Chị Thu Hương (Quế Võ, Bắc Ninh) kể, đã hai lần cô giáo bắt gặp tờ giấy có viết "Huy Hùng, I love you" mà con gái chị gửi cho cậu bạn ngồi cách một dãy bàn.
Người mẹ và cả cô giáo đều rất bối rối, không biết xử lý thế nào với tình huống này nên chia sẻ câu chuyện lên một diễn đàn nuôi dạy con cái, mong nhận được sự tư vấn của mọi người.
Khi sự việc của Trà My - con gái chị Hương - "vỡ lở", các bạn trong lớp bắt đầu trêu chọc. Phụ huynh lớp cũng thành lập nhóm thảo luận riêng với nhau về cách giải quyết con yêu sớm. Nhiều người cười trừ, cho rằng chuyện trẻ con, không chấp nhặt. Nhưng cũng có phụ huynh lại yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương cho bạn khác vì "mới tý tuổi đầu nứt mắt ra, yêu đương cái gì".
Ngay tối hôm đó, chị Hương gọi riêng Trà My vào phòng hỏi chuyện. Theo cô bé 8 tuổi, trong lớp nhiều bạn gái cũng thích Huy Hùng vì bạn đẹp trai, học giỏi. "Nhưng có mỗi con thể hiện ra mà thôi", cô bé chia sẻ. Mỗi lần ngồi ở sân trường sau giờ học chờ mẹ đón về, My đều xem Hùng chơi bóng với các bạn. "Tối về con cứ nhớ bạn ấy", cô bé thổ lộ.
Một ngày, My giấu mẹ mổ lợn rồi mua tặng Hùng một quả bóng tại cổng trường. Từ ngày đó, hai bạn trở nên thân thiết, ăn uống vui chơi gì cũng có nhau.
Vì cả hai không được bố mẹ cho sử dụng điện thoại di động nên lên lớp, thỉnh thoảng Trà My và Hùng lại lén gửi thư tay cho nhau. Nội dung lúc thì "Tớ có món này ăn, tẹo chia nhé", "Ra chơi đợi tớ nhé", lúc thì "Tối qua tớ mơ tới cậu đấy" rồi sau cùng là "I love you" thể hiện sự nhớ nhung.
Bị bạn bè trêu nhiều, Trà My nằng nặc xin nghỉ học nhưng mẹ vẫn dẫn tới trường, nhờ cô giáo nhắc nhở các bạn. Nhưng càng ngày, chị Hương thấy con gái càng ủ rũ, buồn rầu, sức học đi xuống. Gặng hỏi thì biết Trà My rất muốn chơi cùng Huy nhưng không dám lại gần nói chuyện vì sợ các bạn trêu. Người mẹ đành đưa câu hỏi lên diễn đàn mong nhận được lời khuyên.
Cùng trên diễn đàn nuôi dạy con này, một bà mẹ ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện về con gái 8 tuổi bị bạn bè trong lớp tẩy chay vì "có bạn trai".
Cô bé tên Linh Anh, và người bạn trai có tên Minh Tú. Cả hai ngồi cạnh nhau suốt năm lớp 1, chơi gì, ăn gì trên lớp cũng có nhau.
Năm lớp 2, hai bạn được chia sang hai lớp khác nhau. Như một thói quen, đến giờ ra chơi, cậu bé này lại chạy sang lớp Linh Anh cùng xuống chơi ở sân trường, vẽ tranh hoặc đọc truyện.
Điều đặc biệt là mỗi khi trống vào tiết, Minh Tú đều đứng ở cửa lớp hét to: "Linh Anh, tớ yêu cậu", rồi chạy nhanh về lớp mình. Ban đầu, Linh Anh cảm thấy xấu hổ, nhưng dần cô bé cũng quen, vì mẹ cô bé bảo "Bạn quý con mới nói như vậy. Điều đó không có gì xấu".
Nhưng bạn bè, rồi đến phụ huynh trêu chọc khiến Linh Anh cảm thấy khó chịu. Mỗi lần nhìn thấy Minh Tú đến cửa lớp, đám bạn con gái lại chỉ trỏ, bĩu môi quay sang nói: "Kìa, bạn trai đến kìa. Yêu nhau như người lớn ấy nhỉ".
Không chỉ bằng lời nói, Linh Anh còn bị bạn bè cô lập khi không bạn gái nào muốn chơi cùng. Cô bé rất buồn, nhiều lần khóc kể chuyện với mẹ. Mẹ bé đã gợi ý nhiều cách để con có thể kết thân với các bạn cùng lớp.
Nghe mẹ, Linh Anh nhiều lần mon men nhập hội, nhưng thứ cô bé nhận được chỉ là thái độ tảng lờ hoặc lời từ chối thẳng thừng: "Về mà chơi với bạn trai kìa". Nếu có bạn gái nào muốn chơi cùng Linh Anh, bạn khác lại rỉ tai: "Đừng chơi với đứa có người yêu chứ".
Không chỉ bạn bè, phụ huynh trong lớp khi gặp Linh Anh cũng buông lời trêu ghẹo. Thậm chí khi đến nhà Minh Tú chơi, vừa gặp, mẹ cậu đã cười lớn, gọi vọng lên "Tú, bạn gái con đến chơi kìa" khiến cô bé đỏ mặt xấu hổ.
Với mẹ Linh Anh, ngày nào chị cũng về động viên, giải thích con gái rằng giữa cô bé và Minh Tú chỉ là tình bạn đẹp, không phải tình yêu. Thế nhưng suốt 4 năm cấp 1, ngoài Minh Tú, cô bé rất khó chơi thân với một bạn nào. Những dấu ấn vì thường xuyên bị trêu chọc, tẩy chay đã khiến cô bé không còn thoải mái, tự tin với các mối quan hệ bạn bè trong lớp.
Mẹ bé tâm sự, mặc dù chị thấu hiểu mối quan hệ bạn bè lành mạnh của các con, tôn trọng cảm xúc và hỗ trợ con cách vượt qua sự bắt nạt của bạn bè. Với chị đó là cơ hội để mình giúp con học hỏi được rất nhiều điều về xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, việc con vẫn bị tổn thương là không thể tránh khỏi. Thời điểm đó chị rất thương con nhưng vẫn phải bấm bụng để giúp con học cách tự vượt qua.
Mọi việc chỉ kết thúc khi Linh Anh chuyển trường năm lớp 4, cô bé tìm được ngay một người bạn gái thân thiết ngồi cạnh và có được mối quan hệ tốt với các bạn trong lớp. Mẹ cô tâm sự sự việc đó giúp con học cách biết quan sát và thấu hiểu hơn những bạn yếu thế trong lớp. Ở trường mới, Linh Anh đã dũng cảm bảo vệ và biết chia sẻ, giúp đỡ một bạn tự kỷ trong lớp khi bạn này thường xuyên bị bạn bè trêu trọc. "Đó là bài học con đã có bằng những cảm xúc không mấy dễ chịu trong suốt 3 năm học tiểu học", người mẹ này chia sẻ.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét