Quảng NamNhững chiếc quần xanh cũ mạnh thường quân tặng quá rộng, học sinh mặc kéo dài đến tận cổ, cô Thu Ba cắt và dùng kim chỉ may lại bằng tay để các em mặc vừa.
8h45 phút, hồi trống báo hiệu giờ ra chơi vừa dứt, những học sinh của điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, Nam Trà My ùa ra sân. Trong lớp 5/2 chỉ còn lại cô Nguyễn Thị Thu Ba. Cô bắt đầu trải chiếc quần đồng phục màu xanh lên bàn giáo viên, lấy cây kéo và kim chỉ trong túi xách ra, tranh thủ sửa lại.
"Vừa xin được 33 bộ đồng phục cho tụi nhỏ nhưng chỉ có 13 bộ váy của nữ các em mặc vừa, 20 bộ của nam thì quá rộng, không thể mặc được. Có em mặc vào, quần kéo lên đến tận cổ nên tôi đành ngồi tháo ra, khâu lại cho vừa để các em có cái mặc", cô giáo 32 tuổi nói.
Điểm trường tiểu học Trà Tập tập trung con em các gia đình dân tộc thiểu số của huyện Nam Trà My - huyện miền núi nghèo và khó khăn nhất tỉnh Quảng Nam. Hầu như năm học nào, các thầy cô chủ nhiệm cũng phải kết nối với các mạnh thường quân ở miền xuôi để xin đồng phục, dép, nón... cho học sinh của mình.
Sáng 1/10, lớp 5/2 của cô Thu Ba nhận được "quà" từ thành phố gửi lên. Những bộ quần xanh áo trắng cũ được giặt sạch, xếp gọn gàng trong túi nilong, nhưng khi cô đưa các em nam ướm thử nhưng không vừa.
Thương học trò không có đồng phục mặc, cô giáo trẻ tự mình sửa lại để vừa với cỡ của mỗi em. Vì không có máy may nên cô khâu bằng kim chỉ sẵn có trong nhà. Những chiếc quần cũ bị dài ống, cô trải ngay trên mặt bàn giáo viên cắt ngắn lại rồi lên lai. Những chiếc quá rộng, cô tháo đường may ở lưng, may lại cho vừa vòng eo.
Cô Lưu Thị Nghĩa, hiệu phó của trường chia sẻ: "Đa số học sinh của trường là con hộ nghèo. Nhiều phụ huynh không sắm nổi đồng phục cho con. Mọi năm cô Thu Ba xin được đồ vừa vặn, chỉ có năm nay đồ rộng quá phải sửa. Nếu ra tiệm sửa cũng mất 20 nghìn một bộ, không muốn các em phải đóng thêm tiền nên cô giáo tự làm".
Vậy là cứ tranh thủ 20 phút giờ ra chơi và những buổi chiều nghỉ dạy, sau 3 ngày cô Thu Ba đã sửa lại được 20 chiếc quần và một chiếc váy cho học sinh của mình. Xong việc, bàn tay cô giáo mỏi nhừ với vô số vết mũi kim đâm rướm máu. "Hơi mỏi tay một chút nhưng chi phí chưa đến 50 nghìn. Tình cảm cô trò cũng trở nên gắn kết hơn", cô Thu Ba tâm sự.
Đây không phải là lần đầu tiên cô Thu Ba làm việc này. Trước đây, những lúc quần áo của các em sứt chỉ cô đều may lại cho các em. Thấy tóc các em dài, cô cũng kiêm luôn thợ cắt tóc cho lũ trẻ.
"Những thầy cô ở trường giỏi lắm, nấu ăn, tắm rửa, mỗi thầy cô đều có một cái tông đơ và kéo để cắt tóc cho học sinh. Thấy học sinh thiếu thốn thì đi xin từ mạnh thường quân. Thầy cô nào xin được nhiều thì chia sẻ bớt cho những lớp mà thầy cô xin được ít hơn", cô Nghĩa cho biết thêm.
Anh Nguyễn Tấn Nguyên, 28 tuổi, người thường có những chương trình đem quà lên điểm trường Trà Tập chia sẻ: "Nhóm thiện nguyện của tôi thường ưu tiên tặng quà cho học sinh các điểm trường ở huyện Nam Trà My vì huyện miền núi này khó khăn nhất tỉnh. Tuy trường ở gần thị trấn, nhưng học sinh đều ở các làng trên những ngọn đồi cao xuống học nên thiếu thốn rất nhiều".
Cô Thu Ba gắn bó với điểm trường vùng cao cách thành phố Quảng Nam hơn 100 km này từ 10 năm trước, lúc vừa tốt nghiệp đại học ngành sư phạm tiểu học. Thời sinh viên, trong một chuyến tình nguyện lên một huyện miền núi, chứng kiến học sinh ở địa phương thiếu thốn, cô sinh viên nguyện sau khi ra trường sẽ lên miền núi công tác.
Hiện tại, cô giáo trẻ đã có hai con. Đứa con trai lớn học lớp 2 đang sống cùng cô ở căn nhà riêng cách trường Trà Tập hơn 3km. Cậu con nhỏ 4 tuổi thì theo chồng cô chuyển về thành phố Tam Kỳ công tác. Cả gia đình chỉ được ở cạnh nhau hai ngày cuối tuần.
Sau chuyến đi Trà Tập trở về, anh Tấn Nguyên cũng đã xin được một chiếc máy may mini từ một vị mạnh thường quân gửi lên tặng cô Thu Ba. Chưa từng sử dụng qua loại máy may mini này nên trưa nay, sau giờ đứng lớp, cô phải lên mạng tìm các video hướng dẫn sử dụng.
Sắp tới, cô giáo cũng cố gắng liên hệ mạnh thường quân để xin thêm quần xanh áo trắng, vì hiện tại mỗi em chỉ có một bộ. Cứ khoảng 2 ngày, học sinh phải giặt rồi phơi khô thì hôm sau mới có đồ đến lớp.
"Nhiều người khuyên tôi xin chuyển công tác về thành phố, nhưng lần nào tôi cũng hẹn thêm ít năm nữa vì thương các em ở trên này. Thấy học sinh vui cười, tôi cũng vơi nỗi nhớ con", cô Thu Ba nghẹn giọng.
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét