Hạnh phúc của nhà ngoại giao chăm mẹ già 100 tuổi

Hà NộiVới nguyên thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, diễm phúc lớn nhất là từ khi nghỉ hưu được ở cùng mẹ, hàng ngày tự tay tắm rửa, cơm nước cho mẹ.

Trong lễ mừng đại thọ 100 tuổi đầu năm nay, cụ Nguyễn Thị Quý gây ngạc nhiên cho con cháu khi có thể đọc lại gần như cả nội dung lá thư chúc Tết bằng thơ mà người con trai thứ hai Nguyễn Đình Bin gửi về từ Cuba, 56 năm trước.

Người bất ngờ nhất là ông Bin, bởi ông cũng không còn nhớ mình đã viết những gì. "Mẹ tôi chỉ học qua bình dân học vụ, biết đọc biết viết thôi, nhưng trí nhớ rất tốt, vẫn nhớ được gần như toàn bộ lá thư năm đó", ông chia sẻ.

Hạnh phúc của nhà ngoại giao được chăm mẹ già 100 tuổi

Video: Cụ Quý 100 tuổi vẫn nhớ bức thư từ hơn nửa thế kỷ.

Ông Nguyễn Đình Bin nguyên là Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Nicaragua, Pháp và nổi tiếng nhất với biệt danh "con nuôi Chủ tịch Fidel Castro"...

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Kim Thành, Hải Dương trước khi trở thành một nhà ngoại giao song hành cùng nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước, giờ đây ở tuổi 76, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là ngày ngày được chăm sóc mẹ già.

"Người mẹ nào cũng vĩ đại. Song với gia đình chúng tôi, nay đã 5 thế hệ, mẹ tôi quả thực vô cùng vĩ đại", ông mở đầu câu chuyện trong một căn chung cư ở Mỹ Đình. Căn nhà có nhiều kệ gỗ thô mộc do chính tay ông đóng để đặt sách và các kỷ vật, là nơi ông đang sống cùng mẹ.

Ông Nguyễn Đình Bin bên mẹ trong căn chung cư ở Mỹ Đình, chiều 26/8. Ảnh: Phan Dương.

Ông Nguyễn Đình Bin bên mẹ trong căn chung cư ở Mỹ Đình, chiều 26/8. Ảnh: Phan Dương.

Thời chống Pháp, quê ông là vùng du kích nổi tiếng. Nhà ông Bin ở xóm Tự Do, thôn Thượng Đỗ, cách Đường 5 huyết mạch chỉ 1 km. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, du kích làng dùng mìn phục kích đoàn tàu quân sự của địch. Sáng sớm hôm sau, cậu bé Bin và hai bạn được giao ra cánh đồng, vờ đi bắt cua, xóa hết dấu vết du kích làng để lại để địch không phát hiện. Hàng ngày, Bin còn được ông nội giao nhiệm vụ ngụy trang cho hai người trốn đi lính ngụy xuống hầm bí mật ẩn nếu địch vào càn.

Năm cậu 7 tuổi, người cha Nguyễn Đình Bể hy sinh. Khi ấy, bà Nguyễn Thị Quý mới 31 tuổi, một mình nuôi 3 con và chăm sóc cha mẹ chồng, bà nội chồng. Nhà có hơn 2 sào ruộng, bà phải bươn trải, làm thuê, làm mướn đồng thời vẫn tham gia phong trào phụ nữ, nông hội cứu quốc.

Ông Bin nhớ, những năm đó mẹ có nghề hàng xáo, tức đi mua lúa về xay, giã, gạo đem bán, tấm để ăn, cám chăn nuôi và trấu để đun nấu: "Đôi quang gánh đè nặng lên đôi vai của mẹ. Gần như ngày nào mẹ cũng phải đi chợ sớm, đêm về lại sàng sẩy, luôn chân, luôn tay".

Trong ba anh em, Bin được mẹ và ông bà ưu tiên nhất vì sinh thiếu tháng, gầy còm. Bữa cơm có một quả trứng sẽ luôn dành cho Bin. Bà nội đi chợ về mua được xâu táo cũng cho đứa cháu còi cọc phần hơn. "Cha tôi có một cái khăn len vuông kẻ caro. Kỷ vật này đồng đội đã chuyển lại cho gia đình, sau khi ông hy sinh. Mẹ tôi xem nó như báu vật, giữ gìn cẩn thận lắm. Vậy mà, năm tôi đi trọ học xa nhà, mẹ đã đeo chiếc khăn đó cho tôi", ông kể.

Trong học tập, Nguyễn Đình Bin luôn dẫn đầu, là thủ khoa các cấp. Trường cấp 3 Hồng Quang từng phát động phong trào thi đua "Học tập Nguyễn Đình Bin, trở thành con ngoan, trò giỏi". Năm 1962, vừa tròn 18 tuổi, đoàn viên Bin đã được kết nạp Đảng. Năm 1963, chàng thanh niên được cử sang Cuba học tập. Thời gian sau, người anh và em trai cũng lần lượt nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ở nhà chỉ còn người mẹ tần tảo chăm sóc bố mẹ chồng.

Lẽ thường, học xong Nguyễn Đình Bin được phép về thăm nhà, nhưng ngay trước năm cuối, cậu sinh viên được đặc cách tốt nghiệp trước thời hạn, nhận công tác ngay trong Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba. Ở phương xa, người con thương mẹ vất vả. Người mẹ lại lo cho đứa con cách mình vạn dặm. Trong chiến tranh loạn lạc, thư từ gửi về cũng khó, tất cả nỗi niềm họ chỉ biết giấu vào trong.

Năm 1970, ông mới được về nước. Ngày bước về đầu làng, mắt người con đã rơm rớm. Ngần ấy năm ra đi, làng quê đã đổi khác. Bà nội chống gậy đứng trước cổng chờ. Mẹ nay đã sang tuổi ngũ tuần, tóc lốm đốm bạc. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng nghẹn ngào "Mẹ!", "Con!".

Cụ Quý và 3 người con trai (ông Bin vest đen), cùng các con dâu, cháu trong ngày đón danh hiệu Anh hùng của bố, ông Nguyễn Đình Bể. Hiện tên của nhà cách mạng Nguyễn Đình Bể được đặt cho một con đường to đẹp ở thành phố Hải Dương. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cụ Quý và 3 người con trai (ông Bin vest đen), cùng các con dâu, cháu trong ngày đón danh hiệu Anh hùng của bố, liệt sĩ Nguyễn Đình Bể. Hiện tên của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Đình Bể được đặt cho một con đường to đẹp ở thành phố Hải Dương. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Suốt tuổi trẻ bị cuốn theo con đường sự nghiệp và gia đình riêng, những lần ông Bin được về quê thăm mẹ thường ngắn ngủi. Những món quà, những lời thăm hỏi và đóng góp để phụng dưỡng mẹ già, người con này luôn quan tâm. Nhưng chưa bao giờ ông thấy như thế là đủ.

Năm 2004, trong nhiệm kỳ công tác ở Pháp, ông Bin đã mời mẹ qua thăm Pháp và vài nước châu Âu. Năm đó cụ Quý 84 tuổi, thế mà khi thăm Vatican đã trèo thang bộ trôn ốc lên tận đỉnh Tòa thánh vòm khổng lồ. "Nhìn mẹ chăm chú ngắm cảnh thành Rome, tôi cảm thấy đã bù đắp chút xíu cả đời gian truân, hy sinh của mẹ", nhà ngoại giao bộc bạch.

Ngay khi nghỉ hưu tháng 2/2008, ông đón mẹ từ gia đình người em trai lên ở với mình. Ngày ngày, được nhìn thấy mẹ chơi với đứa chắt ngoại trong cũi, ông thấy bình an và hạnh phúc.

Lên Hà Nội ở không lâu, cụ Quý bị ngứa. Ông Bin đưa đi gặp nhiều bác sĩ, đến cuối thì được kết luận bị viêm da cơ địa do tuổi già. Dùng nhiều loại thuốc vẫn không khỏi, ông nấu nước trà xanh, pha muối, ngày ngày tắm cho mẹ. Sau khoảng một tháng thì bệnh dứt hẳn.

Cả hai mẹ con đều thích canh cua, cà pháo, tép rang, cá kho... Những năm đầu chưa có người giúp việc, hàng ngày ông Bin tự đi chợ, nấu cơm, chỉ mong mình làm thì mẹ sẽ chịu ăn nhiều hơn một chút. "Những vấn đề khác của mẹ, tôi luôn lắng nghe, tôn trọng, đáp ứng mẹ. Nhưng riêng chuyện ăn uống thì tôi buộc phải 'độc tài' vì mẹ ít chịu ăn", ông cười nói.

Nhớ có bữa, ông mua cua về nấu canh. Bữa cơm dọn ra, hai mẹ con vừa ăn vừa hàn huyên. "Cua bây giờ đi mua không ngon được như cua ngày xưa con đi móc lỗ", cụ Quý nói.

Ký ức của ông Bin cũng ùa về những ngày thơ bé. Ngày đó, cùng anh trai, ông phụ giúp mẹ xay lúa, giã gạo, kiếm cá, tôm về cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Nhớ năm mất mùa, đói quá, ông đội cái rổ lên đầu, vượt sông sang cánh đồng bên Kinh Môn mót khoai, ngô và lấy rau má về chống đói. "Thích nhất là những lúc thấy rau má mơn mởn bờ ruộng ngô, chỉ nhấc lên sau một lát đã được cả rổ mang về. Mẹ hay luộc cho ăn, thái ra nấu cháo loãng và muối dưa cho đỡ ngán", ông kể. Chuyện mẹ, chuyện con nối tiếp.

Một niềm vui khác của ông Bin từ lúc nghỉ hưu nữa là được đưa mẹ đi tham quan, nghỉ dưỡng, thăm họ hàng ở miền Nam. Năm 2011, ông đưa mẹ ra Côn Đảo, thăm trại tù số 3, nơi người chú út của ông bị cầm tù hơn 2 năm. Lúc bay đi Côn Đảo cụ Quý 91 tuổi, phải ký giấy cam kết với hàng không vì tuổi quá cao. Thế mà suốt hành trình cụ đi phăm phăm, chẳng hề mệt mỏi gì cả.

Năm 2015, ông đưa mẹ đi một chuyến dài ngày bằng đường bộ, thăm từ Nghệ An, Huế, Đà Nẵng đến Hội An. Cụ Quý tự mình leo lên cả đỉnh Lăng Khải Định cao nhất. Rong ruổi trên xe hơi gần chục ngày mà cụ vẫn khỏe, vẫn vui...

Tháng 11/2011, ông Bin (ngoài cùng trái) đưa mẹ và một số người thân thăm nhà tù Côn Đảo, nơi người chú út của ông từng bị cầm tù. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Tháng 11/2011, ông Bin (ngoài cùng trái) đưa mẹ và một số người thân thăm nhà tù Côn Đảo, nơi người chú út của ông từng bị cầm tù. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ngày mừng thọ tròn một trăm tuổi đầu năm nay, ông Bin đưa mẹ về quê. Buổi sáng gia đình làm lễ chúc thọ các cụ cao niên do Hội người cao tuổi xã tổ chức. Năm nay xã Kim Thành có một cụ thọ 102 tuổi, một cụ 101 và 5 cụ 100 tuổi. Tuy nhiên chỉ có 3 cụ đủ sức khỏe đến hội trường dự lễ, trong đó chỉ có cụ Quý vẫn đi lại bình thường.

Buổi chiều, đại gia đình được đón tiếp những người thân từ Hà Nội, Sài Gòn về chia vui. "Các gương mặt, ánh mắt, tiếng cười thân quen của trưởng tộc họ Nguyễn Đình, họ Đặng, trưởng chi họ Nguyễn Hữu, em dâu họ 100 tuổi, người em gái ruột 98 tuổi. Đặc biệt người em dâu 92 tuổi - vợ người em chồng bị đầy ở Côn Đảo - vừa qua một trận ốm rất nặng cũng từ Hà Nội về. Thật vui khi thấy mẹ tôi xăm xăm bước tới giơ hai tay ôm thằng chút 4 tuổi, cười thật sung sướng", ông Bin kể.

Gia đình vốn chỉ định gói gọn trong phạm vi những người ruột thịt như cuộc đời vốn đơn sơ, giản dị của mẹ. "Thế mà, chúng tôi lại được đón một số khách bất ngờ tới chúc mừng mẹ. Thật là xúc động", ông giãi bày.

Cụ Quý trong ngày đại thọ 100 tuổi đầu năm nay. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cụ Quý trong ngày đại thọ 100 tuổi đầu năm nay. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cả một đời lam lũ, gian truân, song cụ Quý vốn có sức khỏe tốt. Ở tuổi 100, thỉnh thoảng cụ vẫn cùng con trai đi dạo dưới sân chung cư, vui vẻ trò chuyện từ bác bảo vệ, cô lao công, đến mấy cụ cùng tòa nhà. Từ sau đám tang người con út mất đột ngột hơn tháng trước, sức khỏe cụ có phần ảnh hưởng. Cụ vừa phải nhập viện theo dõi lần thứ hai trong tháng này.

Sức khỏe của ông Bin cũng không tốt do các vấn đề tim mạch. Phòng trường hợp "lá xanh rụng trước lá vàng", ông đang gấp rút lo chu toàn cho mẹ từ nơi ở đến phần mộ sau này không để phiền tới con cháu. Quỹ học bổng mang tên người cha Nguyễn Đình Bể - được ông Bin và mẹ triển khai từ năm 2014 tới nay - cũng đang lên kế hoạch chuyển giao lại cho quỹ khuyến học ở 10 địa điểm trong tỉnh Hải Dương.

Những đêm gần đây ông Nguyễn Đình Bin làm việc tới khuya. Ba chồng sách ông vừa lọc ra, cần phải rà soát lại sớm để hệ thống lại về bản thân, gia đình, sự nghiệp, ngành ngoại giao, cũng như đất nước những năm qua. Thi thoảng ngước sang phòng mẹ, lòng ông chững lại. Đêm nay căn phòng im lìm. Mẹ đang nằm viện, con gái ông ở trong đó chăm.

Ông mong trời sáng. Ngày mai mẹ sẽ được về nhà.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét