Trung QuốcTừng bị các phụ huynh yêu cầu đuổi học vì tính khí hung hăng, Trì Diệc Dương trở thành tuyển thủ bóng bầu dục nổi tiếng nhờ cô hiệu trưởng trường mẫu giáo.
Mười hai năm trước, Trì Diệc Dương là cậu bé nhiều năng lượng, bày đủ trò như đào đường hầm, chơi trận giả và có tiếng là hay... đánh bạn. Trong giờ học cậu ta luôn gác chân lên bàn. Đã vài lần, phụ huynh của học sinh khác tìm gặp hiệu trưởng yêu cầu đuổi học cậu bé.
Lúc đó, ít ai ngờ sẽ có ngày Trì Diệc Dương trở thành đội trưởng của đội tuyển bóng bầu dục thiếu niên Trung Quốc, tham dự World Cup Rugby 2019 tại Nhật Bản. Trên đấu trường, Trì thi đấu quyết liệt với đối thủ và luôn sát cánh cùng đồng đội. Trên sân tập, cậu là đội trưởng được nhiều người quý mến và nể phục.
Lúc 5 tuổi, Trì học tại trường mẫu giáo có tên Ba Học Viên, được thành lập bởi cô giáo họ Lý, người nổi tiếng với câu nói: "Điều quan trọng nhất còn thiếu trong nền giáo dục chính là quan sát trẻ em".
Khi Trì Diệc Dương bắt nạt bạn và bị nhiều phụ huynh đề nghị đuổi học, cô Lý kiên quyết từ chối. Cô đã kiên nhẫn quan sát Trì trong 3 tuần và phát hiện ra đây không phải là một học sinh xấu tính. Mặc dù cách cư xử của Trì hơi độc đoán nhưng cậu bé đầy tính sáng tạo và luôn nghĩ ra trò chơi mới đủ thú vị để lôi kéo bạn bè. Những đứa trẻ khác sẵn sàng tham gia vào đội của Trì. "Tính thủ lĩnh của cậu bé đáng được ghi nhận", cô Lý nói.
Để thay đổi cậu bé, vị giáo viên này đã hướng dẫn cậu bé xây dựng các quy tắc trong lớp học và hòa đồng với bạn khác. Một lần Trì giật chiếc gậy từ người bạn có tên Lưu Bỉnh Đống, khiến bạn khóc nức nở. Khi giáo viên yêu cầu phải xin lỗi, cậu bực bội, vung gậy hét lên: "Nếu ai trong các ngươi dám nói lại, ta sẽ đánh cho nát thịt".
Cô giáo Lý đã không chỉ trích hay ra hình phạt với Trì, cũng không thu lại cây gậy. Sau khi cậu bình tĩnh, cô hỏi nguyên nhân cướp gậy của bạn. Thì ra Trì theo cha mẹ du lịch nước ngoài hai tuần, đây là ngày đầu cậu trở lại trường sau kỳ nghỉ. Xưa nay cậu bé này luôn là thủ lĩnh trong đám trẻ, nhưng khi quay lại dường như xuất hiện ‘thủ lĩnh" mới, đó chính là Lưu Bỉnh Đống.
Nhận thấy tình thế khủng hoảng, Trì lập tức cướp lại chiếc gậy - vốn tượng trưng cho địa vị "kẻ đứng đầu". "Thực chất Trì không cần gậy gỗ, cậu bé chỉ muốn thể hiện bản lĩnh dẫn đầu của mình bằng cách tranh giành cây gậy", cô giáo Lý giải thích.
Có lẽ trong mắt nhiều phụ huynh, việc dành gậy của Trì là hành động bắt nạt hay một trò quậy phá. Nhưng cô giáo Lý có thể nhận thức nhiều hơn qua hành động này. Vị trí lãnh đạo mất, Trì phải hành động để đạt lại thứ vị cũ. "Nếu chịu khó quan sát, trẻ con không xấu như bạn nghĩ", cô nói.
Sau vụ việc chiếc gậy, Trì lại gặp rắc rối khi đánh một bạn khác trong lớp, người bạn này dọa sẽ báo cảnh sát. "Có tin là tớ sẽ cho cậu phải câm họng trước khi gọi cảnh sát không", Trì chế nhạo.
Trong toàn bộ cuộc điều tra sau đó, cô giáo Lý không phán xét mà lắng nghe cẩn thận từ hai phía. Chân tướng sự việc dần được sáng tỏ: Hóa ra Trì đội mũ của bạn và cúi đầu xuống muốn người bạn tự đến lấy mũ. Còn bạn kia muốn Trì phải tự cởi mũ trên đầu trả lại mình, điều này gây ra hiểu lầm. "Đó không phải là trò bắt nạt mà người lớn tưởng tượng", cô Lý nói. Vị giáo viên này chia sẻ: "Chỉ khi làm tổn thương người khác một cách ác ý mới có thể bị gọi là bắt nạt. Xung đột giữa những đứa trẻ dưới 6 tuổi không phải là vấn đề đúng sai mà người lớn thường hiểu".
Mặc dù Trì quá hiếu động, làm tổn thương tới bạn chơi của mình nhưng khi mâu thuẫn được giải quyết, cậu bé ngay lập tức hát và pha trò để người bạn vui vẻ. Cậu cũng không quan tâm tới việc vừa xảy ra và tiếp tục rủ rê mọi người cùng tới chơi. "Một số trẻ có hành vi mà người lớn hay cho rằng ‘xấu" như Trì thực ra không đến nỗi tệ", cô Lý đánh giá.
"Trẻ em là đôi chân, giáo dục là đôi giày", đây là quan điểm được đưa ra bởi cô giáo Lý. Hàm ý là giáo dục nên được điều chỉnh theo các đặc điểm khác nhau của mỗi đứa trẻ và được điều chỉnh kịp thời khi trẻ thay đổi.
Ban đầu, khi Trì được hướng dẫn để hòa đồng hơn với các bạn, cậu bé rất bất hợp tác. Cô quan sát kỹ hơn và điều chỉnh phương pháp giáo dục của mình. Khi cậu bé bực bội, cô nói: "Con được các bạn bầu làm thủ lĩnh phải không? Chúng ta muốn một thủ lĩnh phải cư xử thật tốt". Khi phân chia đồ chơi, thấy Trì ỷ mạnh để lấy nhiều hơn, cô nói: "Con phải hành động công tâm khi con là một thủ lĩnh". Vị giáo viên đã sử dụng phương pháp này để cho Trì hiểu rằng muốn trở thành một người đứng đầu, cần phải được mọi người chấp nhận. Thủ lĩnh không phải là chiến đấu giành vị trí bằng vũ lực mà sử dụng trí tuệ để thuyết phục mọi người.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, Trì dần thay đổi. Khi hai bạn nhỏ ở trường mầm non xảy ra mâu thuẫn, cậu đã thể hiện khả năng giải quyết như một thủ lĩnh thực thụ. Bắt chước cô giáo, Trì hỏi rõ nguyên nhân, tìm ra khuất tất vụ việc. Hai bạn nhỏ nghe theo lời chỉ đạo của Trì, một lúc sau lại chơi đùa cùng nhau.
Ở tiểu học, Trì học rất yếu và thường xuyên bị phạt vì không làm bài tập. Cậu bé luôn bực bội như một con thú bị nhốt trong lồng. Đến khi tiếp xúc với bóng bầu dục năm đầu cấp 2, cậu bé mới hoạt bát trở lại. Tuy nhiên bóng bầu dục không thể thay thế các môn học khác.
Trước sự chậm chạp của Trì, mẹ cậu không khỏi lo lắng, nhưng người cha có thái độ cởi mở hơn và ủng hộ con trai theo đuổi đam mê. Khi Trì tham gia đội tuyển bóng bầu dục, luyện tập rất bận rộn nhưng cậu vẫn dành thời gian chia sẻ với bố chuyện tình cảm. Bố của Trì không coi thường những cảm xúc đầu đời của con mà còn chia sẻ với con kinh nghiệm hẹn hò thời đại học của mình, họ nói chuyện với nhau như hai người bạn.
Cô giáo Lý và bố của Trì đã không ngừng quan sát và điều chỉnh kịp thời phương pháp dạy dỗ theo sự phát triển của cậu bé, từ đó Trì đã xây dựng được một tính cách hoàn chỉnh dựa trên những đặc điểm của riêng mình, có sức mạnh vượt qua khó khăn để trưởng thành và tìm thấy vị trí của mình trong xung đột.
Hiện Trì Diệc Dương đã nhận được học bổng của một trường đại học ở Mỹ, nơi cậu có cơ hội phát triển khả năng chơi bóng bầu dục.
Đạo diễn Trương Đồng Đạo đã dành 12 năm để ghi lại sự trưởng thành của hơn chục đứa trẻ tại trường mẫu giáo Ba Học Viên. Kinh nghiệm trưởng thành của Trì Diệc Dương là tiêu biểu nhất.
Vào ngày 3/9 vừa qua, bộ phim tài liệu có tên "Zero Post" (Sinh sau năm 2000) đã được công chiếu. Đạo diễn Trương Đồng Đạo nói rằng, bộ phim là minh chứng rõ nhất cho thấy giáo dục ảnh hưởng lớn như thế nào để biển đổi Trì Diệc Dương - một trẻ hay bắt nạt người khác - thành một người hùng mang vinh quang về cho đất nước.
Hải Hiền (Theo sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét