Bếp sử dụng mặt kính gốm thủy tinh của Schott Ceran có khả năng chịu nhiệt, chịu va đập, giúp việc lau chùi các vết dầu mỡ dễ dàng hơn.
Với người nội trợ, nấu ăn không chỉ là việc nhà mà còn là thú vui trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên việc phải căn lửa, canh thời gian nấu, dọn rửa các vết dầu mỡ khó lau chùi bám trên bếp gas... khiến không ít người đau đầu mỗi khi vào bếp.
Các loại bếp sử dụng mặt kính gốm thủy tinh ra đời đã giúp giảm bớt phần nào nỗi lo về những vấn đề kể trên của người nội trợ. Schott Ceran là một trong những thương hiệu mặt kính gốm thủy tinh bán chạy trên thế giới.
Vào đầu thập kỷ 60, tập đoàn Schott đã phát triển gốm thủy tinh làm chất nền kính (mirror substrate) cho các loại kính thiên văn. Cát thạch anh là nguyên liệu chính để sản xuất ra dòng kính này. Quá trình gốm hóa diễn ra sau đó sẽ biến thủy tinh thành gốm thủy tinh.
Đây là chất liệu kết hợp giữa tính thẩm mỹ của thủy tinh và khả năng chịu nhiệt, ổn định cao của gốm. Sự thành công của dòng sản phẩm kính thiên văn đã thúc đẩy tập đoàn Schott phát triển dòng vật liệu này để dùng trong đời sống thường ngày, bao gồm việc nấu bếp.
Năm 1971, mặt kính gốm thủy tinh Schott Ceran dùng cho nấu ăn đầu tiên chính thức ra mắt thị trường. Nhờ độ bền và hiệu suất, mặt kính Schott Ceran được tận dụng làm mặt kính bếp từ, bếp hồng ngoại; trở thành một trong những dòng sản phẩm bán chạy nhất thế giới với 180 triệu sản phẩm được bán kể từ khi ra mắt.

Mặt kính Schott Ceran có độ bền và tính thẩm mỹ cao, được dùng làm mặt kính cho bếp từ, bếp hồng ngoại từ năm 1971. Ảnh: Schott AG.
Ưu điểm của mặt kính Schott Ceran là khả năng chống sốc nhiệt đột ngột lên tới 750 độ C. Dòng kính dễ dàng dẫn nhiệt trực tiếp đến nồi nấu với độ dày chỉ 4 mm, giúp giảm thời gian nấu, tiết kiệm điện. Hiệu suất năng lượng của mặt kính lên đến 70% khi kết hợp với bếp hồng ngoại và hơn 80% đối với bếp từ.
Ngoài ra, bếp từ sử dụng mặt kính Schott Ceran an toàn hơn nhờ tính năng tự động ngắt nhiệt khi nhấc nồi ra khỏi bếp, góp phần giảm nguy cơ bị bỏng khi nấu ăn. "Đây còn là một trong những sản phẩm gốm thủy tinh đầu tiên trên thế giới được sản xuất theo tiêu chí thân thiện với môi trường, không sử dụng chất phụ gia kim loại nặng nào. Dòng kính này còn có thể tái chế đến 98%", đại diện Schott Ceran cho biết.
Điểm cộng khiến người nội trợ ưa chuộng là bề mặt mịn, dễ lau chùi, giúp mặt kính bền sau nhiều năm sử dụng. Để vệ sinh, có thể dùng dụng cụ cạo kim loại để loại bỏ cặn cứng còn sót lại trên mặt bếp; sau đó nhỏ vài giọt chất tẩy rửa gốm thủy tinh chuyên dụng, chùi với khăn giấy; lau sạch chất tẩy rửa bằng khăn giấy ẩm rồi lau khô lại bằng khăn sạch. Bếp từ đơn giản hơn, chỉ cần lau sạch.

Dụng cụ cạo kim loại giúp loại bỏ cặn cứng và thực phẩm cháy trên bề mặt bếp. Ảnh: Schott AG.
Một số sản phẩm nhái mặt kính Schott Ceran được chào bán với giá thấp hơn tại thị trường Việt Nam. Để phân biệt, người tiêu dùng cần quan sát kỹ. Nếu mặt kính vẩn đục, lồi lõm, nổi bong bóng và dễ bị rạn vỡ, đó là mặt kính nhái. Sản phẩm kém chất lượng chịu nhiệt khá thấp, thường nhanh xuống cấp do độ bền cơ học yếu và khả năng chống acid thấp.
Tuy nhiên người dùng có thể yên tâm bởi Schott Ceran là nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam. Đại diện Schott AG cho biết đang nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái. Trong năm 2019, công an và quản lý thị trường đã tiến hành tịch thu và tiêu hủy một lượng lớn hàng giả mạo thương hiệu này.

Kiểm tra kỹ chất lượng mặt kính để không mua nhầm hàng kém chất lượng, hàng nhái. Ảnh: Schott AG.
Để mua sản phẩm sử dụng mặt kính Schott Ceran chính hãng, người dùng nên tìm đến các cửa hàng, đại lý uy tín. Các dòng bếp sử dụng mặt kính này tại Việt Nam gồm có Chefs, Rinnai, Munchen, Lorca, Latino, Kocher, Tomate... được bán ở các chuỗi siêu thị lớn như Nguyễn Kim, Media Mart, Bếp365 và Bếp Vũ Sơn.
Thy An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét