Nếu ở lại Mỹ, Imani Bashir sợ rằng con trai mình sẽ không được an toàn và trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Phóng viên tự do Imani Bashir là một người Mỹ nhưng cô đã rời khỏi đất nước từ 5 năm trước. Trên New York Times, chị chia sẻ lý do mình cùng gia đình từ chối sống ở quê hương.
Khi nghe tin về George Floyd, tôi cảm thấy suy sụp. Dù không đủ dũng khí để xem video ghi hình cái chết của anh ấy, nỗi lo trong tôi vẫn bùng lên vì tôi đã chứng kiến điều tương tự quá nhiều lần.
Cái chết của Sandra Bland - một phụ nữ Mỹ gốc Phi 28 tuổi - trong trại giam Waller, Texas ngày 13/7/2015 đã khiến tôi "mua vé một chiều" rời khỏi nước Mỹ. Trước đó ba ngày, cô gái này bị bắt vì chuyển làn không bật đèn xi-nhan. Cảnh sát nói là Sandra tự sát, nhưng không một ai tin điều đó vì cô gái không có lý do gì để làm như vậy.
Tôi chưa bao giờ sống ở nước ngoài, nhưng sẵn sàng thử bất cứ thứ gì để có thể thoát khỏi việc "trở thành một nạn nhân khác". Tôi cần bảo vệ đứa con ba tuổi khỏi bạo lực. Thứ tư vừa qua, tôi dành cả ngày bên thằng bé. Tôi làm việc toàn thời gian nên không thực sự chú tâm vào các hoạt động chơi với con trong đại dịch. Đó là một ngày xúc động và tôi chỉ muốn ở bên con, ôm hôn và nghe tiếng cười khúc khích của nó.
Trong ba tháng qua, tôi đã tới bốn đất nước bao gồm Vũ Hán, nơi từng là nhà của chúng tôi hơn một năm trước khi đại dịch ập tới. Rời Trung Quốc, gia đình tôi dừng chân ở nhiều nơi như Malaysia và Cộng hòa Séc. Có ba tuần tôi phải tạm xa chồng con vì lệnh đóng biên giới ở châu Âu. Chúng tôi không còn địa chỉ thường trú ở Mỹ nữa, vì lý do chính đáng.
Tháng 8/2015, từ thủ đô Washington, tôi chuyển đến Cairo, Ai Cập. Tháng 3 năm sau, tôi gặp chồng tương lai. Anh ấy huấn luyện bóng bầu dục và từng sống ở bốn quốc gia ngoài Mỹ.
Chồng tôi, một người Mỹ da màu, sinh ra và lớn lên ở phía đông Buffalo, bang New York. Buffalo khiến nhiều người liên tưởng đến món cánh gà yêu thích, nhưng cũng là nơi chồng tôi chứng kiến cái chết của 30 người bạn trước khi anh ấy tròn 25 tuổi. Ngày chồng tôi còn sống ở đó, người da đen chiếm 14% dân số nhưng chiếm đến 43% các trường hợp bị bắt. Đây là thực trạng mà thanh thiếu niên và đàn ông da đen phải đối mặt trên khắp nước Mỹ.
Lúc quyết định kết hôn, vợ chồng tôi không nói về ngôi nhà với hàng rào trắng hay năm sau sẽ đi nghỉ với gia đình nội hay ngoại. Đối với chúng tôi, cuộc nói chuyện là: Ở đâu có thể xây dựng gia đình một cách an toàn? Ở đâu không cảm thấy bị đe dọa? Dù không dám chắc, cả hai đều hiểu rằng chúng tôi không nên quay lại nước Mỹ.
Tôi đẻ con trai Nasir vào tháng 2/2017. Thằng bé chào đời tại Szczecin, Ba Lan, nơi chồng tôi được ký hợp đồng chỉ vài tuần trước ngày sinh của tôi. Tôi từ chối "vượt cạn" ở Mỹ vì ở đó, phụ nữ da màu có tỷ lệ tử vong trong thai kỳ, lúc sinh và sau sinh cao gấp 3-4 lần phụ nữ da trắng. Các em bé da màu có nguy cơ tử vong cao hơn mọi trẻ khác. Tôi chỉ muốn hai mẹ con sống sót, và tôi không dám tin đó là kết cục nếu mình ở lại Mỹ.
Nasir lên hai tuổi, chúng tôi rời Ba Lan và trở lại Ai Cập. Sau đó chúng tôi tới Trung Quốc. Cả nhà đi du lịch với niềm vui. Ở đâu, mọi người cũng quý Nasir. Họ cho con tiền và kẹo, đôi khi còn đập tay, ôm hoặc thơm con.
"Cậu bé ngoan quá", các tiếp viên trên chuyến bay tới Hy Lạp của chúng tôi nói. Họ say mê con và đưa tôi vài thanh kẹo chocolate châu Âu to.
Nhớ lại sự tử tế của những người đó, tôi bắt đầu nghĩ "Lúc nào điều này sẽ thay đổi". Dù Nasir bây giờ rất dễ thương trong mắt mọi người, sau này nó vẫn có thể trở thành Tamir Rice, Trayvon Martin hoặc Michael Brown (những cậu bé da đen bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ). Vì thế, tôi quyết định hỏi một bà mẹ bốn con, hy vọng rằng mình chỉ đang hoang tưởng.
"Người ta có nhìn các con trai bạn khác đi khi chúng lên một độ tuổi nhất định không? Nếu có thì là mấy tuổi? Tôi thấy mọi người yêu quý Nasir nhưng sợ rằng điều này sẽ thay đổi", tôi nói với cô ấy.
Người bạn kia bảo tôi, mọi thứ thay đổi khi đứa trẻ khoảng 10 tuổi. Lúc ấy, bạn bắt đầu nghe giáo viên phàn nàn con có các vấn đề hành vi, những phụ nữ trên đường sẽ giữ ví chặt hơn hoặc bước nhanh qua để tránh tiếp xúc với đứa con quý báu của bạn.
Ở Mỹ, trẻ em da đen đối mặt với các hình phạt nặng và thường xuyên hơn bất cứ trẻ thuộc chủng tộc nào khác. Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, trẻ trai da màu bị xem là trưởng thành và ít vô tội hơn trẻ em da trắng, đúng như những gì bạn tôi trải nghiệm với những đứa con của cô ấy.
Nasir giờ ba tuổi. Thằng bé mê ô tô, xe tải và phim hoạt hình Paw Patrol. Đồ ăn vặt yêu thích của con là hạt điều và trái cây. Con hay nói mình là "người lớn" và muốn tự làm nhiều thứ. Tôi đã chứng kiến con lớn lên. Là mẹ, tôi phải kéo dài cuộc sống của con lâu nhất có thể.
Có phải phân biệt chủng tộc xuất hiện ở mọi nơi? Câu trả lời ngắn gọn là đúng. Nhưng nhờ chuyển ra khỏi nước Mỹ, chất lượng cuộc sống của chúng tôi đã khác đi.
Theo kinh nghiệm bản thân, cảnh sát ở những nước khác tử tế hơn và không tương tác với chúng tôi nhiều hơn một lời chào đơn giản. Hầu hết các quốc gia chúng tôi từng tới sống có luật sở hữu súng nghiêm ngặt hơn Mỹ và người dùng vũ khí với một đứa trẻ chắc chắn bị phạt nặng. Ngoài những lúc vui vẻ ôm hôn, Nasir được quyền nổi giận. Thằng bé có thể chơi với súng đồ chơi mà không lo bị đáp trả bằng súng thật và mất mạng.
Một ngày, tôi sẽ nhìn thấy con tốt nghiệp, kết hôn và trở thành người đàn ông có lý tưởng, mục tiêu cũng như những vấn đề giống bất cứ ai khác. Tôi không ở Mỹ vì tôi muốn ngày ấy trở thành hiện thực chứ không phải một giấc mơ rồi sẽ tan vỡ.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét