Hàng nghìn người khỏi Covid-19 đã tập hợp lại để hiến máu, tách huyết tương cho những bệnh nhân nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Cary Blumenfeld và vợ, chị Leann, đang mang thai, mong chờ chào đón thành viên mới. Cả hai cậu con trai của họ đều thích đi học. Việc kinh doanh rất phát đạt. Họ vừa có một năm kỷ lục về doanh số bán bất động sản ở Atlanta. Nhưng sau đó, lần lượt từng người trong gia đình đều nhiễm nCoV.
Leann bị bệnh đầu tiên, sau đó là Cary. Không lâu sau đó, cha của Leann, ông Steven Feldman, cũng bắt đầu có các triệu chứng tương tự như sốt, đau đầu dữ dội, vị giác khác lạ.
Khi vợ chồng Cary sắp hồi phục, ông Steven ốm nặng hơn, bắt đầu khó thở. Họ gọi xe cứu thương. Ông được đặt nội khí quản và cho nhập viện. Các bác sĩ thử mọi cách điều trị, nhưng tình trạng của Steven không cải thiện.
Không còn lựa chọn nào khác, Cary đã liên lạc với những người thân trong ngành y và bắt đầu thảo luận về việc sử dụng huyết tương từ người vừa khỏi bệnh với các bác sĩ của Steven. Các bác sĩ đồng ý sử dụng phương pháp đó như một trường hợp khẩn cấp - dùng một loại thuốc hoặc phương pháp điều trị chưa được phê duyệt cho những người có tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng, không đáp ứng cách chữa trị nào khác.
Huyết tương là thành phần lỏng của máu từ những người vừa mới khỏi bệnh. Khi ai đó bình phục tức là cơ thể họ đã tạo ra các kháng thể chống lại bệnh và chúng tồn tại trong máu một khoảng thời gian (thường là tới ba tháng).
Tạp chí MIT Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts, cho hay, biện pháp này dựa trên lập luận rằng các kháng thể từ người mới khỏi bệnh có thể hỗ trợ tạm thời bệnh nhân bằng cách ngăn cản virus cho đến khi có phản ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ những người đủ điều kiện hiến máu đã được xác nhận mắc nCoV, và không có triệu chứng trong ít nhất 14 ngày sau khi hồi phục, mới có thể hiến huyết tương.
Gia đình của Cary ngay lập tức đăng thông báo qua một đài truyền hình địa phương kêu gọi những người đã khỏi bệnh hiến máu và nhận được hàng trăm phản hồi. Cuối cùng, ba người đã hiến huyết tương cho Steven. Họ cũng là những người đầu tiên làm vậy ở khu vực Đông Nam nước Mỹ.
Nhưng đây không phải phương pháp mới. Nó đã được thử nghiệm trong hơn 100 năm về nhiều bệnh khác nhau, gần đây nhất là Ebola, SARS, MERS và H1N1 2009, còn được gọi là cúm lợn. Một số ca bệnh nặng ở Trung Quốc cũng được dùng cách này và hồi phục. Tuy nhiên, những nghiên cứu thí điểm như vậy chưa có kết quả chắc chắn hoàn toàn.
Thông thường, loại nghiên cứu này sẽ mất nhiều năm mới có kết quả, nhưng tiến sĩ Eldad Hod, phó giáo sư tại Trường Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Vagelos thuộc Đại học Columbia, tự tin rằng sự hợp tác và chia sẻ dữ liệu của họ với các tổ chức như Đại học Johns Hopkins và trung tâm y tế Mayo Clinic có thể giúp đẩy nhanh quá trình đó.
May mắn cho các nhà nghiên cứu là phần nguồn cung huyết tương đã được giải quyết bởi Survivor Corps, một phong trào đang phát triển và có sự tham gia của 32.000 bệnh nhân nCoV và những người đã hồi phục. Nhóm này cập nhật thường xuyên các trung tâm máu chấp nhận huyết tương hiến tặng và có liên kết với các thử nghiệm lâm sàng.
"Chúng tôi đang có rất nhiều tình nguyện viên", Diana Berrent, người sáng lập của nhóm cho biết.
Vào giữa tháng Ba, Berrent, ở Long Island, phía Đông Nam New York, tỉnh dậy với cảm giác như thể có một cái gì đó đè lên ngực và sau đó có kết quả dương tính với nCoV. Là một nhiếp ảnh gia trước khi trở thành luật sư, cô ghi lại hành trình hồi phục của mình qua một loạt nhật ký video với tờ New York Post, từ cách thiết lập phòng cách ly hoàn hảo đến màn ảo thuật mà con trai cô thực hiện bên ngoài cửa phòng.
Jillian Finn là thành viên mới gia nhập Survivor Corps sau khi mắc nCoV lúc du học ở châu Âu.
"Bạn thấy rất nhiều người trong nhóm đăng bài (xin huyết tương) cho gia đình và chia sẻ hình ảnh của họ. Họ đang cầu cứu, và thật không thể phớt lờ khi biết những điều khủng khiếp có thể xảy ra. Vì vậy nếu bạn có thể quyên góp, tại sao lại không làm?", Jillian nói.
Đối với những gia đình có các thành viên bị bệnh gần như cùng lúc như Cary, họ vẫn cần người hiến huyết tương bởi chưa ai vượt qua mốc 14 ngày sau khi bình phục để hiến tặng cho người thân.
Về phần ông Steven, tình trạng bắt đầu cải thiện trong khoảng 48 giờ sau khi được điều trị bằng huyết tương. "Oxy từ máy thở giảm 2 đến 3%. Và các bác sĩ bắt đầu cai thuốc an thần cho ông. Ông đã mở mắt. Các y tá hỏi 'Ông có biết mình đang ở bệnh viện Northside không?' Ông gật đầu", Cary cho hay.
Ánh Dương (Theo The Guardian)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét