Tầng 7 một tòa nhà, cặp đôi ngoại quốc bực bội vì không thấy ai tại bàn làm thủ tục nhận phòng. Một cánh tay thò qua tấm rèm và sờ vào thẻ tín dụng trên quầy.
Cánh tay nhanh chóng rút lại và sau một lúc ẩn mình, thì thầm, một nhân viên lễ tân đành phải xuất hiện ở hành lang không cửa sổ, để hướng dẫn. Sau cặp nước ngoài, một cặp người Nhật lặng lẽ nhận phòng mà không cần chạm mặt nhân viên. Họ tự lựa chọn chủ đề phòng của mình trên màn hình tự động.
Trong những năm gần đây, loại hình khách sạn này đã trở thành nơi giao thoa giữa các nền văn hóa. Bên cạnh khách nội địa, du khách quốc tế cũng đặt phòng trực tuyến mà không biết sẽ gặp nhiều rắc rối như vậy.
Hình thức khách sạn tình yêu này xuất hiện lần đầu tiên ở Osaka vào cuối những năm 1960, ban đầu phục vụ cho các cặp vợ chồng muốn thoát khỏi đại gia đình để có vài giờ thân mật riêng tư. Các khách sạn này đảm bảo tuyệt đối bí mật và loại bỏ sự tiếp xúc trực tiếp với nhân viên. Theo truyền thống, khách ở trong phòng trong suốt thời gian lưu trú và chỉ tương tác với nhân viên qua màn hình hoặc điện thoại.
Shishido-san, người điều hành một khách sạn kiểu này ở miền bắc Nhật, giải thích văn hóa Nhật Bản còn chưa cởi mở nên các khách sạn tình yêu đáp ứng nhu cầu. "Người Nhật có xu hướng không công khai nhiều về tình dục. Các khách sạn tình yêu là cần thiết như một không gian để giải phóng ham muốn tình dục của họ", anh nói.
Vào thời kỳ hoàng kim những năm 1980, có đến 30.000 cơ sở "khách sạn tình yêu" thì đến nay chỉ còn khoảng 10.000. Lý do chính là dân số Nhật Bản đang già đi, đồng nghĩa với việc ít người trẻ muốn đến đây hơn. Tuy nhiên, mỗi ngày ước tính có khoảng 1,4 triệu người Nhật đến thăm khách sạn tình yêu và các nhà phân tích tin rằng ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 2-3 tỷ yên mỗi năm.
Trước khi đại dịch bùng nổ, các "khách sạn tình yêu" đã nỗ lực cải tổ sang phục vụ khách nước ngoài. Năm nay đại dịch toàn cầu đã xóa sổ du lịch quốc tế. Nhật Bản đã đóng cửa biên giới với hầu hết các quốc gia và lượng du khách nước ngoài giảm tới 99% kể từ tháng 4. Bất ngờ trong thời đại giãn cách xã hội, mô hình "khách sạn tình yêu" lại "hot" bởi đây không chỉ là địa điểm kín đáo, riêng tư, còn trở thành nơi lý tưởng để tránh xã hội. Bên cạnh đó, mô hình không tương tác với nhân viên thực sự mang lại hiệu quả khi phải hạn chế giao tiếp.
Người đại diện một khách sạn ngoại ô Tokyo cho biết cơ sở của họ đã ghi nhận sự gia tăng nhu cầu từ giới trẻ Nhật Bản, vốn đang ở trong các không gian sống bí bách, cách âm kém, sống chung với gia đình. "Nhân viên của chúng tôi thấy nhiều biển xe của khách hàng từ bên ngoài tỉnh, đặc biệt là cư dân Tokyo đã lẻn ra ngoài. Dù có các lệnh giãn cách xã hội, họ đã âm thầm hội tụ về các khách sạn ở một số địa phương", người này nói.
Một hashtag trên Twitter có tiêu đề "Lời thì thầm của nhân viên khách sạn yêu", thường chia sẻ những điều kỳ lạ hoặc khó chịu xảy ra tại nơi họ làm việc. Nhưng gần đây, các chia sẻ chỉ đang than thở về việc họ bận rộn thế nào. Một người viết: "Tôi đang rất bận. Tôi thực sự cần nghỉ ngơi. Bao giờ cho hết Covid-19?".
Trong dịch, khách đông đồng nghĩa công việc của nhân viên cũng tăng lên. Họ không chỉ dọn dẹp như bình thường mà còn mất nhiều thời gian khử trùng kỹ lưỡng các phòng. Theo J-Cast News, các "khách sạn tình yêu" ở tỉnh Kanagawa đã có doanh số tăng vọt từ các du khách đến từ Tokyo. Trái với ngành du lịch, khách sạn đi xuống, "khách sạn tình yêu" lại ăn nên làm ra.
Người phát ngôn của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản cho biết các khách sạn trên khắp đất nước đã thực hiện các biện pháp an toàn mới, bao gồm "quét mã QR, miếng chắn nhựa tại bàn lễ tân, kiểm tra nhiệt độ và tăng cường vệ sinh"...
Liam, một du khách đến từ London đã ở tại một khách sạn tình yêu rẻ tiền ở Osaka vào tháng Hai chia sẻ: "Ai đó nói với tôi rằng đặt phòng ở đây là điều nên trải nghiệm khi đến thăm Nhật Bản", anh nói. Phòng có giường cỡ siêu lớn, máy hát karaoke, bể sục, bao cao su, mỹ phẩm miễn phí, máy bán đồ chơi tình dục tự động và đèn chiếu sáng theo tâm trạng. "Lễ tân có vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi muốn nói chuyện với một nhân viên", anh nói.
Hồi đó Liam từng thấy buồn cười khi nhân viên để đồ ăn uống và trang phục ở lối vào thay vì giao trực tiếp. "Lúc đó tôi cảm thấy thật ngớ ngẩn, nhưng nếu bây giờ quay lại, tôi sẽ cảm thấy khác", chàng trai nói.
Sau nhiều tháng chôn chân ở Anh, Liam đã nhận thức được sự cần thiết của việc bảo vệ bản thân khỏi virus, cũng như bảo vệ người xung quanh. "Không tiếp xúc là điều tốt trong thời đại dịch bệnh. Thay vì cố biến các khách sạn tình yêu trở nên giống cơ sở truyền thống, có thể đại dịch sẽ thay đổi hướng du lịch và các khách sạn bình thường sẽ phải thay đổi để giống như khách sạn tình yêu", anh cho biết.
Bảo Nhiên (Theo Atlasobscura/Asiatimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét