Trong khi người thường phải xếp hàng ở siêu thị với nỗi lo nhiễm bệnh, nhà giàu Mỹ cử đầu bếp đi mua hoặc tới trang trại riêng lấy thực phẩm.
Cuộc sống của giới siêu giàu có nhiều khác biệt với người bình thường, bao gồm cách đối phó với đại dịch . Tại Mỹ, hầu hết các nhà giàu có người giúp việc mua sắm và nấu ăn cho và trong đại dịch, điều này không thay đổi mấy.
David Youdovin, giám đốc điều hành Hire Society, một công ty chuyên cung cấp người giúp việc cho nhà giàu Mỹ tiết lộ các đầu bếp riêng hoặc người giúp việc sẽ đảm nhận việc đi chợ.
"Họ phải đeo găng tay và khẩu trang. Khi chuyển đồ vào, họ phân ra hai nhóm: nhóm đã làm sạch và nhóm chưa làm sạch", Youdovin tiết lộ. "Họ lau từng món đồ bằng khăn khử trùng, sau đó để ngoài một thời gian, tối đa là ba ngày tùy vào chất liệu món đồ rồi mới mang vào nhà".
Đặc biệt, đối với các gia đình giàu có, cách biệt cộng đồng không đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân viên. Các khách hàng của Youdovin thường có 15-20 người giúp việc bởi ngay cả khi kinh tế suy thoái, họ vẫn sống tốt nhờ của cải dồi dào và vẫn cần được phụ việc nhà, nấu và phục vụ bữa ăn.
Tiana Tenet, đồng sáng lập công ty cung cấp đầu bếp riêng The Culinistas có chi nhánh ở nhiều thành phố lớn như New York và Los Angeles cho biết nhu cầu thuê đầu bếp riêng của giới siêu giàu tăng đáng kể trong mùa dịch.
"Nếu thời gian phong tỏa chỉ kéo dài vài tuần, họ sẽ chấp nhận gọi đồ ăn về hoặc tự nấu. Nhưng khi nhận ra tình trạng này có thể tiếp diễn hàng tháng, họ lập tức tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài", Tenet với với The NewYork Post.
Các đầu bếp từ The Culinistas mua sẵn thực phẩm cần thiết rồi mang đến nấu nướng tại nhà riêng của khách hàng. Suốt quá trình làm việc, họ phải đeo khẩu trang và găng tay. Khách hàng cũng được yêu cầu ở phòng khác hoặc ra khỏi nhà khi đầu bếp tới để đảm bảo cách biệt cộng đồng.
Lương của các đầu bếp riêng dao động từ 120.000 đến 400.000 USD mỗi năm. Một số người giàu như nữ triệu phú Martha Stewart còn sẵn sàng tăng lương cho giúp việc để có người phục vụ trong mùa dịch.
"Nếu tính thêm chi phí thực phẩm, mỗi gia đình có thể dễ dàng tốn đến một triệu USD mỗi năm cho việc ăn uống", Youdovin nói.
Ngoài việc thuê người hỗ trợ, nhà giàu Mỹ có những nguồn thực phẩm riêng, thay vì phải mua sắm ở các siêu thị thông thường.
Các khu dân cư cao cấp như Kohanaiki ở Hawaii, nơi giá nhà lên tới 3 - 20 triệu USD mỗi căn, được bố trí những mảnh vườn lớn để cung cấp thực phẩm miễn phí cho người dân. Khi cần, người dân chỉ cần ra vườn, nhờ nhân viên túc trực hướng dẫn lấy những quả chanh leo, xoài hay cà tím tươi ngon nhất.
Một số khách hàng của Youdovin sở hữu vườn hữu cơ riêng hoặc thậm chí cả một trang trại, dư sức cung cấp thức ăn cho họ.
Bên cạnh đó, có nhiều dịch vụ cung cấp thực phẩm khác chỉ dành riêng cho nhà giàu.
Công ty Regalis Foods chuyên cung cấp trứng cá muối, nấm cục, cua hoàng đế và thịt bò Wagyu cho các nhà hàng đạt sao Michelin khắp nước Mỹ, bao gồm Eleven Madison Park và Le Bernardin ở New York.
Trong đại dịch, họ còn phục vụ thêm các gia đình giàu có. Những khách hàng thuộc giới thượng lưu có thể mua cua hoàng đế sống với giá 395 USD một con, thịt bò Wagyu Mỹ với giá 17 USD một pound (khoảng 0,45 kg) và nấm cục rừng với giá 130 USD một phần tư pound. Hóa đơn từ 275 USD trở lên được khuyến mãi một ounce (28 gr) trứng cá muối.
Ian Purkayastha, nhà sáng lập Regalis cho biết công ty của ông "chỉ phục vụ một nhóm đối tượng cụ thể" nên lo rằng không biết nhóm này có còn tiếp tục mua những thực phẩm đắt tiền khi dịch bệnh vẫn tiếp tục hay không. Tuy nhiên, trong lúc giới siêu giàu vẫn bay từ thành phố này sang thành phố khác để tránh dịch và tìm cách thử vaccine trước, thói quen ăn uống đắt tiền của họ có lẽ chưa thể biến mất.
Thu Nguyệt (Theo Business Insider)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét