Hai lần đổi tên của 'đứa bé dưới chân cầu Long Biên'

Hà NộiCầm xấp giấy tờ trên tay, Nguyễn Tiến Đạt bối rối, không biết nếu lần thứ ba thay tên, đổi họ, cuộc đời cậu có thêm sóng gió nào không.

Giữa trưa mùa hè, trong một tiệm bánh mỳ trên đường Thành Công, quận Ba Đình, Nguyễn Tiến Đạt đeo găng tay, thoăn thoắt đưa khay bánh vào lò nướng. Mồ hôi ướt sũng một vạt lưng áo. "Mấy ngày đầu, tôi còn bị bỏng khắp chân, tay, nhưng sau hơn một tháng, khi thạo việc thì ít bị hơn", cậu nói, chìa hai cánh tay đen sạm, lỗ chỗ vết bỏng đã lên da non. 

Ở tuổi 25, Đạt không thể nhớ hết đây là công việc thứ bao nhiêu mình trải qua trong đời. Bị bỏ lại chợ Long Biên từ khi còn là một đứa bé 3 tuổi, cậu đã sớm học được cách tự lập.

Hồi đó, hàng ngày "thằng bé" Đạt cứ lang thang từ chợ về bãi giữa sông Hồng - gầm cầu Long Biên, nay ngủ nhờ nhà này, mai nhà khác. Cậu sống và lớn lên nhờ sự cưu mang của những người xa lạ, từ bát cơm thừa của hàng xóm, cái bánh ế của những người hàng rong tốt bụng. Bãi giữa sông Hồng là nơi không điện, không nước, nơi dân nghèo chỉ biết lao động chân tay từ khắp các vùng miền tụ về. Họ neo đậu những chiếc thuyền nằm ven sông, dựng những túp lều tạm bợ từ đủ thứ phế liệu và làm đủ nghề để sinh nhai. Trẻ con chẳng đứa nào được đến trường.

Thương lũ trẻ, bà Vũ Thị Oanh, vốn là giáo viên về hưu và chồng là ông Vũ Tiến, (79 tuổi) - Chủ nhiệm Gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ (tên hiện tại của tổ Bán báo Xa mẹ, số 13, Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm) mở một lớp học tình thương ở đây. Một lần đến dạy học, nghe kể về cậu bé không nhà, không biết họ tên là gì, bố mẹ là ai, ông bà đón về nuôi. Thằng bé ba tuổi khi đó được đặt tên là Long Biên, lấy họ Vũ theo họ của ông bà.

Long Biên là đứa bé nhất trong mái ấm Xa mẹ nên chiều nào các anh chị đi bán báo về cũng mua quà cho nó. Tết đến, cậu cũng là đứa duy nhất được ông bà đưa về nhà riêng đón giao thừa. 

Được yêu thương, nhưng cứ đêm 30 Tết, thằng bé lại thẫn thờ nhìn ra cửa. Đoán đứa trẻ nhớ mẹ, tầm 9 giờ tối ngày cuối cùng của năm, ông Tiến lại mặc áo khoác cho nó. "Đi, ông chở con đi tìm mẹ", ông nói với thằng bé.

Đạt hồi tưởng: "Suốt những năm đó, tối 30 Tết nào ông cũng chở tôi đi đến các gầm cầu, nhà ga, bến xe... Hồi ấy còn bé nhưng tôi đã biết buồn. Người ta mua đào, mua quất về đón giao thừa còn mình vẫn đi tìm bố mẹ".

Ông Tiến bế Long Biên năm 1999, khi cậu bé vừa được ông bà đón từ cầu Long Biên về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Tiến bế Long Biên (tức Tiến Đạt) năm 1999, khi cậu bé vừa được ông bà đón từ gầm cầu Long Biên về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2006, vợ chồng ông Tiến, bà Oanh nhận được bức thư của một phụ nữ xưng là mẹ của Vũ Long Biên. Trong thư, người này cho biết đang ở trong trại giam, vô tình xem một phóng sự về mái ấm Xa mẹ nên nhận ra con mình. Chị gửi lời cảm ơn ông Tiến đã cưu mang nó. Từ đó, Long Biên được đổi tên là Nguyễn Tiến Đạt - cái tên mẹ đặt cho.

Ở trường, Đạt bị bạn bè trêu là "đồ trẻ lang thang" khiến cậu thường xuyên tự ti, mặc cảm và học lực sa sút. Nghĩ cháu nuôi không thể theo kịp bạn bè, ông bà chuyển cậu về trung tâm giáo dục thường xuyên. 

Sau khi mãn hạn tù, mẹ Đạt ốm nặng. Năm 2012, hai người chị gái cùng mẹ khác cha đến báo tin, xin cho cậu về gặp mẹ lần cuối. Mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất, Đạt càng chểnh mảng học hành. Cậu hay trốn nhà đi chơi, bị ông Tiến, bà Oanh trách mắng nên giận dỗi bỏ đi.

Rời mái ấm nhưng Đạt không bỏ học. "Từ bé tôi đã được ông bà dạy 'phải có tri thức mới có thể sống tốt' nên vẫn ý thức phải tự kiếm tiền ăn học", cậu nhớ lại.  Sáng đi học, chiều nam sinh đi phụ rửa xe máy. Thấy nhà chủ có quán cà phê, Đạt xin vừa rửa xe vừa phục vụ quán để có thêm thu nhập. Đó là hai "nghề" đầu tiên của cậu.

Cứ lầm lũi sống với đủ loại công việc khiến Đạt chai sạn nhưng niềm khao khát hơi ấm ruột thịt chưa khi nào nguôi. Tối tối, về lại phòng trọ nhỏ, khi chỉ còn lại một mình, Đạt mở nhạc trong điện thoại cho có tiếng người. Có lần, bài hát "Mẹ yêu" bất chợt vang lên, nước mắt cậu thiếu niên lặng lẽ chảy. "Có đi chơi với bạn mà thấy chúng nó bị bố mẹ giục về sớm tôi cũng chạnh lòng. Giá như mình cũng có ai đó giục về như vậy", cậu kể.

Vũ Long Biên - tức Nguyễn Tiến Đạt và ông nuôi Vũ Tiến. Nó là đứa trẻ mồ côi nhỏ nhất mà tôi từng biết. Hàng trăm đứa trẻ về đây, mỗi đứa một số phận, nhưng duy chỉ có nó đến khi không biết bố mẹ là ai, quê hương ở đâu, ông Tiến nói. Ảnh: Phạm Nga.

Vũ Long Biên - tức Nguyễn Tiến Đạt và ông nuôi Vũ Tiến. "Nó là đứa trẻ mồ côi nhỏ nhất mà tôi từng biết. Hàng trăm đứa trẻ về đây, mỗi đứa một số phận, nhưng duy chỉ có nó đến khi không biết bố mẹ là ai, quê hương ở đâu", ông Tiến nói. Ảnh: Phạm Nga.

Bỏ ra ngoài, nhưng mỗi dịp 20/11, Tết, Đạt đều về thăm ông Tiến, bà Oanh. Được khuyên quay về nhưng cậu không muốn làm gương xấu cho các em khác ở mái ấm, "cứ bỏ đi, khó khăn một chút lại quay về xin giúp đỡ".

Ông Vũ Tiến cho biết, dù đồng ý cho Đạt ra ngoài, nhưng ông vẫn theo dõi sát sao. "Tôi mừng vì thằng bé không sống buông thả mà vẫn đi làm tự nuôi mình và có tiền đi học", ông nói. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đạt thi đỗ Cao đẳng Du lịch Hà Nội và theo nghề khi ra trường.

Anh Mai Vụ, giám đốc công ty dịch vụ du lịch nơi Đạt làm việc trước khi Covid-19 xảy ra kể, cậu là bạn trẻ chăm chỉ và sống tình cảm. "Tháng lương đầu, cậu ấy nói với tôi là sẽ dành một khoản để mua quà cho ông bà. Trung thu ở công ty, được tặng bánh, cậu ấy cũng mang về nhà ở số 13 Ngô Văn Sở để phá cỗ cùng ông bà và các em". 

Càng ngày, hai người chị gái vẫn nghĩ cùng cha khác mẹ, càng thấy Đạt giống cha đẻ của họ. Linh tính mách bảo cả ba có chung dòng máu. Cuối năm 2019, để xóa bỏ nhưng băn khoăn trong lòng, Đạt tìm về Hải Phòng, xin được kiểm tra ADN. Nhận được điện thoại của trung tâm xét nghiệm xác định huyết thống, Đạt bần thần. Cuối cùng, cậu cũng đã tìm được đáp án cho câu hỏi lớn nhất đời mình: "Nguồn cội của mình ở đâu?". Họ của ông khác với họ mẹ đặt, nên hai người không nghĩ họ là cha con. Hóa ra khi chia tay bố Đạt, mẹ cậu có thai nhưng không biết nên lên Hà Nội sinh sống.

Đạt bấm điện thoại gọi cho bố. Từ khi là đứa bé 3 tuổi bị bỏ rơi ở gầm cầu Long Biên đến nay, được ai giúp đỡ, cậu cũng gọi họ là "bố", là "mẹ" để tỏ lòng biết ơn, nhưng chưa bao giờ Đạt thấy tiếng "bố" thốt ra có sức nặng đến vậy.

Tết Canh Tý vừa rồi, lần đầu tiên Đạt được thắp hương lên bàn thờ gia tiên, ăn Tết với những người ruột thịt. Cậu được bố đưa đi từng nhà anh em họ hàng để chào hỏi. Cảm giác lạ lẫm, hồi hộp "như gái mới về nhà chồng". "Từ bây giờ, tôi đã có một mái nhà để ngày lễ, ngày Tết mà về", cậu nói.

Tìm được bố đẻ, Nguyễn Tiến Đạt có ý định đổi sang họ bố nhưng cậu vẫn đang phân vân không biết nếu lần thứ ba thay tên, đổi họ, cuộc đời cậu có thêm sóng gió nào không.

Tiến Đạt (cầm loa) àm quản trò trong chuyến du xuân của trường Nguyễn Văn Tố khi thực tập tại công ty du lịch năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến Đạt (cầm loa) làm quản trò trong chuyến du xuân của trường Nguyễn Văn Tố khi thực tập tại công ty du lịch năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện tại, Tiến Đạt đang vừa học, vừa làm ở một tiệm bánh mỳ. Ông Vũ Tiến dự định sẽ mở một trung tâm dạy làm bánh cho trẻ mồ côi, khó khăn. "Cậu bé Vũ Long Biên" của ông sẽ trở thành một trong những người dạy nghề cho các em đồng cảnh ngộ - bên cạnh những thợ lành nghề khác. Chưa bao giờ, cậu thấy cuộc sống của mình trọn vẹn đến vậy.

"Có những lúc cực khổ quá, tôi tự hỏi bố mẹ sinh ra mình để làm gì. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh đã là một đặc ân. Quan trọng là phải sống thật tử tế, xứng đáng với công lao nuôi dạy của ông dành cho mình", cậu nói.

Phạm Nga

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét