Trung QuốcTiền quá ít, thời gian chạm mặt nhau quá nhiều, việc nhà không phân chia công bằng... trong thời kỳ cách ly đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống "vực thẳm".
Đó cũng là câu chuyện của gia đình cô Wu, 30 tuổi, ở Quảng Đông sau gần hai tháng sống cách ly trong nhà cùng người bạn đời không có việc làm. Họ đã cãi nhau liên tục.
Cô Wu liệt kê ra một danh sách những vấn đề của cuộc hôn nhân. Ngoài chuyện tài chính và việc nhà, điều khiến cô khó chịu nhất là thói quen cho con chơi đến khuya của chồng. "Anh ta là người gây ra những rắc rối trong nhà", cô nói, "Tôi không chịu đựng được nữa. Chúng tôi đã đồng ý ly hôn, và việc tiếp theo là đi tìm luật sư".
Ngay khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, lượng đơn xin ly hôn tăng vọt ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
Mặc dù Trung Quốc chỉ công bố số liệu thống kê trên toàn quốc về ly hôn theo định kỳ thường niên, các báo cáo từ nhiều thành phố khác nhau cho thấy sự bất ổn gia tăng mạnh nhất vào tháng 3, khi các ông chồng và bà vợ bị "nhốt" ở nhà trong nhiều tuần, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Các vụ bạo lực gia đình cũng tăng lên theo cấp số nhân. Xu hướng này có thể là một cảnh báo đáng ngại cho các cặp vợ chồng ở những đất nước khác đang trong giai đoạn đầu của việc bị cô lập ở nhà. Nếu sự xa cách làm cho trái tim nảy nở xúc cảm yêu đương, thì ngược lại, việc ở gần nhau quá nhiều thời gian, trong một không gian khép kín, có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực.
Thành phố Tây An và tỉnh Tứ Xuyên đều báo cáo số lượng hồ sơ ly hôn cao kỷ lục vào đầu tháng 3, thậm chí dẫn đến sự ùn ứ tại các tòa án. Khoảng một tuần nay, ở Hồ Nam, nhân viên tiếp nhận hồ sơ ly hôn thậm chí không còn thời gian để uống nước, vì rất nhiều cặp vợ chồng xếp hàng để nộp đơn. Lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày liên tục bị phá kỷ lục.
"Các vấn đề tầm thường trong cuộc sống đã dẫn đến sự leo thang của các cuộc xung đột. Việc giao tiếp kém cũng là nguyên nhân khiến mọi người thất vọng về hôn nhân và đưa ra quyết định ly hôn", ông Yi Xiaoyan - giám đốc trung tâm đăng ký kết hôn của thành phố Mịch La, chia sẻ.
Luật sư chuyên các vụ ly hôn ở Thượng Hải, Steve Li tại hãng luật Gentle & Trust cho biết số ca ly hôn anh xử lý đã tăng 25% kể từ khi lệnh phong tỏa của thành phố được nới lỏng hơn vào giữa tháng 3. Ngoại tình từng là lý do số 1 khiến khách hàng tìm đến anh. Nhưng giờ đây thì không phải vậy. Giống như Giáng sinh ở phương Tây, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc có thể gây ra căng thẳng trong các liên kết gia đình. Thế nên, khi virus bắt đầu tấn công vào cuối tháng 1, nhiều cặp vợ chồng đã phải chịu đựng hai tháng "mắc kẹt" trong cùng một mái nhà, đôi khi là cả một gia đình lớn. Đối với một số người, điều đó là quá sức.
"Càng có nhiều thời gian ở bên nhau, họ càng ghét nhau hơn", Li nói về một số trường hợp anh đang xử lý. "Con người đều cần không gian riêng, không chỉ là các cặp vợ chồng".
Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc đã tăng lên đều từ năm 2003, khi luật pháp được tự do hóa. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 1,3 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn vào năm đó, con số này tăng dần trong 15 năm, đạt đỉnh 4,5 triệu cặp vào năm 2018. Năm 2019, 4,15 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc ly hôn.
Các quan chức Trung Quốc từng hy vọng rằng các cặp vợ chồng kết hôn sẽ giúp tăng số lượng trẻ em, nhằm giúp bù đắp tỷ lệ sinh đang ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949.
"Giờ đây bạn ở nhà trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, chính sách sinh con thứ hai được nới lỏng, nên việc sinh con thứ hai cũng là góp phần đóng góp cho đất nước", đây là biểu ngữ do văn phòng kế hoạch hóa gia đình treo tại Lạc Dương, Hà Nam. Nhưng có vẻ mọi thứ đi theo chiều ngược lại.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tràn ngập các báo cáo về xung đột vợ chồng. Trang Sixth Tone trụ sở Thượng Hải đưa tin rằng cảnh sát một quận dọc theo sông Dương Tử, trung tâm Hồ Bắc, nơi xảy ra đại dịch ở Vũ Hán, đã nhận 162 báo cáo về bạo lực gia đình trong tháng 2, tức là gấp ba lần so với số báo cáo ở cùng thời điểm này trong năm 2019.
Feng Yuan, người đồng sáng lập Equality, một tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh tập trung vào bạo lực giới nói rằng đã có sự gia tăng các yêu cầu giúp đỡ tới tổ chức của cô. Người này nhận định trong email: "Lệnh phong tỏa đã làm bộc lộ xu hướng bạo lực vốn đã tồn tại trước đó nhưng chưa thể hiện. Việc bị buộc ở nhà cũng khiến việc tìm kiếm sự giúp đỡ trở nên khó khăn hơn. Cảnh sát bận rộn với việc thực thi kiểm dịch đến nỗi đôi khi không thể đáp ứng các cuộc gọi khẩn cấp từ các nạn nhân, những phụ nữ bị hành hung mà không thể ra khỏi nhà, trong khi tòa án, nơi ban hành các lệnh bảo vệ, lại đóng cửa".
Ngay cả khi dịch bệnh giảm đi, cuộc sống có thể trở lại với trạng thái tương đối bình thường, các căng thẳng tâm lý và kinh tế dự kiến sẽ còn tồn tại trong nhiều tháng. Một nghiên cứu về người dân Hong Kong sau đại dịch SARS 2002-2003 cho thấy, một năm sau khi dịch bệnh bùng phát, những người sống sót sau đó vẫn có mức độ căng thẳng, lo âu cao. Tỷ lệ ly hôn của Hong Kong năm 2004 cao hơn 21% so với năm 2002.
Hiện tượng số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch khiến các chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng nguyên nhân là vì Covid-19?. Ảnh: AP. |
Ở Trung Quốc, phụ nữ thường là người chủ động đòi ly hôn, với con số là 74% năm 2016-2017, theo đánh giá của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, phụ nữ lại là đối tượng thiệt thòi hơn khi phân xử chia tài sản. Theo thông lệ, đàn ông trẻ tuổi độc thân ở các vùng thành thị Trung Quốc khi mua nhà thường nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ. Việc làm này là cách chứng minh với bạn đời tương lai rằng họ có sự ổn định về tài chính. Khi ly hôn, người chồng do đó có quyền đối với tài sản trước hôn nhân của mình, ngay cả khi người vợ đã giúp trả một phần nợ ngân hàng. Như trường hợp cô Wu ở trên, may mắn rằng bố mẹ cô đã mua nhà, mua xe cho vợ chồng cô, thế nên cô không rơi vào cảnh bị thiệt thòi khi phân chia tài sản.
Trong phiên họp vào cuối năm nay, Đại hội đồng Nhân dân Trung Quốc sẽ xem xét đề xuất giai đoạn "hàn gắn" kéo dài 30 ngày cho các cặp đôi đệ đơn xin ly hôn, và trong thời gian đó, một trong hai bên có thể rút đơn. Còn hiện tại, thẩm phán xét xử các đơn ly dị sẽ yêu cầu các lý do nghiêm trọng như ngoại tình, bỏ rơi... để có thể chấp thuận ly dị, hoặc có thể từ chối với các cặp còn quá trẻ, quá nóng vội. Tuy nhiên nếu các cặp nộp tái nộp đơn sau sáu tháng, thẩm phán sẽ coi rằng đây là sự khác biệt không thể hòa giải.
Người trẻ ngày nay có nhiều khả năng ly hôn hơn cha mẹ họ. "Giờ đây, một phía chỉ cần nói: "Tôi không thích anh nữa", thì ngay ngày hôm sau, phía kia có thể đệ đơn ly hôn", Li nói. Yang Shenli, một luật sư tại công ty luật Dingda ở Thượng Hải cho hay bốn trường hợp nộp đơn ly hôn trong giai đoạn lệnh phong tỏa diễn ra đến nay, đều sinh sau năm 1985, hai cặp trong số đó đều quyết định chia tay vì "giai đoạn cách ly khiến mâu thuẫn tăng cao".
Thùy Linh (Theo Bloomberg)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét