Trung QuốcNgười phụ nữ họ Mao đến từ Tân Cương kể lại chuyện mắc kẹt của gia đình 13 người tại Vũ Hán trước khi trở về nhà ngày 8/4.
Ngày 17/1, gia đình tôi từ Tân Cương đến Vũ Hán để đón Tết nguyên đán cùng chị gái. Nhà có ba chị em, mỗi người phân tán một nơi, năm nay cả ba gia đình quyết định tụ họp ở một nơi.
Nhà chị gái có diện tích nhỏ, để đại gia đình được đoàn tụ với nhau, chúng tôi thuê một biệt thự nhỏ ở ngoại thành vào ngày 22/1. Một ngày sau, Vũ Hán bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Tôi thường không chú ý nhiều đến tin tức, nên khi Vũ Hán đóng cửa, gia đình không ai hay biết. Ai đó gọi thông báo, lúc đó đã 8h tối, cả nhà bắt đầu náo loạn. Mất một tiếng đóng gói đồ đạc, trên 3 chiếc ô tô, chúng tôi cố gắng rời khỏi Vũ Hán. Kế hoạch là trở về Tân Cương nhưng bị chặn lại trên đường cao tốc. Khắp nơi đều là xe chạy nạn nhưng chẳng xe nào ra được khỏi thành phố.
Sáng hôm sau, đến hiệu thuốc mua khẩu trang, 50 cái chủ cửa hàng hét giá 550 tệ (gần 1,9 triệu đồng). Tại sao lại đắt như vậy? Tôi đặt câu hỏi nhưng vẫn phải rút ví bởi ai cũng phải dùng.
Sau khi mua, hàng xóm nhà tôi cho biết còn chẳng mua nổi khẩu trang, tôi gọi em gái đang ở Thượng Hải và lấy thêm được 50 chiếc nữa. Ngày 22/1, gia đình em gái lái xe đến Vũ Hán. Mười ba người của ba gia đình ở cùng nhau trong biệt thự mới thuê.
Ban đầu dự định thuê biệt thự đến mồng 5 Tết, nhưng sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, chúng tôi mắc kẹt. Anh rể gọi điện cho chủ nhà trình bày hoàn cảnh, ông nói: "Tôi sẽ không thu tiền nhà nữa nhưng các bạn phải chịu tiền điện nước". Cả nhà ôm nhau mừng rơi nước mắt.
Từng đó con người, bao gồm cả người già và trẻ con, ngày phải nấu đủ 3 bữa. Những ngày đầu thực phẩm còn đắt đỏ, lại khó mua, chúng tôi phải nhờ người chuyên cung cấp thực phẩm mang đến tận nhà. Nhớ có lần mua nửa kg thịt lợn mà đã 50 tệ (165.000 đồng), rau thì đặc biệt đắt. Nhiều lúc cầm 1.000 tệ trong tay, tôi có cảm giác nếu không mua nhanh, với số tiền đó sẽ chẳng mua nổi thứ gì.
Được bạn bè giới thiệu, chúng tôi chuyển sang mua trực tuyến, nhưng phải ba ngày mới nhận được hàng. Giữa tháng 3, chúng tôi chuyển sang một kênh mua bán khác, 10 tệ cho một combo 3 loại rau. Tôi đặt mua 2 combo, nhận được rau diếp, súp lơ và bắp cải. Cả nhà vừa ăn vừa tấm tắc khen rẻ, cứ tiếc sao không mua ở chỗ này ngay từ đầu.
Sống quây quần trong biệt thự, gia đình tôi đo nhiệt độ cho nhau hàng ngày. Đầu tháng hai, những người đứng đầu khu dân cư mang đến một vài tờ khai báo nhiệt độ hàng ngày và yêu cầu không được ra khỏi nhà trừ khi đi mua thực phẩm.
Bố tôi mắc bệnh cao huyết áp còn mẹ bị tiểu đường, đến Vũ Hán ông bà không mang theo nhiều thuốc. Khi những viên thuốc cuối cùng uống hết, chúng tôi phải gọi trợ giúp y tế. Sau hai ngày, người trợ giúp gọi điện hỏi tình hình, vài hôm sau họ mang thuốc tới. "Có việc gì cứ gọi cho tôi", người này dặn dò, tuy nhiên để gọi được cho họ sau đó, tôi thấy rất khó khăn.
Thời điểm từ Tân Cương di chuyển đến Vũ Hán vào tháng 1, người trong gia đình ai cũng mặc quần áo dày cộm bởi khi đó là tháng lạnh nhất trong năm. Chẳng ai đoán được biến động để mang thêm quần áo mỏng. Hai tháng sau, nhiệt độ Vũ Hán tăng cao, chúng tôi vẫn phải mặc những chiếc áo dày, chẳng có quần áo để thay.
Gần 80 ngày mắc kẹt, ngày nào tôi cũng ghi hóa đơn chi phí của cả nhà. Dù tiền nhà được miễn nhưng số tiền chi ra cho điện nước và thức ăn hàng ngày cũng lên tới hơn 70.000 tệ (gần 230 triệu đồng). "Một con số lớn trong thời điểm khó khăn", mẹ tôi than, nhưng bà cũng không thể nhịn ăn.
Hàng ngày, tôi thường lau nhà 3 lần để giết thời gian. Trong khi những đứa trẻ học trực tuyến, bố xem điện thoại còn mẹ xem ti vi, chị và em gái lại thích nấu ăn. Những người còn lại tìm những công việc khác nhau làm cho hết ngày. Giờ chẳng ai để ý cuối tuần là ngày nào, chỉ biết trời hết sáng rồi lại tối.
Tôi làm việc trong một công ty tư nhân tại Altay, Tân Cương từ năm 2015. Khi công ty hoạt động trở lại vào tháng 3, tôi tự hỏi liệu mình có thế quay lại không. Nếu không trở về, rất có thể sẽ bị sa thải. Hai đứa con đang đi học và tôi không muốn mình sẽ thất nghiệp ở tuổi 46. Cha mẹ rất sợ tôi bị mất việc và họ lo lắng từ ngày này sang ngày khác. Anh chị em tôi đều là lao động tự do hoặc bán thời gian, thế nhưng nếu Vũ Hán không khởi động lại, nguồn tài chính của họ cũng đang dần cạn kiệt.
Công ty biết tôi không thể quay trở lại nên không nói gì nhiều. Điều đáng sợ nhất chính là sự im lặng. Về lý thuyết họ sẽ gọi khi có sự cố, nhưng từ đó đến nay tôi không nhận được tin tức gì từ công ty mình.
Trong tháng 3, chúng tôi đã gọi cho nhiều cơ quan chức trách ở Vũ Hán để xin được về nhà, nhưng họ nói rằng nếu giờ có trở về, Tân Cương cũng chưa chấp nhận. Kết quả là chúng tôi vẫn không thể trở về.
Có nhà cũng không thể về, tôi lo lắng mỗi ngày đến nỗi giờ thành mất ngủ. Hàng ngày chỉ ngồi đếm lịch chờ ngày 8/4 khi Vũ Hán dỡ bỏ phong tỏa. "Điều đầu tiên là cứ rời khỏi đây trước, còn những việc khác sẽ nghĩ cách giải quyết sau", bố tôi thở dài nói.
Vy Trang (Theo news.southcn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét