Hà NộiChỉ là dân kỹ thuật nghiệp dư, nhưng Doãn Thanh Tùng đã may mắn nhận được sự trợ giúp của nhiều người xa lạ khi làm "ATM gạo" và "ATM sách".
Sáng 24/4, Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar đứng trước ATM sách trên phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy. Sau màn kính có 64 ô chứa ngần ấy cuốn sách được đánh số thứ tự, ngài đại sứ ấn số 11. Chỉ tích tắc, ông đã cầm trên tay cuốn "Nhà máy sản xuất niềm vui". Ông chỉ là một trong hàng chục người sáng hôm đó được nhận sách từ cây ATM. Lần lượt từng vị khách ra vào máy, ấn nút và sách nhả ra trơn tru.
Đứng ở một góc quan sát, anh Doãn Thanh Tùng, 34 tuổi, người tạo ra "ATM sách" và "ATM gạo", giãn dần khuôn mặt. "Hai đêm thức trắng để làm, làm xong ra mắt luôn, may không gặp trục trặc", anh thở phào.
Chưa từng qua trường lớp nào về ngành kỹ thuật, song Tùng có hiểu biết sơ đẳng vì thích tìm tòi và học hỏi từ người bố là kỹ sư cơ khí. Tại CLB cờ vua và các môn nghệ thuật của Tùng, có một phòng lab, sẵn các đồ thí nghiệm cho học sinh. Hơn nửa tháng trước, khi nghe lời kêu gọi của TS Nguyễn Mạnh Hùng muốn làm ATM gạo ở Hà Nội, thầy giáo này tự tin mình làm được.
"TS Hùng viết 'không cần like, không cần khen ngợi, động viên, cần cách làm và nhảy ngay vào làm", cho thấy mức độ khẩn cấp phải có máy để hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng vì Covid-19. Tôi cam đoan có thể làm ra trong 2 ngày", anh chia sẻ.
Thực tế Tùng chỉ mất 26 tiếng từ lúc lên ý tưởng và lắp đặt máy tại Trung tâm văn hóa thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Tới sáng 11/4, máy bon bon nhả gạo. Gần 800 bà con khó khăn từ nhiều quận, huyện của thủ đô tới nhận, với 2,5 tấn gạo được phát trong ngày đầu tiên.
Máy gồm bồn chứa, đường ống để gạo chạy xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và pê-đan giậm chân. Mỗi lần ấn pê-đan, gạo sẽ nhả ra số lượng đã được lập trình sẵn. "Máy này dựa trên nguyên lý máy ATM gạo trong Sài Gòn, chỉ khác thay nút ấn tay bằng giậm chân để phòng nguy cơ lây nhiễm virus", anh Tùng cho hay.
Xong điểm này, Thanh Tùng tiếp tục làm máy cho quận Bắc Từ Liêm. Rút kinh nghiệm từ máy đầu - nhả gạo theo thời gian nên sẽ có người được nhiều hơn hoặc ít hơn 3 kg gạo - nên lần này anh Tùng chế thêm một cái cân, khi xuống đủ khối lượng là động cơ tự ngắt, tỷ lệ chính xác cao hơn.
Bắt đầu từ cây thứ ba trở đi, một công ty linh kiện điện tử và thiết kế ở Nguyên Xá, quận Bắc Từ Liêm, đã hỗ trợ Tùng cải tiến máy thành một khối thống nhất, gọn nhẹ hơn. Đến nay Tùng và cộng sự đã làm hơn chục chiếc "ATM gạo" cho các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang.
Vì tính cấp thiết nên máy cứ làm xong là mang đi lắp đặt luôn, mà không có thời gian kiểm tra. Tùng lại là dân nghiệp dư nên anh rất lo mỗi lúc máy trục trặc. Sự cố đáng chú ý nhất xảy ra đầu tuần này, khi gần như đồng loạt các "cây ATM gạo" ở Pháp Vân, chùa Ngọc Khánh, Bách Khoa trên địa bàn Hà Nội và cây chuẩn bị chuyển lên Tuyên Quang đều gặp lỗi phóng điện.
Gạo chảy qua ống nhựa rơi xuống bồn thì ma sát vào các thành, tích điện lên vỏ ống và cân. Khi tích điện đủ thì sinh ra hiện tượng phóng điện như sét. "Ở điểm Nghĩa Tân, có anh thợ tới để cưa ống kiểm tra, điện tích nổ tành toạch khiến anh ấy sợ không dám cưa nữa", anh Tùng kể.
Sau khi kiểm tra, nhóm phát hiện tất cả các chi tiết phải tiếp đất thì mới không gây ra hiện tượng tích điện nữa. Ngày hôm đó, anh quần quật từ sáng tới đêm chạy khắp các cây để sửa lỗi này.
Ổn định được ATM gạo, từ 22/4 Thanh Tùng nhận "thử thách" tiếp theo của TS Nguyễn Mạnh Hùng: làm ATM sách. Quá trình làm ATM sách phức tạp hơn nhiều vì không chỉ yêu cầu tự nhả sách, còn đảm bảo thẩm mỹ. Do đang trong thời gian giãn cách, Tùng không thể tìm được đơn vị nào cắt các ngăn sách chuẩn từng mm, cuối cùng anh phải "vận dụng hết khả năng hình học của mình tự làm thủ công".
Vì thời gian gấp, không kịp gia công nên anh đã phá chiếc máy in 3D ra để lấy các chi tiết và lắp thêm một bộ điều khiển để đẩy sách. Nguyên lý chuyển động giống như cơ chế máy in, chỉ khác về kích thước.
Sau hai ngày làm thâu đêm không ngủ thì đầu giờ chiều 23/4, chiếc máy hoàn thành. Ai cũng mừng rơn, nhưng khi vận chuyển đi mới phát hiện máy tăng 10 mm so với thiết kế ban đầu, khiến nó không thể đi qua được cửa nhà.
Mệt nhưng không nản, Tùng buộc phải tháo vỏ ngoài của máy để đi qua cửa. May mắn quá trình này không làm máy xô lệch nên anh vẫn hoàn thành được thử thách mình đặt ra. Trong tối hôm đó máy đã hoạt động.
Hơn nửa tháng trong guồng chạy đua với thời gian để mang những sản phẩm hỗ trợ bà con trong dịch, Tùng cho biết anh không hề đơn độc trên hành trình này. Đi đến đâu anh cũng được hỗ trợ. Như chiếc ATM gạo đầu tiên, máy nhả gạo nhưng tốc độ chậm. Một anh thợ hàn ở Nghĩa Tân đã giúp mài ống, nâng bồn để gạo nhả nhanh hơn.
Ở ATM gạo thứ hai, một người bán ống nước nửa đêm còn gọi điện cho Tùng: "Cậu chỉ cần liệt kê hết những gì cần, anh sẽ chuẩn bị, sáng hôm sau chỉ việc qua lấy". Vợ của người này đi khắp các cửa hàng may trong làng, nhờ thợ may ống vải cho máy ATM gạo.
"Khi tôi đến một công ty chỉ mua linh kiện thôi, nhưng biết đang làm "ATM gạo" thì anh giám đốc huy động cả bộ phận cơ khí, lập trình vào cuộc, từ đó họ phối hợp cùng tôi làm ra những phiên bản tốt hơn. Đến giờ vẫn có một nhân viên của công ty hỗ trợ tôi", anh Tùng chia sẻ.
Đến giờ thì các cây gạo đã hoạt động ổn định, "ATM sách" bước đầu thành công. Hai đêm gần đây Tùng cũng vừa hoàn thành thiết kế sơ bộ để cải tiến các "cây ATM gạo", để hạn chế phải bê gạo đổ từ trên xuống như hiện tại. Anh cũng sẽ cải tiến "ATM sách" với mong muốn nó thành một thư viện sách miễn phí, đặt ở nhiều điểm ở Hà Nội.
Tính đến 24/4, tại "ATM gạo" Nghĩa Tân đã phát hơn 63 tấn gạo, với gần 21.000 lượt nhận. Điểm Bắc Từ Liêm phát hơn 40 tấn, với hơn 13.000 lượt nhận. Ở cả hai điểm đều nhận được sự ủng hộ rất lớn, lượng gạo ủng hộ vẫn dư so với số lượng phát ra.
Tùng vui vì được trở thành một nhân tố trong dự án để giúp đỡ cộng đồng trong đại dịch.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét