Trung QuốcNgười cha 60 tuổi hàng ngày đẩy xe lăn đưa con lên giảng đường với ước mơ sau tốt nghiệp trở thành lập trình viên máy tính.
Sinh ra khỏe mạnh vào năm 2000, nhưng câu bé Lý Tân quê ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang không thể ngồi hay bò như những đứa trẻ khác. Năm 2002, bác sĩ chẩn đoán cậu bị bại não bẩm sinh. Dù được chữa trị nhưng Lý Tân không thể đi đứng, tay bị khèo, tuy nhiên nhận thức không suy giảm, chỉ số IQ như người thường.
Cha của cậu bé này là Lý Vệ Minh từng là công nhân một nhà máy điện trong thành phố. Năm 2005, vợ của ông Lý bị một khối u trong não, phải cắt bỏ dây thần kinh thị giác và trở thành người tàn tật.
Không thể thuê ai chăm sóc vợ và con trai, ông Lý đành nghỉ việc, may vá thêm ở nhà kiếm chút tiền lẻ. Mỗi ngày ông dậy từ 5h sáng dọn dẹp, nấu nướng rồi phục vụ vệ sinh cá nhân cho cả vợ và con, 23h mới được nghỉ tay. Tuy nhiên ông không bao giờ than vãn, luôn lạc quan nói: "Rồi mọi thứ sẽ ổn".
Lý Tân không được đi học mẫu giáo vì sức khỏe yếu. Đến năm 8 tuổi thấy bạn bè được đi học, cậu xin bố: "Con sẽ đến trường học hành chăm chỉ dù thế nào đi nữa".
Thấy con quyết tâm, người cha xin cho con vào một trường tại địa phương. Hàng ngày ông theo con vào lớp để chăm sóc sức khỏe, việc mà giáo viên không thể làm. Về nhà người đàn ông này lại dạy con học viết, làm toán và tự vệ sinh cá nhân. Với sự hướng dẫn của bố, trong nhiều năm luyện tập, Lý Tân có thể tự rửa mặt, đánh răng và ngồi trên ghế tự tắm, không cần ai giúp đỡ.
Trong 12 năm từ tiểu học đến trung học phổ thông, Lý Tân rất ít khi nghỉ học vì cậu luôn được cha khuyến khích "Con phải cố gắng nhiều lần hơn những bạn khác. Định mệnh chỉ do con quyết định mà thôi". Trong lớp, ông Lý cũng là một "học sinh" nổi tiếng vì luôn khích lệ những đứa trẻ khác. "Không học thì không có tương lai", ông thường nói với tụi trẻ.
Lý Tân cũng rất chăm chỉ. Biết đôi tay bị khèo không thể viết nhanh như các bạn, cậu đã rèn luyện tư duy chắt lọc thông tin để có thể viết đầy đủ nội dung bài giảng với tốc độ nhanh trong thời gian ngắn. Bởi cách học này, dù khuyết tật nhưng thành tích học tập 12 năm phổ thông của Lý Tân khá ấn tượng, luôn nằm trong top 5 của lớp.
Không những vậy, cậu còn được bố khuyến khích tham gia các các hoạt động tập thể thay vì học xong rồi về. Suốt thời gian đi học, Lý Tân có nhiều bạn thân, những người sẵn sàng giúp đỡ khi bố bận việc, không có mặt trên lớp.
Lên lớp 12, Lý Tân nói với bố muốn lên thành phố học tập và trở thành một lập trình viên máy tính.Vào kỳ thi đại học năm 2019, cậu thi đỗ vào khoa công nghệ Đại học Ôn Châu và thừa nhiều điểm.
"Tôi tôn trọng quyết định của con. Dù con đi đâu tôi cũng đi theo, mãi mãi là như vậy", người đàn ông 60 tuổi chia sẻ. Tháng 9/2019, ông Lý gửi người vợ khuyết tật cho người thân chăm sóc và theo con trai lên thành phố, cùng vào giảng đường đại học.
Biết được hoàn cảnh gia đình ông Lý, trường Đại học Ôn Châu đã bố trí cho Lý Tân một phòng ký túc xá đặc biệt. Đồ nội thất được thiết kế riêng, mọi trang thiết bị trong nhà vệ sinh được lắp thêm tay vịn. Căn phòng này cũng có hai giường kèm thêm một phòng bếp khá rộng để có thể tự nấu ăn. Ngoài ra Lý Tân cũng được trao học bổng để hai cha con có thể sinh sống và học tập.
Ngày nhận phòng, ông Lý không ngăn nổi dòng nước mắt: "Tốt quá, thật không ngờ cha con chúng tôi được ở một nơi tuyệt vời thế này. Tất cả nhờ vào sự cố gắng của con trai tôi".
Một năm qua, ngày nào người cha cũng thức dậy từ lúc 5h sáng, nấu ăn, sau đó sắp xếp đồ đạc đẩy xe lăn cho con lên giảng đường. Lên đại học, thời gian con học ông đều ở ngoài chờ đợi.
Đến trưa, hai cha con lại ăn cơm tại căng tin trong trường để kịp thời gian học buổi chiều. "Dù con trai ở đâu tôi sẽ luôn ở bên con. Đây là điều duy nhất tôi có thể làm ở thời điểm hiện tại", ông nói.
Vy Trang (Theo sina)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét