Kim Ri-Oh là phóng viên ảnh tại một một tạp chí ở Seoul, lúc nào cũng nỗ lực để thành nhân viên ưu tú nhất.
Làm việc cuối tuần và những giờ làm thêm đằng đẵng, thường chưa kết thúc sau 11h đêm, là bình thường ở đây. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào dịp kỷ niệm 2 năm làm việc ở công ty, Kim phát hiện ra cô được trả lương ít hơn đáng kể so với nam đồng nghiệp mới vào.
"Tôi bắt đầu mất đi niềm yêu thích với công việc. Cái chết thường trực trong tâm trí. Tôi đã làm mọi thứ theo yêu cầu. Tôi tốt nghiệp trung học, đại học, và tìm được một công việc ổn định mà gia đình ưng ý. Nhưng điều gì thực sự có ý nghĩa với tôi? Đó là cuộc sống của tôi, nhưng tôi không thể tìm thấy mình trong đó".
Có thời gian nghỉ ngơi là khẩu hiệu tại Làng đừng lo lắng. Ảnh: Grace Moon. |
Kim không đơn độc. Giới trẻ Hàn Quốc, nhiều người trải qua sự vỡ mộng tương tự, đang buông bỏ quan niệm truyền thống "người trẻ phải thành công" và trách nhiệm xã hội. Và một số dự án và doanh nghiệp đang mọc lên để hỗ trợ họ.
Kim, 26 tuổi, đang làm việc tại một dự án như vậy, có tên là Làng đừng lo lắng. Nằm ở thành phố cảng Mokpo đang xuống cấp nhanh chóng ở phía tây nam Hàn Quốc, Làng đừng lo lắng được thành lập vào năm 2018, nhờ sự giúp đỡ từ chính phủ để tận dụng các tòa nhà bỏ không, và hiện do một nhóm những người 20 - 30 tuổi vận hành. Khẩu hiệu của làng là: Được nghỉ ngơi. Thất bại cũng không sao.
Ngôi làng được tạo thành từ những căn nhà từng bỏ trống, nằm rải rác trong các góc của thành phố Mokpo. Người ta biến chúng thành các nhà hàng, quán cà phê, trưng bày tác phẩm nghệ thuật và sản xuất phim tài liệu.
Trong mỗi khóa xả stress kéo dài sáu tuần, những người trẻ Hàn Quốc, kiệt sức vì nỗ lực tìm việc, đã cùng nhau ngồi đây nghiền ngẫm những thất bại trước đây và thử nghiệm tạo ra các dự án của riêng họ. Họ có điểm chung là cùng muốn khôi phục ý thức cộng đồng đã mất, cùng ăn uống và nghỉ ngơi.
Park Myung-Ho, 33 tuổi, người đồng sáng lập dự án với Hong Dong-Woo, 34 tuổi, nói rằng mong muốn của ngôi làng thể hiện cái gọi là "sohwakhaeng" - những khoảnh khắc nhỏ nhoi nhưng hạnh phúc.
"Thay vì ám ảnh về những bước tiến lớn, người trẻ Hàn đang tìm kiếm sohwakhaeng", Park nói. "Dù đó là được thưởng thức một lát bánh phô mai tại tiệm bánh quen thuộc, viết một bài hát hoặc một cuốn sách. Một cái gì đó nhỏ nhưng hoàn toàn là của bạn".
Park Myung-Ho, đồng sáng lập Làng đừng lo lắng, cho biết người trẻ Hàn đang tìm kiếm niềm vui ngoài sự thành công vật chất. Ảnh: Grace Moon. |
Hàn Quốc gần đây đang trải qua một nghịch lý dân số - khi dân số già hóa nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ kết hôn giảm mạnh. Đằng sau vẻ quyến rũ của ngành công nghiệp K-pop và thẩm mỹ - thứ thu hút hàng triệu người hâm mộ cuồng nhiệt trên toàn cầu - là một thực tế phũ phàng: tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng cao và giờ làm việc đòi hỏi khắt khe nhất trong số các quốc gia phát triển.
Thế hệ Y của Hàn Quốc (sinh sau 1980 đến đầu 2000) tự nhận mình là một phần của thế hệ Sampo - thuật ngữ chỉ "thế hệ hy sinh ba thứ" - là thế hệ người Hàn trẻ phải từ bỏ các mối quan hệ, hôn nhân và con cái để tồn tại được trong nền kinh tế đắt đỏ. Danh sách hy sinh này nhanh chóng được mở rộng thành bốn, năm, bảy và cuối cùng là "n" thứ, nghĩa là hy sinh rất nhiều, như đời sống xã hội, quyền sở hữu nhà...
"Những người trẻ tuổi coi mình là một phần của 'thế hệ hy sinh N thứ' này là những người hay hoài nghi", Kim Ri-Oh nói. Họ đang tìm cách hài lòng với cuộc sống, nằm ngoài những chuẩn mực thành công thông thường.
Yoon Duk-Hwan, đồng tác giả cuốn Xu hướng Hàn Quốc 2019, giải thích rằng Hàn Quốc có truyền thống xoay quanh một nền văn hóa họp mặt. Các cuộc họp lớp hàng năm là một ví dụ điển hình, nơi đời tư của bạn cùng lớp - từ đính hôn, kết hôn, thất nghiệp hay đang đi làm - phơi bày cho nhiều người.
"Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc không tham gia những cuộc họp như thế nữa", Yoon nói. "Họ nhận ra mình có thể có một cuộc sống xã hội mà không gắn với những vòng tròn xã giao cũ.
Và các dự án như Làng đừng lo lắng và hay một số "tiệm gặp gỡ" là những điểm đến thay thế cho họ.
Go Ji-Hyun đã khai trương "tiệm gặp gỡ" đầu tiên của Hàn Quốc - Chwihyangwan vào năm 2018, mô phỏng bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng, Midnight in Paris. Nội thất giống như một khách sạn kiểu cũ. Và khi bước vào đây, khách được hướng dẫn viên chào đón.
Tiệm gặp gỡ đầu tiên được mở ra tại Hàn Quốc vào 2018. Ảnh: Grace Moon. |
Mang dáng dấp thẩm mỹ viện Paris thế kỷ 18 - một không gian thân mật nơi mọi người tụ tập để trao đổi kiến thức - tiệm gặp gỡ của Go như là sự thách thức với nền văn hóa ít chia sẻ của Hàn Quốc.
"Người Hàn Quốc ít có thói quen trò chuyện với nhau vì họ sợ bị xâm phạm - đặc biệt là với người lạ", Go nói, "Khi tôi lần đầu tiên mở tiệm, câu mà tôi hay được khách hỏi nhất là: 'Làm thế nào để tôi nói chuyện với một người lạ?"
Cứ 3 tháng một lần, các chủ đề mới được đưa ra ở tiệm gặp gỡ. Mọi người có thể tham gia hội thảo kín, đọc sách đêm, làm sổ lưu niệm, xem phim và nói chuyện trong quán bar. Đây là nơi các thành viên tự do trao đổi ý tưởng.
Tại Chwihyangwan, mọi người không cần khai tuổi vào mẫu đăng ký - vốn là bắt buộc đối với các quy trình xin việc của Hàn Quốc. Ccác thành viên gọi nhau bằng biệt danh, không tiết lộ tên thật hoặc nghề nghiệp.
"Thông thường, người Hàn Quốc đối xử với nhau dựa trên tuổi, nghề nghiệp, cấp bậc...", Go nói. "Thay vì thế, tại đây, người ta chỉ biết nhau qua quan điểm cá nhân. Hiếm khi bạn có thể gặp gỡ mọi người theo cách như vậy ở Hàn Quốc".
Các điểm gặp gỡ này là nơi xóa nhoà những tương tác xã hội kiểu cũ, với định kiến rằng người trẻ phải đạt được thành tựu.
Trong năm ngoái, số lượng các loại tiệm gặp gỡ xả stress đã tăng lên ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều người trẻ không thể tham gia được, do họ có kinh tế kém. Để đến được các tiệm gặp gỡ, hay đăng ký vào Làng đừng lo lắng, họ phải trả một khoản phí 500.000 won tới 1,2 triệu won (430 đôla tới hơn 1.000 đôla). Nói cách khác, họ phải có tiền mới có thể tới đây.
Trong khi đó, người trẻ thất nghiệp đang tăng lên, và nhiều người có thu nhập kém. Với tỷ lệ 82% thanh niên Hàn Quốc sử dụng mạng xã hội, nhiều người thu nhập thấp nhận ra không cần phải tiêu tiền đi nhà hàng, xem phim.. mà vẫn có tương tác xã hội. Tuy nhiên, sự hài lòng từ bạn bè ảo là giới hạn. Nhiều người cuối cùng trải qua cảm giác chán nản cùng cực, sau thời gian dài bị cô lập thực tế.
Theo Dịch vụ đánh giá bảo hiểm Y tế, số người Hàn trong độ tuổi 20 được chẩn đoán trầm cảm đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, ở mức cao nhất mọi thời đại. Ha Ji-Hyun, một bác sĩ tâm lý và giáo sư tại Trung tâm y tế của Đại học Konkuk ở Seoul cho biết, những cộng đồng như ở các "tiệm gặp gỡ" nói trên có thể được coi là không gian cho những người cô đơn, nhưng có điều kiện tài chính. Nhóm còn lại ít tiền có thể rơi vào trầm cảm, bị cô lập.
Khi chênh lệch kinh tế và xã hội đã thấm sâu, thì có một sự chuyển biến tâm lý - theo hướng tự giải thoát - đang diễn ra mạnh mẽ trong những người Hàn Quốc trẻ.
Với Kim Ri-Oh, chính việc nhận ra khoảng cách về giới tính tiền lương trong công việc là chất xúc tác khiến cô nhìn thấy bức tranh tổng thể, bên cạnh áp lực làm thêm giờ. "Không ai nói gì về sự chênh lệch lương đó, và dường như tôi không thể thay đổi mọi thứ, vì vậy tôi đã rời đi. Tôi nhận ra mình không phải chịu đựng điều như thế này thêm nữa", cô nói.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã chú ý đến thực tế nghiệt ngã này. Năm 2018, Quốc hội thông qua luật cắt giảm đáng kể số giờ làm việc hàng tuần, từ 68 xuống 52, với hy vọng cải thiện mức sống.
Tuy nhiên, điều đó dường như chưa cải thiện được vấn đề. Tỷ lệ nghỉ việc chỉ sau một năm làm việc tại các công ty lên tới đỉnh điểm - 28% - trong năm 2018, phá vỡ quan niệm truyền thống của Hàn Quốc về "nơi làm việc suốt đời".
Thanh niên Hàn Quốc giờ đây hiểu rằng chịu đựng không còn là điều kiện tiên quyết để thành công. Thay vì cam chịu, họ đang tự viết lại cách sống của mình.
Thuận An (Theo BBC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét