Nửa đêm, khi chiếc xe của phóng viên AP vừa lăn bánh vào một khu dân cư ở Minneapolis, lập tức có hai người đàn ông đeo súng trường xông ra từ bóng tối.
"Anh có phải là người sống ở đây không?", một người đàn ông tiến lên hỏi tài xế khi chiếc xe bị buộc phải dừng lại trước một chướng ngại vật. Câu hỏi khá lịch sự, nhưng dứt khoát khi hai tay họ đã đặt sẵn lên khẩu súng trường vắt ngang ngực và khẩu súng ngắn ở thắt lưng.
Khi biết người ngồi trong xe là phóng viên của hãng AP, người đàn ông cất giọng phân trần: "Chúng tôi có rất nhiều người già. Chúng tôi không muốn ai bị thương"
Khu dân cư này nằm cách xa các cuộc biểu tình đang bị biến thành bạo loạn và cướp bóc ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota nhưng mọi người vẫn rất lo lắng. Minneapolis đang là nơi diễn ra bạo lực mạnh mẽ nhất ở Mỹ sau khi người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết ở thành phố này. Hơn một tuần bất ổn khiến nhiều khu dân cư phải thực hiện các bước để bảo vệ nhà cửa và khu phố của họ. Họ tích trữ bình chữa cháy và thùng nước, lập ra các nhóm tuần tra, canh gác. Họ dùng nhiều ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ mọi hành động được cho là đáng ngờ.
Để chuẩn bị cho màn đêm buông xuống ở Minneapolis, nhiều người hình thành các thói quen như: giấu thùng rác để chúng không bị lôi ra ném hoặc đốt, bật đèn và mở rèm. Tại một số khu phố gần các cuộc biểu tình lớn, nhiều người còn chuẩn bị gậy bóng chày, xà beng, súng lục và chặn đường phố để ngăn những người biểu tình bạo lực.
Cảnh tương tự bắt đầu xuất hiện trên khắp nước Mỹ khi các cuộc biểu tình bạo động lan rộng, nỗi sợ hãi tăng cao và niềm tin vào lực lượng cảnh sát giảm dần.
Peter Baggenstos, một bác sĩ người Mỹ gốc Phi, thấy sự căng thẳng trong khu phố của mình, nơi hầu hết là những người da trắng giàu có và chỉ cách các cửa hàng bị phá hoại khoảng một dặm. Mọi người rất cảnh giác trong đêm. Nhiều hàng xóm của anh bật đèn và trao đổi cho nhau thông tin về những chiếc xe hoặc người đang đi trên đường sau giờ giới nghiêm. Do đó, vợ anh đã báo hàng xóm khi Baggenstos về nhà muộn gần đây. Anh đi chiếc Tesla không có biển số phía trước nên rất dễ bị cho vào tầm đáng nghi.
"Mọi người muốn giành lại quyền kiểm soát những gì thân thiết nhất của họ - trong trường hợp này, đó là phúc lợi cá nhân và của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, đến mức này, nó nguy hiểm. Nó khiến mọi người hoang tưởng", Baggenstos nói.
Anh đặc biệt lo lắng về sự gia tăng của tin đồn lan truyền qua các ứng dụng tin nhắn. Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Minneapolis vào tuần trước, mọi người ở phía Nam thành phố Minneapolis đã vội vã cập nhật các ứng dụng như Next Door, GroupMe và Citizen để theo dõi tình hình.
Đến ngày 2/6, một nhóm theo dõi khu phố GroupMe ở đây đã tăng lên 479 thành viên, được phân ra thành 7 khu vực nhỏ hơn. Các thành viên, chỉ được xác định bằng tên và địa chỉ đường, đều đặn mô tả về các phương tiện khả nghi, những âm thanh lớn, lo lắng về người ngoài và cảnh giác về những vật thể có thể chứa chất dễ cháy.
Đối với một số người, đó là dấu hiệu của niềm tự hào cộng đồng và phản ứng hợp lý khi trật tự trị an bị phá vỡ. Nhưng những người khác lại nhìn ra đây là một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt là khi nó xuất hiện ở các khu dân cư chủ yếu là người da trắng không bị thiệt hại nhiều bởi tình hình này.
"Cảm giác ‘nhà nước bất lực’ biến thành các hành động cá nhân để bảo vệ gia đình và cộng đồng. Bạn mượn lý do phân biệt chủng tộc rồi nói rằng: Tôi nên sợ hãi và những người da đen là một mối đe dọa", Omar Wasow, một trợ lý giáo sư chính trị tại Đại học Princeton, người chuyên nghiên cứu về chủng tộc và chính trị của các phong trào phản kháng, cho hay.
Tuy nhiên, mọi người có lý do để cảnh giác. Những kẻ bạo động đã cướp phá một số lớn cửa hàng ở phía Nam thành phố Minneapolis đến khu St. Paul lân cận và một số vùng ngoại ô. Các cơ quan thực thi pháp luật cho biết họ phát hiện chất lỏng dễ cháy khắp nơi và cả những phương tiện bị đánh cắp không có biển số mà họ tin rằng những kẻ quá khích sử dụng để di chuyển.
Tại các khu phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi nhiều cửa hàng bị thiêu rụi và cướp bóc, các khu dân cư dựng rào chắn tạm thời ở các góc phố, cắt cử người đứng canh gác bằng gậy bóng chày và gậy kim loại.
Michael Grunke, một người 35 tuổi sống gần nơi Floyd chết, cho biết anh và những người thuê nhà khác trong tòa nhà đã gom vòi và thùng để lấy nước. Người quản lý tòa nhà đã mua bình chữa cháy trước khi chúng bị bán hết tại một số cửa hàng địa phương. Cả nhóm thức suốt đêm, canh gác, Grunke nói đó là cách anh thể hiện sự ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa.
"Đây là điều tốt mà tôi có thể làm để giúp đỡ cộng đồng và đảm bảo mọi thứ sẽ không bị phá hoại cũng như làm mờ đi ký ức về George Floyd", Grunke cho hay.
Joy Miciano, 47 tuổi, sống cùng chồng và hai con nhỏ ở khu vực South Uptown, nơi các cửa hàng đã bị hư hại nhưng rất ít tòa nhà bị đốt cháy. Cô và chồng thức canh hôm 30/5 vì họ nghĩ cảnh sát hay lính cứu hỏa sẽ không thể đến nếu họ cần.
"Chúng tôi lo lắng. Nếu bạo loạn xảy ra ở chỗ chúng tôi, sẽ không có ai để gọi giúp đỡ", cô nói.
Ánh Dương (Theo AP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét