào đời, người mẹ trẻ mới nghĩ tới hạnh phúc riêng. Nhưng kết hôn được hai năm nhưng cuộc sống vợ chồng không lúc nào hết lục đục vì Thảo Linh mãi không mang bầu. "Các bác sĩ kết luận tôi bị vô sinh thứ phát. Tôi đã rất tuyệt vọng. Vì lý do này mà chúng tôi tan vỡ", chị kể.
Ly hôn, nhưng Thảo Linh không cam lòng chấp nhận hiện thực khi không biết rõ nguyên nhân. Chị nhờ bạn giới thiệu một bác sĩ sản khoa ở nước ngoài tư vấn giúp. Người này kết nối chị với Dezso Molnar, một bác sĩ sản khoa rất nổi tiếng người Hungary, đang làm việc ở Đức. Thỉnh thoảng, Dezso vẫn sang Việt Nam công tác và làm việc. Chị quyết định gửi mail cho anh. Suốt hai tháng, hai người thường xuyên trao đổi nhắn tin và dần trở nên thân thiết.
Tháng 11/2018, Dezso sang Việt Nam công tác. "Ngay khi gặp cô ấy, tôi đã biết mình 'bị sét đánh'. Trong đầu tôi nghĩ 'tôi muốn lấy cô ấy làm vợ'", Dezso nhớ lại lần đầu gặp mặt. Sáu năm trước, người đàn ông này cũng đã ly hôn. Ba con trai và một gái đều sống cùng bố.
Đọc các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp chị Linh đưa, Dezso bảo: "Em có bị làm sao đâu". Thảo Linh không tin nhưng khi anh đề nghị khám, chị lại ngại nên từ chối.
Đáp lại tấm lòng của người bạn mới, Thảo Linh đưa Dezso đi tham quan Đà thành. Bác sĩ người Hungary thích đến bảo tàng, di tích lịch sử Việt Nam, vui khi biết Thảo Linh là con nhà lính. Chị khiến người bạn ngoại quốc nể phục vì am tường lịch sử quân sự Việt Nam.
Dezso cũng làm Thảo Linh mềm lòng khi đứng khóc trước những hiện vật thời chiến trong bảo tàng. "Anh nói người Do Thái từng bị phát xít Đức diệt chủng trong chiến tranh thế giới thứ hai nên rất đồng cảm trước những nỗi đau dân tộc Việt Nam trải qua. Anh ấy nể phục người Việt", chị Thảo Linh nói. Gần gũi nhau, cả hai đều biết mình đã rung động.
Rời Việt Nam, ba tháng sau anh bác sĩ ngoại quốc đã quay lại, ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình chị với tư cách bạn trai.
Yêu nhưng Linh không tự tin bước vào cuộc hôn nhân mới sau hai lần đau khổ. Chị sợ khác biệt về văn hóa, con cái và dư luận.
Hiểu suy nghĩ của người yêu nên sau khi về nước, Dezso đưa hai con, một trai, một gái trở lại Việt Nam giới thiệu với bạn gái. "Tôi muốn con biết tôi nghiêm túc và để các con hiểu, học cách cư xử tốt với gia đình cô ấy. Tôi cũng muốn chứng minh với Linh tôi rất trân trọng mối quan hệ này", Dezso nói.
Ở nhà Thảo Linh suốt hai tuần, hai thanh niên Hungary ăn tất cả món Việt chị nấu. Adam, 28 tuổi, con cả của Dezso thường bê bát đi rửa mỗi khi mọi người ăn xong. Họ cũng chủ động làm thân với Ben, con gái chị, rủ bé đi chơi, đi ăn.
Khi Adam và em gái về, Daniel, 26 tuổi, cậu con thứ ba của Dezso, lại sang Việt Nam. Nghe Thảo Linh giải thích về cách xưng hô của người Việt, cậu tỏ ra chăm chú. Một buổi chiều, Linh vừa bước vào cửa, cậu hí hứng lao từ trên gác xuống: "Biết gọi 'ông ngoại', 'bà ngoại' rồi. Từ nay cho phép con gọi ba mẹ của cô là 'ông ngoại', 'bà ngoại' nhé". Phút đó khiến Linh cảm động.
Nhưng bất ngờ hơn cả với Thảo Linh là khi sang Hungary thăm gia đình Dezso. Truyền thống của đất nước này là trước cửa nhà thường có biển gắn tên vợ và chồng. Hôm đến, Adam dẫn chị đến trước cửa nhà, chỉ vào bảng tên "Nhà của ông bà Dezso - Thảo Linh". Cậu đã tự tay đặt bảng tên mới, thay vào bảng cũ của gia đình.
Đến nhà riêng của Adam và vợ, chị Linh thấy họ dọn phở, chả ram lên bàn ăn, so đũa cho mọi người. Monica, cô con dâu người Hungary nói chuyện với chị bằng tiếng Việt. Cô là một nghệ sĩ từng sang Việt Nam học và làm việc một năm. Yêu Việt Nam, Monica có thể nói và viết tiếng Việt trôi chảy.
Bố đẻ của bác sĩ Dezso là giáo sư, đã từng dạy rất nhiều sinh viên Việt Nam tại Hungary. Vì vậy, ông hay kể với con về văn hóa và con người đất nước Á Đông. Mọi người trong gia đình Dezso đều biết dùng đũa và trong bếp luôn có một chai nước mắm.
"Tôi đã gạt bỏ mọi lo lắng để tin đây sẽ là gia đình mới của mình. Ở cách Đà Nẵng gần 9.000 km mà tôi nghĩ như đang ở nhà", Thảo Linh vững tâm hơn.
Mối quan hệ của hai người cũng trở nên nồng ấm. Tuy nhiên, khi Dezso đề nghị đưa bạn gái về phòng khám của mình kiểm tra, chị vẫn nhất mực từ chối.
Sau chuyến thăm gia đình bạn trai vài tuần, Thảo Linh bị cảm nên đến bệnh viện khám tổng quát. Bác sĩ kết luận chị có thai. "Về bỏ cái ông đó đi. Bác sĩ sản khoa gì mà người yêu có thai 10 tuần rồi không biết", bác sĩ siêu âm cho chị nói đùa.
Người phụ nữ Việt gửi bức hình chụp kết quả siêu âm thai gửi cho bạn trai. "Anh đang họp, lát anh gọi lại sau nhé. Nhưng như này là có thai rồi đấy", anh nhắn lại bạn gái. Dezso vẫn nghĩ Thảo Linh gửi kết quả siêu âm thai của một người bạn nào đó muốn nhờ tư vấn, như trước nay vẫn thế.
"Kết quả siêu âm đó là của tôi đấy, đồ ngốc", chị nhắn lại. Dezso lập tức gọi điện cho các con thông báo tin mừng. Anh cũng đền bù hợp đồng ở Đức để bay sang Việt Nam. Có con, niềm hạnh phúc cũng choán hết nỗi lo trong lòng Thảo Linh, nhưng bà Đặng Thị Miên, 65 tuổi, mẹ chị vô cùng lo lắng. "Tôi nghĩ bốn đứa con sống ở Hungary nhưng Dezso vẫn sang Đức làm việc, thì chẳng có lý do gì cậu ấy lại đến Việt Nam vì con gái mình", bà Miên kể lại.
Tuy nhiên, chàng rể tương lai của bà đã quyết định sang Việt Nam tìm việc làm để được ở gần vợ và con trai sắp sửa chào đời. Khi Thảo Linh sinh con được một tuần, các con của Dezso đều bay sang Việt Nam thăm em. Bé Aaron được bốn tháng tuổi, hôn lễ của cặp dâu Việt, rể Hungary được tổ chức tại quê hương của anh.
"Khi bố mẹ ly hôn, chúng tôi đã không còn tin vào tình yêu và không muốn có con, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi mẹ Linh và em Aaron đến", Daniel nói.
Vì công việc, Dezso vẫn phải qua lại giữa Việt Nam - Đức - Hungary. Anh chỉ được sang Việt Nam gặp vợ con hai tháng cuối năm, rồi lại phải về Đức. Tuy vậy, Dezso và vợ vẫn cố gắng duy trì dự án tư vấn miễn phí cho phụ nữ hiếm muộn tại Việt Nam.
"Tôi từng trải qua cảm giác tuyệt vọng, tự ti vì nghĩ mình không còn khả năng mang thai nên rất hiểu đồng cảm với phụ nữ hiếm muộn. Ngoài tư vấn chuyên môn của Dezso, qua dự án, tôi muốn truyền động lực, sự tự tin cho các chị em để sớm đón những thiên thần của riêng mình".
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét