MỹĐại dịch, thất nghiệp hay trường học đóng cửa... buộc nhiều người trưởng thành phải quay về sống cùng bố mẹ. Những chuyện phiền hà và tốn kém bắt đầu xuất hiện.
"Tôi nói đùa rằng chúng tôi có một văn phòng Wework tại nhà", Lynn Pollack, một người New York chia sẻ. Chị vừa phải nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới khi cô con gái 21 tuổi của chị trở về nhà do trường đại học tạm đóng cửa và kế hoạch ra ngoài ở riêng của cậu con trai 23 tuổi phải hoãn lại do đại dịch.
Trong khi Pollack làm việc trong phòng giải trí của gia đình, thì chồng chị hoàn thành công việc tại phòng làm việc, con trai chị, hiện đang làm cho một công ty quản lý tài sản, làm việc tại phòng ngủ dành cho khách và con gái chị "sở hữu" phòng khách. Đây là sự thay đổi rất lớn về sinh hoạt của gia đình chị so với trước đại dịch.
Mặc dù con gái chị vừa quay trở lại trường đại học ở Atlanta, bang Georgia, chị không dám chắc con gái chị sẽ ở lại đó lâu.
Có rất nhiều người rơi vào tình cảnh như Pollack. Theo báo cáo của trang tin bất động sản Zillow, đến tháng 6/2020 vừa qua, khoảng 32 triệu người Mỹ sống cùng bố mẹ (thậm chí cùng ông bà), tăng 10% so với năm ngoái. Con số này tăng mạnh khi so sánh với thời điểm tháng 3 và tháng 4, có 2,2 triệu người ở độ tuổi 18 đến 25 quay về nhà sống cùng bố mẹ.
Theo chuyên gia kinh tế học Jeff Tucker của Zillow, xu hướng này bắt nguồn từ hai yếu tố: "Một là vấn đề thuần túy kinh tế do tình trạng suy thoái. Nhiều người trẻ bị sa thải hoặc mất thu nhập nên họ quay trở về nhà. Thứ hai là họ muốn tìm thấy cảm giác an toàn khi về nhà do thế giới ngày càng bất ổn".
Đối với một số người, cảm giác an toàn đó khiến họ mất một khoản tiền.
Việc nướng thêm vài chiếc bánh hay đổi gói cước Internet sang tốc độ cao hơn do trong nhà có thêm vài chiếc laptop tạo thêm những khoản chi phí nhỏ. Nhưng nhiều khoản nhỏ cộng lại có thể ảnh hưởng lớn tới ví tiền của cha mẹ.
"Cả cha mẹ và những người con gặp vấn đề về tài chính đều tưởng rằng họ có sẵn nhà và có sẵn không gian rồi. Sai lầm phổ biến là họ không lên kế hoạch trước và không nghĩ tới những chi phí phát sinh", Christina Newberry tác giả cuốn sách "Kim chỉ nam cho các phụ huynh ở cùng con đã trưởng thành", phân tích.
Khi đại dịch bắt đầu, vợ chồng Pollack làm việc ở nhà nên tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ngoài và một số chi phí khác. Sau đó gia đình họ đón hai người con về ở cùng và các chi phí tăng vọt. Họ phải mua thêm một số đồ giá trị lớn như đồ nội thất cho phần hiên nhà do không gian bên trong trở nên chật chội.
"Chắc chắn chi phí cho thực phẩm đã tăng lên. Khi chỉ có tôi và chồng ở nhà, tôi hiếm khi tới siêu thị. Bây giờ, tất cả mọi người ở nhà, không ai đi ra ngoài ăn và chúng tôi tự nấu các bữa. Trước đây tôi chi khoảng 400 USD cho tiền ăn một tháng. Giờ có lẽ chúng tôi phải trả khoảng 1.000 USD", chị tâm sự.
Hầu hết các bậc cha mẹ không ngại chi trả các chi phí này nếu họ có đủ điều kiện. Nhưng do đại dịch kéo dài, ngân sách gia đình ngày càng hạn hẹp. Sự khác biệt giữa "cái ta cần" và "cái ta muốn" không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Bạn có nên sắm chiếc tai nghe chống ồn cho cô con gái là sinh viên năm thứ hai đại học đang ôn luyện ở cùng phòng với người anh trai phải gọi nhiều cuộc điện thoại để bán hàng? Có nên trả tiền mua phần mềm máy tính mà nếu dùng ở thư viện trường, cô con gái sẽ được dùng miễn phí? Mỗi ngày gia đình nên chi bao nhiêu tiền cho giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay? Còn các chi phí khẩn cấp thì sao?
"Nếu sống cùng bố mẹ, họ sẽ chi trả các thứ đó và bạn có thể không trả lại tiền cho bố mẹ", Paul Isom, một giảng viên Đại học Bắc Carolina đồng thời là người cha có cậu con trai 18 tuổi vừa về nhà do trường đại học đóng cửa.
Chiếc xe ô tô của con trai vừa bị một người đâm hỏng và Isom cho biết họ cần góp tiền mua một chiếc xe mới. Ông đã góp vài nghìn USD cho con trai để mua xe mới và hi vọng đây sẽ là khoản tiền lớn cuối cùng ông phải đầu tư cho con. "Chúng tôi đã bàn bạc và có thể con trai tôi sẽ quay trở lại trường học vào đầu năm sau", ông kể.
Khi cha mẹ bất ngờ phải quay trở lại thời kì kiểm soát chi tiêu cho con, những ranh giới truyền thống giữa cha mẹ và con cái trở nên lu mờ.
"Khi đó quyền lực sẽ được sắp xếp như sau: người nào có nguồn lực tài chính tốt hơn sẽ có quyền quyết định nhiều hơn, đặc biệt với những thứ không phải thiết yếu", Susan Zimmerman, một nhà tư vấn tài chính gia đình, nhận xét.
Nhưng "đoàn tụ vì Covid-19" không phải chỉ có các tác động tiêu cực. Với một số gia đình, đó là cơ hội hiếm hoi để họ cảm nhận được sự ấm cúng của không khí gia đình.
"Đây là một cơ hội mà tôi đã từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có được. Tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ được ở cùng con nữa", Sandra Silva, một y tá ở New York, chia sẻ. Chị vừa chào đón người con trai 27 tuổi về sống cùng.
Mặc dù nhiều bậc cha mẹ còn cảm thấy e ngại nhưng các chuyên gia cho rằng việc yêu cầu con cái chi trả một phần chi phí - dù là rất nhỏ - có thể giúp làm giảm gánh nặng chi phí cho cha mẹ đồng thời khích lệ người con suy nghĩ tìm cách quay trở lại cuộc sống độc lập như trước.
Cho tới nay chưa có cha mẹ nào yêu cầu con cái trả tiền nhà với lý do là giúp con cái đạt được các mục tiêu tài chính khác. Nhiều bậc phụ huynh còn cho biết đại dịch còn giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội trao đổi về quản lý tài chính.
"Con trai về nhà ở là cơ hội tốt để chúng tôi nói chuyện kỹ về vấn đề quản lý ngân sách", Nick Schultheis, một người Minneapolis tâm sự. "Từ trước tới nay con trai tôi vẫn tự lo liệu vấn đề tài chính và tôi bất ngờ rơi vào hoàn cảnh phải giúp con", ông nói.
Khánh Ngọc (Theo Money.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét