Hà NộiGạo, trứng, dầu ăn và những nhu yếu phẩm cần thiết khác được chất đầy trong Siêu thị Hạnh Phúc giá 0 đồng.
Sáng sớm 14/3, phía trong siêu thị có tên Hạnh Phúc trên đường Trần Duy Hưng, 5 thanh niên hò nhau khiêng các bao gạo, dầu ăn, mì tôm chất đầy lên các kệ sắt đặt trong căn phòng 15m2. Hai người khác chạy vào bê sách cùng quần áo từ nhà kho ra bên ngoài, tiếng cười nói í ới. Ngày thứ hai mở cửa siêu thị 0 đồng, những người trẻ này đang chuẩn bị nhu yếu phẩm để đón những vị khách đầu tiên trong ngày.
Ngay cửa ra vào siêu thị, một tấm bảng đen cũng vừa được dựng lên. "Nếu bạn khó khăn hãy lấy những gì mình cần. Nếu bạn đầy đủ, xin nhường người khó khăn", anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) - một trong những khách hàng đến sớm - lẩm nhẩm trong miệng.
Vừa dứt lời, anh được gọi tên rồi điền thông tin cá nhân gồm tên, địa chỉ tại chiếc bàn đặt cạnh tấm bảng. Sau vài phút, Hùng được hướng dẫn vào siêu thị 0 đồng "mua" đồ. Đường, mắm, gạo, dầu ăn và mì tôm là 5 sản phẩm được chọn, với tổng giá trị 100.000 đồng. Nhận túi quà miễn phí được buộc cẩn thận, anh cúi đầu rối rít cảm ơn.
Hùng là bảo vệ một công ty tư nhân ở quận Cầu Giấy. Từ khi Hà Nội xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, công ty giảm giờ làm, trước 16 tiếng, giờ chỉ còn 4 tiếng/ngày, thu nhập của anh giảm hơn nửa.
Ngày 1/4, Hà Nội yêu cầu các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vợ anh đang làm giúp việc tại quán ăn bỗng thất nghiệp. Tiền thuê nhà và sinh hoạt tại thủ đô của cả nhà 3 người chỉ dựa vào tiền lương 2 triệu của Hùng. Hơn một tháng nay hai vợ chồng phải vá víu, vay mượn thêm để nuôi đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
"Chục trứng với vài cân gạo cũng giúp gia đình có thêm vài bữa ăn đầy đủ. Cảm ơn những người đã nhường cơm sẻ áo trong hoàn cảnh khó khăn này", Hùng nói, giọng run run.
Sau Hùng, nhiều người khác cũng bắt đầu vào ghi danh và tự chọn những sản phẩm trong siêu thị. Phía ngoài, hàng dài người ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt, ai cũng đeo khẩu trang và đứng cách nhau 2 m theo đúng chỉ dẫn. Ngay cổng vào, các vị trí đứng chờ cũng được đánh dấu để mọi người lần lượt rửa tay và vào chọn hàng.
"Siêu thị 0 đồng", nơi anh Hùng vừa "mua hàng" là dự án từ thiện được một doanh nghiệp thực hiện, nhằm giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19. Những nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, dầu ăn, quần áo, thậm chí cả sách cũng được bày bán.
Không giống những siêu thị khác phải trả tiền, khách đến đây được miễn phí nhưng không được chọn quá 5 sản phẩm khác nhau với tổng giá trị không quá 100.000 đồng. Mỗi người cũng chỉ được "mua sắm 0 đồng" tối đã 2 lần/tháng (Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày Lễ, Tết). Để mua hàng, người dân đến siêu thị phải đăng ký tên tuổi, địa chỉ hoặc trình chứng minh thư nhằm đảm bảo số lần mua hàng trong tuần theo đúng quy định.
Từ ngày 13/4, ngoài Hà Nội, bảy "siêu thị 0 đồng" khác cũng được triển khai trên cả nước. Ngày đầu tiên, chuỗi siêu thị này đã cung cấp miễn phí 1.000 suất quà cho người dân. Trước đó, thông qua Sở lao động thương binh & xã hội các tỉnh, đơn vị khởi xướng đã lên danh sách những người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi để phát phiếu mua hàng, nhằm tránh tụ tập quá đông người.
"Ngày đầu tiên khai trương ở Hà Nội, trời mưa rất to. Người đàn ông ngoài 40 tuổi có con đang nằm điều trị tại bệnh viện Nhi đã đi bộ gần 4 km đến mua hàng. Nhận được quà, nước mắt ông hòa lẫn nước mưa khiến những người khởi xướng chương trình như chúng tôi cảm thấy rất xúc động", ông Nguyễn Quang Huy, đại diện đơn vị mở chuỗi "Siêu thị 0 đồng" chia sẻ.
Vị này cũng cho hay hiện đơn vị của ông đã huy động được 10 tỷ đồng đóng góp từ nhiều nguồn để duy trì hoạt động của chuỗi siêu thị trong thời gian Covid-19 bùng phát.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục chương trình thiện nguyện này ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, nhằm giúp đỡ người khó khăn duy trì cuộc sống thiết yếu", ông Huy nhấn mạnh.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét