Các gia đình 'ở ẩn' trong thời cách ly xã hội

Để cách biệt cộng đồng, gia đình chị Đặng Xuân Uyên, TP HCM về miệt vườn ở Bà Rịa, nơi có ngôi nhà nho nhỏ, nhưng không có một thứ tiện nghi nào.

Đúng 5h sáng, mọi người trong gia đình tỉnh giấc, không phải bằng tiếng chuông báo thức mà là tiếng ve. Về đây chị mới biết, một ngày loài ve kêu 4 cữ: lúc 1h sáng, 5 giờ, 11 giờ và 16 giờ.

Bao giờ chị Uyên cũng dậy trước, chạy thể dục quanh vườn, rồi vào bếp làm bữa sáng. Từ ngày về với miệt vườn, chị chỉ mang theo 4 bộ quần áo, giặt đi lại đến bạc màu, nhưng lại mang cả thùng đủ các loại bột làm bánh, mỗi sáng đổi một món khác nhau.

Chị Xuân Uyên tận dụng thời gian được làm việc thời xa vì Covid-19, để làm nhiều món ăn từ các nguyên liệu trong vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Chị Xuân Uyên tận dụng thời gian được làm việc thời xa vì Covid-19, để làm nhiều món ăn từ các nguyên liệu trong vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Hôm nay, tận dụng buồng chuối bị gió quật, chị Uyên làm bánh mỳ muffin chuối. Mỗi người ăn hai chiếc bánh nóng hổi đã thấy lửng bụng. Như mọi ngày, chị Uyên ngồi vào máy tính, họp team online và làm việc tới gần trưa. Khi ve kêu inh tai, chị Uyên biết đã tới giờ nấu cơm.

Từ giữa tháng 3, TP HCM thực hiện quy định đóng cửa các hàng quán, chồng chị Uyên, 37 tuổi đã đưa hai con gái về ngôi nhà vườn ở Châu Đức, Bà Rịa. Chị về sau một tuần, khi cơ quan chuyển sang chế độ làm từ xa. Nơi này được anh chị mua 2 năm trước, chỉ mất 1h30' lái xe đã về tới. Diện tích rộng hơn một ha, trong vườn có tới 700 gốc mít đang bói quả và nhiều loại cây khác, song lại chỉ có một căn nhà cấp 4 nho nhỏ, không tivi, tủ lạnh, máy giặt hay điều hòa.

"Về đây nắng nóng, không có điều hòa nên những ngày đầu có hơi khó chịu. Lại đúng dịp ve sầu kêu, lúc đầu ồn không ngủ được, nhưng riết rồi cũng quen", chị Uyên chia sẻ.

Cuộc sống tại quê thiếu thốn đủ thứ. Xung quanh không có đồ ăn sẵn, mỗi ngày chị Uyên phải vào bếp 3-4 lần, ngoài bữa chính, còn làm các loại chè bánh. Nhiều món ăn được chế biến từ chính những nguyên liệu trong vườn. Đó là chuối nấu cà ri thay vì khoai tây để ăn kèm bánh mỳ, quả sung kho cá, hoa đậu biếc nhuộm bánh bèo, mít non luộc ăn kèm thịt ba chỉ, hay tự phơi tôm, cá khô để đa dạng bữa ăn...

Từ những trải nghiệm thú vị này, ba mẹ con chị Uyên lập ra một kênh YouTube ghi lại cuộc sống miệt vườn trong thời gian cách ly xã hội. Để có những bức hình lung linh, bà mẹ hai con phải làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày. Vì thế, những khi bạn bè trầm trồ khen đây là quãng thời gian được" đi nghỉ, sống chậm", chị chối ngay. "Tôi vừa phải làm việc từ xa, nấu ăn ngày ít nhất 3 bữa, giặt giũ, dọn dẹp và lo bài vở cho các con. Cực lắm nhưng mà rất vui", chị cho hay.

Với chồng chị Uyên, vốn đam mê vườn tược nên trước đây dù không có dịch, một tháng anh đều về đôi lần. Đợt này nghỉ dài, anh có thời gian sắp xếp lại nhà cửa, sửa sang khu bếp, đóng bàn ghế. Thậm chí anh còn dựng một ngôi nhà nhỏ bên đập thủy điện để hai con gái hóng gió mỗi chiều về. Một số hôm, anh tìm thú vui trong việc thả vó bắt tôm.

Hai con gái của chị Uyên bên căn nhà nhỏ trước hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai con gái của chị Uyên bên căn nhà nhỏ trước hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai con gái 8 tuổi va 12 tuổi của họ ngoài giờ học online thì phụ mẹ bếp núc và khám phá vườn. Về đây một tháng, các gái dạn dĩ và học hỏi được nhiều điều. Có những hôm hai chị em đi dạo quanh vườn phát hiện ra một ổ trứng hay buổi tối soi đèn đi xem ve lột xác.

"Thích nhất là những hôm trăng rằm to và sáng hoặc mặt trời rực như quả cầu lửa. Cả nhà kéo nhau ra xem. Ở Sài Gòn có bao giờ thấy mặt trời, mặt trăng gần như vậy", chị Uyên kể.

Tại Hà Nội, hai tuần qua gia đình chị Đặng Thị Thanh Nhàn cũng không bị đánh thức bởi tiếng chuông đồng hồ. Từ 6h, chim sáo đã reo, chào mào, sẻ nâu hót ríu rít. Đài phát thanh xã phát nhạc hiệu và những bản tin về .  Ngay khi ngủ dậy, bé Ốc, con thứ hai của chị đã nhặt được quả trứng vịt đẻ rơi cạnh bờ ao.

Từ khi toàn quốc thực hiện cách ly xã hội, gia đình chị Nhàn đưa nhau về căn nhà sàn trên đỉnh núi tại thôn Sơn Đồng, Tiên Phương, Chương Mỹ (cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km). Nhà được mua từ 15 năm trước, trên diện tích 3.000 m2, chung quanh có hàng trăm cây cổ thụ tuổi như sấu, trám xanh, trám đen, mít...

Về núi ở ẩn, gia đình chị sinh hoạt theo nhu cầu, chứ không phải cứ đến giờ là ăn, ngủ. "Do không khí trong lành nên cơ thể chỉ vừa đủ nhu cầu ngủ đêm đủ 8 tiếng, ngày ăn 2 bữa nhẹ bụng. Nhà có gì ngoài vườn, ao thì ăn đấy", chị Nhàn chia sẻ.

Con út của chị Nhàn thường thích được đi nhặt trứng vịt đẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Con út của chị Nhàn thường thích được đi nhặt trứng vịt đẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ lúc vào đây, trẻ con được bố dạy câu cá. Bạn lớn nền tính nên chăm chỉ câu, ngày nào cũng được chục con. Bạn bé chuyên đi canh vịt đẻ để nhặt trứng, xong vắt vẻo đọc truyện. Có hôm dọn vườn thấy chú chim khuyên non đang chuyền bị rơi khỏi tổ, ba bố con nhặt về chăm bẵm.

Riêng chị Nhàn, bình thường quay cuồng với công việc trong mảng du lịch, vào đây chị làm việc hiệu quả hơn, nghĩ được nhiều ý tưởng mới. "Buổi chiều xong việc mình thường thích múc gầu nước trong lành, đun cùng lá thơm cho cả nhà tắm. Những ngày mưa rét nàng Bân, cả nhà quây quần bên bếp than, bồ kết hun nổ lét đét, uống nước chè tươi", chị kể.

Những ngày gần cuối kỳ nghỉ, gia đình đón ông bà nội vào ở cùng. Tối cả nhà ngủ liền nhau ở tầng 2 nhà sàn. Hai cu con tíu tít với ông bà, thật khuya vẫn chưa chịu ngủ. "Lâu lắm mình mới thấy gia đình có thời gian bên nhau lâu và vui tới vậy", chị Nhàn nói.   

Đến nay, dù thời gian giãn cách xã hội còn, công ty chị Nhàn đã quay lại làm việc nên cả nhà lại quay về phố. Trước lúc về, tụi nhỏ tiếc vì phải giã từ ao cá, đàn vịt, chú chim khuyên... 

Vì ảnh hưởng của dịch, vợ chồng Thu Hồng, 26 tuổi, đang làm tại một nhà hàng tại Hà Nội, quyết định về quê để "phủ xanh đất trống đồi trọc" giúp bố mẹ, thay vì ngày qua ngày nằm ôm điện thoại. Nhà Hồng ở phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, mất hơn 4 tiếng chạy ôtô là về tới.

Trước nhà là trang trại, cách mặt đường chừng 300 mét. Địa hình cao nên ngồi ở hiên nhà cũng ngắm được thành phố. Trước kia bố mẹ Hồng trồng dứa nhưng ế ẩm nên gần đây chuyển sang trồng quế. Ra xuân đến đợt phát cỏ cho cây lớn. Vườn nằm trên mạn sườn đồi vừa dốc, vừa cao, chân phải đứng vững, còn tay liên tục nhổ cỏ. Mấy hôm đầu về các khớp chân tay và lưng Hồng cũng như chồng cô mỏi nhừ, đau ê ẩm như "bị ai đánh". 

Vợ chồng Hồng về bản, lên nương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng Hồng về bản, lên nương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau đó quen dần, họ lại thích được đi làm. Trên đồi gió mát yên tĩnh, xung quanh là tiếng chim, càng làm càng thấy hăng. Có những hôm tan làm sớm, hai vợ chồng vào rừng hái măng, hái quả. "Được lao động kiểu này thích hơn cả tập gym", Hồng nói.

Về quê được dịp cho cô gái - vốn làm trong nhà hàng lớn dưới thủ đô - trổ tài nấu ăn cho gia đình. Thịt lợn giá cao nên thi thoảng nhà mới ăn, còn chủ yếu ăn ngan, gà, vịt, cá. Những hôm không phải đi đồi, cô bày biện làm các món ăn mới, từ trứng ngâm nước tương, snack khoai tây, cà phê bọt biển...

Tuy nhiên, những món khiến Hồng vương vấn nhất lại từ các nguyên liệu dân dã mà bao năm nay xuống phố tất bật mưu sinh, cô không có cơ hội thưởng thức. Đó là mẹt lòng dồi tự làm, chấm hạt dổi, ớt xanh; măng luộc chấm mẻ chưng; ngọn tàu bay mơn mởn sau những trận mưa xuân hái về xào. "Tàu bay xào tỏi ăn ngon không tưởng. Mọi người bảo giống rau bí, còn mình thấy giống rau cần trong món bún cá", cô chia sẻ.

Hồng trổ tài nhiều món ngon, đẹp mắt cho gia đình trong khoảng thời gian hiếm hoi được nghỉ làm vì dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hồng trổ tài nhiều món ngon, đẹp mắt cho gia đình trong khoảng thời gian được nghỉ làm vì dịch. Trong ảnh là một bữa cơm với rau dớn xào tỏi và lòng dồi tự làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tại Hà Nội, Hồng làm giám sát nhà hàng trên phố Thái Phiên, chồng cô là trưởng quầy bar. Nhiều ngày bận công việc, trái ca, hai vợ chồng không có thời gian trò chuyện với nhau. Về quê, họ có nhiều thời gian tâm sự hơn. Điện thoại thường chỉ dùng mươi phút buổi tối. 

"Một năm chỉ về nhà được 2-3 ngày rồi nhanh phải quay lại công việc thì nay lần đầu tiên có một dịp được ở với gia đình tròn cả tháng. Ngày nào cũng được quây quần ăn những bữa cơm ấm cúng, thấy yêu, hiểu bố mẹ, các em hơn", cô nói.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét