Thái NguyênThuê được mảnh đất 100 m2, Nguyễn Thị Ngoan lập tức trả phòng trọ ở Hà Nội lên Thái Nguyên tự tay bê gạch, xây nhà, dựng vườn, sống điền viên ở tuổi 27.
Đang tưới nước cho luống rau trước nhà, bà hàng xóm đi ngang qua giúi vào tay Ngoan mấy quả bưởi rồi lại quay đi. Cô gái vừa đặt bưởi lên chiếc bàn được chế từ cánh cửa sổ cũ, thì đàn gà vịt lục tục kéo nhau về đòi ăn. Vẩy ít cơm nguội cho chúng xong, cô kéo tay áo vuốt mồ hôi trên trán mỉm cười mãn nguyện. "Mới về quê được nửa năm nhưng tôi chỉ mong cuộc sống của mình mãi bình yên như thế này", cô gái từng tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa của ĐH Kiến trúc chia sẻ.
Trên mảnh đất 100 m2 thuê cạnh nhà chị gái, suốt hơn sáu tháng qua, cô tự xây một căn nhà cấp 4 rộng 20 m2 và cải tạo mảnh vườn để trồng rau, thả cá. Mới ngày nào còn cuốc đất đổ thành từng luống, dựng hàng rào, làm đường đi... nay cây cối đã xanh mướt. Cây hoa giấy, dậu mồng tơi trong vườn đã bám bén rễ vào vùng đất đồi, vươn cành cao từng ngày. Nhà cách xa chợ, không có siêu thị nên mảnh vườn chính là nơi cung cấp thực phẩm hàng ngày cho Ngoan.
"Với tôi về quê không phải để trốn chạy mà về để được làm điều mình muốn", Ngoan nói.
Là con nhà nông ở Kim Bảng, Hà Nam nên suốt những năm học Đại học Kiến trúc, Ngoan đều phải đi làm thêm để tự nuôi thân. Ra trường, cô xin được vào làm thiết kế tại một xưởng mộc chuyên gia công đồ chơi trẻ em. Một lần tình cờ xem được một bộ phim tài liệu nói về những đàn cá hồi ngược dòng về đầu nguồn sinh con, ý tưởng chế tác những chú cá gỗ mang thông điệp khác nhau như cá voi xanh để bảo vệ môi trường, cá chép thể hiện nỗ lực không ngừng vượt vũ môn hóa rồng... ra đời. Ban đầu, không ai tin là sản phẩm này có thể bán được.
Ngoan xin nghỉ việc, mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán sản phẩm tự tay thiết kế. Cô tự cải tạo cửa hàng từ một nơi ẩm thấp, gần nhà vệ sinh không ai ngó ngàng tới thành một địa điểm check-in được nhiều người trẻ săn lùng. Cũng từ đó, cá gỗ của Ngoan bắt đầu được chú ý và xuất hiện những khách hàng đầu tiên.
Công việc dần ổn định thì mẹ mắc bệnh nặng. Trước khi qua đời, bà dặn cô con gái út: "Đừng như mẹ, làm ít thôi, lo cho sức khỏe bản thân nhiều hơn". Tháng 2 năm nay, bất ngờ người chủ đòi lại cửa hàng. Ba tháng chỉ ở nhà trọ vì dịch Covid-19, Ngoan bắt đầu suy tính về hướng đi mới, rời xa thành phố. "Về quê, dựng một căn nhà nhỏ, thiết kế góc làm mộc, phía trước có khu vườn nhỏ trồng rau... thế là có cuộc sống hoàn toàn của mình", Ngoan nhớ tới lời dặn dò trước đó của mẹ.
Nghĩ là làm, ngày hôm sau cô gọi cho chị gái đang ở Thái Nguyên nhờ thuê giúp mảnh đất kế nhà. Chị gái phản đối, khuyên cô tiếp tục "bám trụ" ở Hà Nội chứ đừng về quê làm gì cho khổ. "Bố mẹ mất rồi, đi đến đâu thì nơi đó là nhà", cô nói và khẳng định, "Không ai sống cuộc đời thay em được. Được làm điều mình thích thì đó mới là cuộc sống".
Trên mảnh đất thuê 100 m2, Ngoan tự thiết kế căn nhà và khu vườn tương lai. Không có bản vẽ, tất cả ý tưởng chỉ được truyền đạt cho thợ xây bằng miệng. Để tiết kiệm chi phí, trừ việc của người thợ, còn lại tự tay cô làm mọi thứ. Ngoan xin những cánh cửa cũ bỏ đi, dùng giấy nhám chà hết bụi bẩn, sơn sửa lại tận dụng làm cửa ra vào, hàng rào, chỗ treo cây. Tiết kiệm công thợ, cô gái cũng tự bê gạch xây nhà dù mỗi viên nặng tới 20 kg. Hàng ngày cô phụ vữa, xúc đất, dựng hàng rào, đổ đất cải tạo vườn... những việc trước đây chưa bao giờ mó tay tới. Sau ba tháng, đôi bàn tay trở nên thô ráp chai sần, mỗi khi cầm bút vẽ đều run rẩy. Phải hơn một tháng sau, cô mới có cảm giác cầm lại bút vẽ bình thường để làm việc.
Đổi lại, căn nhà nhỏ như mơ ước được hình thành. Vốn là người thích nấu ăn và đam mê đồ thủ công, Ngoan tự tay thiết kế cho gian bếp bằng chất liệu gỗ, mây tre rồi trang trí thêm bằng những chú cá gỗ. Sống một mình nên đồ đạc trong nhà khá đơn giản. Ngoài gian bếp nhỏ có hai ô cửa sổ đầy nắng, cô còn có một phòng làm việc đủ rộng để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo mỗi ngày.
Sống ở một vùng quê không ồn ào, tấp nập như thành phố, hàng ngày Ngoan dậy từ 6h sáng rồi cho gà, vịt, chó mèo ăn, tưới cây, hái hoa cắm lọ và đi loanh quanh ngắm vườn. Cô chỉ bắt tay làm cá gỗ bán online khi tinh thần cảm thấy sảng khoái nhất. Buổi chiều khi công việc hoàn thành, cô lại tự nấu nướng, chơi với cháu gái cạnh nhà hoặc đi nhặt nhạnh những thứ vụn vặt như cành cây, miếng gỗ bỏ đi, vỏ trứng... tái chế thành những món đồ trang trí. Khác Hà Nội, ở quê Ngoan có nguồn nguyên liệu phong phú để cô thỏa sức hiện thực hóa mọi ý tưởng của mình.
Khu vườn của Ngoan không quá xum xuê các loại rau củ quả nhưng cũng đủ cung cấp nguồn thực phẩm mỗi ngày. Một tuần cô chỉ đi chợ xã một lần mua bổ sung nguồn thịt tươi sống vào các buổi chợ phiên. Thực đơn cũng nảy ra bất chợt với nguyên liệu có sẵn trong nhà mà không hề tốn thời gian ngồi nghĩ hôm nay ăn gì.
Về quê sống, cô gái 27 tuổi không thấy cuộc sống thay đổi gì nhiều vì vẫn làm việc bình thường, chỉ khác là có mảnh vườn và đàn gà vịt cần chăm sóc. Hàng ngày cô vẫn có thể kết nối với bạn bè, người thân qua Internet. Rảnh rỗi, Ngoan lại mang máy ảnh đi chụp cho mọi người trong xóm, hoặc ra vườn nhổ cỏ trồng cây, vui thú điền viên.
Cô gái này cho biết, mảnh đất này được thuê trong 10 năm. Nếu một ngày chủ đất đòi lại thì cũng sẵn lòng bởi không ai biết được ngày mai mình sẽ ra sao, vậy nên cô muốn sống hết mình cho ngày hôm nay.
"Tôi đang sống đúng với sở thích của bản thân. Đó là một cuộc sống nhẹ nhàng để tận hưởng được sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn", cô gái 27 tuổi nói.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét