Khen ngợi là việc cần thiết để nuôi dưỡng lòng tự tin của trẻ. Nhưng lời khen cũng có thể là con dao hai lưỡi, tạo cho con áp lực về việc giữ gìn hình ảnh.
Sự khác biệt của việc khen về tài năng và khen về nỗ lực
Tiến sỹ Carol Dweck (Đại học Stanford) phát hiện ra rằng lời khen tập trung vào tài năng sẽ khiến trẻ dần trở nên mất tự tin vào bản thân trong khi lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ khiến khuyến khích trẻ học được nhiều hơn và hào hứng đón nhận thử thách mới.
Bà đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm về lời khen với hàng trăm học sinh tại Mỹ. Trong thí nghiệm, các em sẽ trải qua hai bài kiểm tra ngắn. Bài đầu tiên, tương đối dễ để các em đều vượt qua dễ dàng. Sau đó, các em được chia thành hai nhóm, nhóm một được khen tập trung vào khả năng (Em làm được 8/10 câu cơ đấy, em chắc giỏi môn này nhất đấy nhỉ), và nhóm hai được khen về nỗ lực (Em làm được 8/10 câu cơ đấy, em chắc đã bỏ nhiều công sức để học môn này nhỉ).
Sau đó, các em được chọn để xem có muốn tiếp tục làm bài kiểm tra thứ hai hay không. Đa số các em được khen về tài năng đã từ chối vì sợ bị người khác đánh giá khả năng của mình, trong khi 90% các em được khen về nỗ lực muốn thử sức tiếp.
Bài kiểm tra thứ hai được thiết kế là dạng bài rất khó, trong nhóm học sinh không hoàn thành bài kiểm tra, các em thuộc nhóm được khen về tài năng đã suy nghĩ rằng "mình thật ngu dốt". Còn nhóm học sinh được khen về nỗ lực thì nghĩ rằng "mình cần cố gắng hơn", và không coi đây là thất bại.
Lời khen về nỗ lực đã khuyến khích trẻ đón nhận cơ hội để học tập và phát triển bản thân thông qua thử thách, trong khi đó, lời khen về tài năng đã khiến trẻ đưa ra quyết định an toàn để giữ gìn hình ảnh và đánh mất cơ hội rèn luyện của mình.
Tư duy đóng và nỗi sợ bị đánh giá
Tiến sỹ Carol Dweck cũng chỉ ra thêm, lời khen tập trung vào tài năng dễ biến trẻ thành người có tư duy đóng, và lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ giúp trẻ hình thành tư duy mở.
Tư duy đóng là lối suy nghĩ mình đang ở một tầng cao nhất định về sự thông minh, về tài năng. Cá nhân đó sẽ luôn phải thể hiện bản thân để khiến mọi người tin rằng ta ở tầm cao đó hoặc hơn. Nếu người đó bị phát hiện họ không thực sự ở tầm cao đó sẽ là một sự hủy diệt với bản thân họ.
Tư duy mở tin rằng thử thách luôn là điểm bắt đầu cho việc học hỏi và phát triển. Tư duy mở được xây dựng trên niềm tin rằng tài năng có thể được rèn giũa thông qua nỗ lực và thời gian. Người có tư duy mở tin rằng ta sẽ học được rất nhiều từ trải nghiệm thử thách và thất bại.
Để minh chứng cho điều này, bà đã hỏi trẻ con nhiều câu hỏi thú vị để chỉ ra sự khác biệt giữa tư duy đóng và mở:
Câu hỏi 1: Con nghĩ vì sao bố mẹ bực khi con làm trái ý?
Trẻ tư duy đóng: Bố mẹ lo lắng rằng con sẽ trở nên hư hỏng.
Trẻ tư duy mở: Bố mẹ muốn con rút kinh nghiệm và lần sau sẽ làm tốt hơn.
Câu hỏi 2: Con nghĩ tại sao bố mẹ lại buồn khi con không nhường nhịn em?
Trẻ tư duy đóng: Họ sẽ nghĩ rằng con là đồ ích kỷ.
Trẻ tư duy mở: Bố mẹ muốn con nhận ra rằng con cần phải học cách để hòa thuận với em hơn.
Câu hỏi 3: Nếu bố mẹ muốn giúp con học bài ở nhà. Con nghĩ tại sao bố mẹ làm vậy?
Trẻ tư duy đóng: Bố mẹ nghĩ con lười nên muốn ép con học.
Trẻ tư duy mở: Bố mẹ muốn giúp con hiểu được càng nhiều càng tốt những điều con học ở trường.
Ta có thể dễ dàng thấy rằng trẻ có tư duy đóng sẽ luôn nghĩ rằng mình đang bị đánh giá, còn trẻ có tư duy mở thì nghĩ rằng mình đang được giúp đỡ hỗ trợ.
Cần phải khẳng định rằng lời khen vô cùng quan trọng với trẻ vì đó là cách rất tốt để giúp trẻ tăng lòng tự tin. Ta hãy nhớ rằng lời khen là để giúp trẻ có thêm động lực vượt qua thất bại, chứ không phải để an ủi bao bọc trẻ trước những thất bại trong cuộc sống hàng ngày.
Mỗi lời nói hành động của bố mẹ đều mang đến cho trẻ những thông điệp nhất định. Bố mẹ có toàn quyền lựa chọn sẽ gửi đến cho con thông điệp nào, thông điệp biến con thành người có tư duy đóng hoặc giúp con trở thành người có tư duy mở.
Đỗ Ngọc Phương Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét