Hà Nội Học sinh nghỉ hè cũng là thời điểm cô giáo Vinh cùng 400 đàn ong mật của gia đình di chuyển tới các nguồn hoa, nguồn mật.
4h30' sáng cuối tuần, chị Chu Thị Vinh đã lên đường vượt gần 50 km từ nhà ở gần Khu di tích K9 Đá Chông, Ba Vì sang tỉnh Phú Thọ. Hôm nay hơn 400 thùng ong của gia đình đến độ quay mật.
Vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) bốn bề là cây keo, càng đi sâu không khí càng mát. Mùa này người nuôi ong ở nhiều nơi thường tập trung về đây cho ong hút mật.
400 thùng ong của gia đình chị đặt san sát dưới rặng keo. Trận giông cách đây vài hôm đánh gãy nhiều cành khiến cánh rừng trông xơ xác. Trong lán, vợ chồng anh Quân, người giúp trông coi bầy ong cũng đang rục rịch chuẩn bị đồ đạc để quay mật.
Chị Vinh lấy một bình khói, thổi nhẹ, khói tỏa ra, bầy ong bớt dữ dằn hơn, nhờ đó chị nhấc các cầu ong dễ dàng, không lo bị đốt. Lần quay trước cách đây 7 ngày mà mật đã nhiều đến độ ong phải xây thêm sáp nhô cao cả chục cm để chứa. "Cầu ong này đã "đóng vít", mật sánh hơn các cầu khác", chị Vinh nhấc cầu ong nặng trĩu tay, chỉ vào lớp vảy vàng óng bên ngoài sáp mật, nói.
Đây là những thùng ong ngoại, với 7 cầu, có thể quay được 4-5 lít mật. Cách khu này không xa, chị cũng đang đặt 180 thùng ong nội. Mỗi lần quay một thùng ong nội được một đến hai lít.
Vùng đất Ba Vì hoa trái bốn mùa, không khí trong lành rất thuận lợi cho nghề nuôi ong. Năm 2002, vợ chồng chị Vinh bàn nhau nuôi ong lấy mật. Chồng chị là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về ong đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ong. Có sẵn kiến thức và kỹ thuật nhưng anh làm việc cách nhà 70 km nên công việc chăm sóc đàn ong đều phải để cho vợ làm chính.
Ban đầu anh chị chỉ nuôi vài chục đàn ong nội, vừa lấy mật, vừa nhân đàn để bán. Năm 2006, họ nuôi thêm ong ngoại cho năng suất mật cao hơn. Song đặc tính ong ngoại dù ăn nhiều nhưng lại không chăm chỉ như ong nội nên bắt buộc phải di chuyển địa bàn liên tục để đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho chúng.
Mùa xuân, đàn ong của gia đình đặt những vườn vải, nhãn ở quanh khu vực Ba Vì, Suối Hai, Sơn Tây hoặc Phúc Thọ. Đến đầu hạ, chúng lại được "du lịch" đến rừng keo ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Cuối thu, đàn ong sẽ chuyển đến sống ở vùng núi Sơn La nhiều hoa rừng, nương ngô, nương cải... để dưỡng đàn, phát triển đàn, đồng thời cho thu hoạch được mật và phấn hoa.
Những năm qua cứ hè về, chị Vinh - giáo viên dạy Lý tại một trường THCS ở Ba Vì - lại "du mục" cùng đàn ong. Trời hè nóng như đổ lửa, túp lều bằng vải bạt lụp xụp dựng lên giữa bốn bề núi rừng giúp chị tránh mưa, tránh nắng. Cái nắng nóng đã đáng ngại nhưng những cơn mưa giông mùa hè bất chợt còn nguy hiểm hơn. Nhiều khi mưa đến bất chợt, cái lều chao đảo rồi bị hất tung, chăn màn, người ướt hết.
"Nhiều lần mưa làm đất trôi sạt, cây gẫy, thùng ong đổ ngổn ngang. Nếu không kịp nâng lên, tổ đó sẽ chết", chị kể.
Những ngày di chuyển ong thì giống như một cuộc đua. Chập tối, khi những chú ong thợ cuối cùng bay về, người nuôi đóng tổ lại, rồi vận chuyển thật nhanh lên xe. Có những cuộc di cư vài trăm km, đến nơi còn tối um cũng phải chạy đua dỡ thùng đặt xuống để ong sớm ổn định. Ngay khi trời sáng, những chú ong thợ bay ra khỏi tổ định hướng, rồi đi tìm mật, phấn.
Với dân nuôi ong, mùa xuân khi hoa vải, nhãn nở rộ được coi là "mùa vàng" vì mật ong từ hoa nhãn thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán có thể gấp 5-8 lần mật keo. Mùa nhãn năm 2018 người nuôi ong trúng đậm. "Chúng tôi quay quay được 5-6 vòng mật nhãn, mỗi vòng thu hoạch được hơn một tấn mật", chị Vinh chia sẻ. Mật quay đến đâu, bà con kéo nhau mua tới đó.
Sang năm kế tiếp, nhãn mất mùa hoa. Gia đình chị Vinh phải thuê xe ngược lên Yên Bái tìm nhãn nở muộn. Đến nơi lại dính mưa kéo dài, không được nổi một vòng mật. Năm nay nhãn rất sai hoa, nhưng mưa rả rích, ong không thể ra ngoài kiếm ăn, tổng cộng nhà chị chỉ quay được 3 vòng nhãn.
Trái ngược với hoa nhãn, mùa hoa keo có thể cho thu hoạch rất lớn. Trong suốt 4 tháng hè sẽ không phải di chuyển, cao điểm có thể quay được tới 15 vòng mật. Sáu năm trước, mật ong keo có đầu ra. Từng container chở mật nối đuôi nhau chạy từ Bắc vào Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Đời sống người nuôi ong cũng nhờ đó phất lên nhanh chóng. Thời điểm ấy nhà chị Vinh phát triển lên đến 800 đàn. Tới năm 2016, đầu ra không còn, giá mật rớt thảm. "Đang hơn 40.000 đồng/kg phải bán xuống dưới 20.000 đồng/kg mà cũng không ai mua", chị kể.
Gần 20 năm nuôi ong, tuy là nghề tay trái nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình chị Vinh. Đến nay họ có 10 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. "Nếu không có chồng hỗ trợ về kỹ thuật tôi không thể làm tốt được như hiện tại", chị cho hay.
Noi gương gia đình chị Vinh, một số giáo viên ở đây cũng tranh thủ thời gian thư nhàn để nuôi ong. Anh Nguyễn Văn Ngọc, hiệu phó Trường THCS Đông Quang (Ba Vì) cho biết, được vợ chồng chị Vinh truyền kinh nghiệm, anh đang tập nuôi 30 đàn ong nội.
"Càng nuôi càng thấy thú vị. Loài côn trùng này mang lại những giọt mật tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Hơn hết, nuôi nó mình học được cái tính cần cù, nhẹ nhàng, chăm chỉ như chính những con ong, thấy yêu thiên nhiên, yêu lao động", anh Ngọc cho hay.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét