Hà NộiĐọc bài viết của học sinh có đoạn “Em không có bố nhưng em rất yêu anh Bình, anh như bố em vậy”, mắt chàng trai 25 tuổi bỗng nhòe đi.
"Bố Bình rất hiền, hay kể chuyện. Ngày nào bố cũng đến làng dạy bọn em học bất kể nắng mưa. Dù nước ngập đầy làng, bố vẫn xắn quần đến với bọn em. Em yêu bố và mong bố sống đến 100 tuổi".
Tác giả bài viết này là một cậu bé 9 tuổi ở làng trẻ SOS, vốn lầm lì ít nói, hay tỏ ra cáu gắt mỗi khi được quan tâm. Cầm lá thư, tay Bình run run. Cậu vội chạy vào nhà vệ sinh, sợ học sinh trêu "thầy Bình lớn còn khóc nhè".
Tình nguyện dạy miễn phí ở làng trẻ SOS từ năm 2015, hai buổi một tuần, Hoàng Quý Bình (sinh năm 1995, quê Cẩm Giàng, Hải Dương) lại bắt xe buýt từ đại học Bách Khoa - nơi cậu đang theo học năm cuối khoa cơ khí - vượt 15km để đến điểm trường cần dạy. Hai tiếng đồng hồ, Bình dạy đủ các môn Toán, Anh, Văn, Lý Hóa từ tiểu học cho đến cấp 3. Gần 5 năm trôi qua, chưa buổi dạy nào Bình vắng mặt, dù mưa to ngập ngang gối hay nắng gắt bỏng da thịt.
Làng trẻ SOS không phải là nơi đầu tiên chàng trai trẻ này dạy miễn phí cho trẻ em. Ngay khi bước chân vào đại học năm 2014, nhìn thấy các cô lao công làm việc giữa trưa nắng, con nhỏ quanh quẩn bên cạnh khiến Bình nhớ tới mẹ. "Mẹ cũng từng vất vả như thế", Bình hồi tưởng.
Bình mồ côi bố từ năm 4 tuổi, mình mẹ làm đủ thứ nghề. Năm 12 tuổi, có ông già ăn xin đi qua nhà, người mẹ mang cơm và hộp ruốc ra mời. "Trong nhà có hộp muối vừng, sao mẹ không đưa cho người ta mà lại lấy hộp ruốc của con", cậu bé 12 tuổi khi đó hậm hực ."Nên giúp mọi người khi còn có thể. Không phải lúc nào cũng có cơ hội giúp đỡ người khác con ạ", người mẹ ân cần. Nhìn thấy mẹ mỉm cười khi ngắm người ăn xin ngấu nghiến bát cơm, cậu bé nhận ra, mẹ cậu tìm thấy niềm vui từ những hành động giúp đỡ kẻ yếu thế.
"Cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa nó khiến cuộc đời con buồn tẻ", nhớ tới lời nói của mẹ, muốn giúp đỡ các cô lao công trong khả năng của mình, Bình ngỏ ý muốn dạy kèm con cái họ. Ban đầu thứ cậu nhận được chỉ là ánh mắt ngờ vực. Dần dà từ những lời hỏi han, chia sẻ về việc học tập của Bình, những người này đồng ý để cậu dạy con cái họ miễn phí, tuần 2 buổi tại ký túc xá trong trường.
Sang năm thứ 2 đại học, Bình nhắn tin cho người đại diện làng trẻ SOS xin dạy học miễn phí, điều mà cậu mong ước từ khi đọc được thông tin về những đứa trẻ tại ngôi làng này trong sách giáo dục công dân lớp 6. "Ngay từ ngày đó tôi đã nói với mẹ, nếu được lên Hà Nội, tôi sẽ tìm đến đây để dạy học miễn phí cho các em", Bình chia sẻ.
Nhận được sự đồng ý, Bình dạy 10 học sinh của một trong 16 ngôi nhà tại làng trẻ khi đó, tuy nhiên nhiều lúc cậu thấy quá tải. Làm sao tập hợp được nhiều người hơn nữa đến giúp các bạn nhỏ ở đây. Bình kể về hành trình dạy tại làng trẻ SOS và kêu gọi tình nguyện viên trên Facebook cá nhân.
Bạn bè thấy Bình tuyển tình nguyện viên đã khuyên cậu không nên bao đồng trong khi bản thân chưa học xong đại học. Nhiều lúc buồn, định gấp máy tính bỏ dở giữa chừng nhưng mẹ lại gọi nhắc: "Ai cũng có tinh thần muốn giúp đỡ người khác, chẳng qua họ chưa có môi trường để thực hiện mà thôi". Nghe lời của mẹ, Bình hít một hơi dài lấy động lực, mở máy tính ra tiếp tục công việc dở dang.
Được sự ủng hộ của nhiều tình nguyện viên khắp Hà Nội, câu lạc bộ "Ngày mai tươi sáng- ACE" đã được thành lập ngay sau đó. Ban đầu ACE chỉ có 10 thành viên, rồi con số tăng lên từng ngày và đạt được 200 chỉ sau một tháng kêu gọi. Với sự điều phối của Bình, các thành viên câu lạc bộ ACE duy trì 16 lớp học cho 150 em nhỏ trong làng trẻ SOS. Có thêm tình nguyện viên nên với những học sinh cuối cấp, cần những kiến thức chuyên sâu hơn để thi tốt nghiệp, Bình đã bố trí tách riêng lớp và duy trì 3 buổi học mỗi tuần.
"Đã có nhiều em thi đỗ vào lớp 10 và đại học. Đó là niềm hạnh phúc của không chỉ của riêng em mà của toàn bộ các thành viên trong CLB", chàng trai trẻ chia sẻ sau 5 năm giữ vai trò thủ lĩnh câu lạc bộ thiện nguyện này.
Ngoài làng trẻ SOS, câu lạc bộ ACE còn đến những gia đình khó khăn tại Hà Nội để triển khai dự án "Gia sư 0 đồng", một thầy - một trò và hoàn toàn miễn phí. Những ngày khởi đầu của dự án, Bình và các cộng tác viên cũng gặp không ít khó khăn từ sự ngờ vực của mọi người. Thậm chí, khi đến nhà xin các phụ huynh cho phép dạy kèm con cái họ, các "gia sư 0 đồng" còn bị xúc phạm hoặc chủ nhà thả chó ra đuổi.
"Họ không tin chúng tôi có ý tốt như thế", thanh niên 25 tuổi nhớ lại. Với những gia đình này, cậu phải đến 3-4 lượt thuyết phục, dạy học sinh khi bố mẹ kè kè đứng phía sau vì sợ "tụi nó lừa đảo". Sau 4 năm triển khai, "Gia sư 0 đồng" đã có mặt tại 10 phường ở Hà Nội như Bách Khoa, Đồng Tâm, Bạch Mai, Trương Định, Láng Hạ, Xuân Đỉnh, Mai Dịch.
Để có thời gian theo đuổi nhiều công việc thiện nguyện một lúc, thay vì học 20 tín chỉ một học kỳ, Bình chỉ đăng ký học từ 10-15 tín chỉ, chấp nhận kéo dài thời gian học đại học.
Ngoài thời gian trên giảng đường, cậu còn bán hàng online như cây cảnh, quần áo, làm gia sư để trang trải cuộc sống và không phải xin tiền mẹ. Có thời điểm cuối tuần, Bình nhận dạy 4 lớp gia sư một lúc, kéo dài từ 8h đến 20h, trưa và tối ăn tạm ổ bánh mình và kết thúc lớp học tại làng trẻ SOS lúc 22h.
Nói về Hoàng Quý Bình, anh Nguyễn Kim Thìn, chủ tịch công đoàn làng trẻ SOS chia sẻ: "Bình đã kết nối nhiều bạn trẻ có những hành động thiết thực giúp đỡ trẻ em làng trẻ SOS, nhất là việc dạy học. Ðây là việc làm rất có ý nghĩa góp một phần rất lớn đối với công việc giáo dục của Làng, giúp cho những em nhỏ ở đây có tương lai tươi sáng hơn".
Từ thành công của các dự án dạy miễn phí, năm 2017, chàng trai trẻ này tiếp tục thành lập thư viện 0 đồng từ hơn 300 quyển sách có sẵn trên giá sách của mình. "Có một bạn sinh viên qua nhà mua cây cảnh mượn tôi một cuốn sách bởi không đủ tiền mua". Sau đó một tháng, thư viện miễn phí "D Free Book" được hình thành từ một căn hộ đi thuê 70m2 nằm trong con phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Để duy trì kinh phí cho thư viện, ngoài tiền đóng góp của các cộng tác viên, Bình còn bán cây để bù vào tiền thuê nhà, điện nước.
Đến D Free Book, các bạn trẻ được mượn sách miễn phí. Cũng có những cuốn sách chẳng bao giờ quay trở lại với thư viện nhưng số đó theo Bình là rất ít. "Hầu hết những người đến mượn sách đều rất tự giác", thanh niên 25 tuổi chia sẻ.
Từ 300 đầu sách ngày ban đầu xây dựng, đến nay D Free Book đã có hơn 5.000 cuốn. Để có được lượng sách lớn như vậy, ngoài sự ủng hộ của các cộng tác viên, thư viện còn nhận nguồn sách từ một dự án có tên là GreenLife "Đổi rác lấy quà" – được Bình thành lập từ đầu năm 2019. Cứ một đến hai tuần, Bình cùng các tình nguyện viên lại tổ chức một sự kiện Đổi giấy lấy cây, thu về trung bình khoảng 1-2 tấn sách cũ.
Trong 3 năm thành lập, D Free Book có đến hơn 50.000 lượt bạn đọc đến mượn sách, chưa kể rất nhiều người khác đọc tại chỗ, từ các em nhỏ cho đến các cụ già tóc bạc phơ. Cứ sau 3 tháng, nhóm của Bình sẽ mang sách tặng các em nhỏ vùng cao, vừa gửi đến người cần, vừa làm mới sách của thư viện cũng như lan tỏa được ý nghĩa thư viện đến với cộng đồng.
Cũng tại D Free Book, Bình cũng thành lập dự án "Lớp học dịu dàng" dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây vào các buổi tối sẽ dạy các môn học như hội họa, đàn, làm đồ handmade và ngoại ngữ. Dự án này có khoảng 30 giảng viên, tất cả đều miễn phí.
Với hàng loạt dự án vì cộng đồng của mình, năm 2019, Hoàng Quý Bình nhận được giải thưởng "Người tốt việc tốt" của thủ đô Hà Nội. Tháng 9 tới đây với dự án GreenLife "Đổi rác lấy quà", Bình sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo" cho các dự án xã hội được tổ chức tại Singapore.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét