Hà NộiĐể hoàn thành 45.000 km, xuyên hai lục địa Á - Âu, ông ông Trần Lê Hùng, 66 tuổi mất 6 tháng với hai lần đứt xích, thay ba lốp và những cú ngã nhiều không đếm xuể.
Từ khi còn là một kỹ sư cơ khí trẻ, ông Hùng đã có sở thích xê dịch. Năm 2018, khi theo dõi nhật ký hành trình của , một người trẻ Việt đi du lịch vòng quanh thế giới bằng xe máy, ông Hùng nảy ra ý tưởng thực hiện chuyến đi để đời của chính mình. Ông tìm đến một công ty chuyên dẫn đường cho các biker (người chơi xe máy phân khối lớn) để thuê người hỗ trợ.
Ông Hùng tại đỉnh đèo 4.700 m, biên giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Ông Hùng mua một chiếc xe phân khối lớn đời mới và dành nửa năm để "độ" lại cho phù hợp với vóc dáng và thể lực của mình. Từ mùa đông 2018 tới hè 2019, ngày ngày ông "thuần phục" xe mới nặng hơn 200 kg này. Sau nhiều lần bị ngã thì quen tay lái, ông chuyển sang chế độ tập luyện dưới nhiều điều kiện khác nhau như chạy trong mưa, chạy ban đêm với đủ các loại địa hình.
"Trời lạnh dưới 10 độ tôi vẫn đi bơi sông Hồng, đá bóng, tập võ thuật... hàng ngày để rèn luyện và tăng sức bền", người đàn ông cao 1,6 m, nặng 52 kg nói. Ông còn học kỹ năng đọc bản đồ, tìm hiểu về tôn giáo, chính trị các nước đi qua.
Ngày 2/7/2019, ông Trần Lê Hùng lên đường. Trong ngày đầu tiên, khi vượt qua biên giới Lào chừng 50 km ông đã gặp tai nạn. Khi vào đoạn đường hiểm trở, ông đã bất cẩn ôm cua quá rộng và không thể điều khiển tay lái. Để tránh lao xuống vực, ông Hùng buộc phải lao xe vào cột mốc bên đường. "Xe bị gãy cổ trước, lốp bung khỏi vành, người bay khỏi đầu xe", ông Hùng kể. Người đồng hành vừa dừng xe lại hỏi han thì ông cũng kịp đứng dậy với đầu gối chảy máu. Lúc đó ông chợt thấy may vì "cú ngã sẽ giúp mình cẩn trọng hơn".
Ông kể, trong suốt hành trình của mình có những ngày chạy 1.000 km qua bão cát Tân Cương (Trung Quốc) trong nắng nóng hơn 40 độ C vẫn chưa sợ bằng những ngày phải chạy hơn 600 km trong trời lạnh âm 16 độ. "Dù đã mặc 10 lớp áo, tay chân tê cứng. Cứ chạy xe 30 km là phải dừng, hai tay ôm ống xả cho đỡ cóng", ông nói.
Gian nan nhất là chinh phục đèo Tossor cao gần 4.000 m ở Kyrgyzstan. Con đường đá lởm chởm, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. "Cứ lên dốc lại xuống dốc như một bản nhạc lên xuống bất tận. Chinh phục được ngọn núi này là mong ước của những biker, nhưng khắc nghiệt quá tôi phải dừng. Nếu đi tiếp tôi chắc mình sẽ chẳng còn nghe được nốt nhạc nào nữa", ông kể. Đêm ấy ông Hùng ngồi trong chiếc lều ven đường, mặc tất cả quần áo vào người mà vẫn run như cầy sấy. Lạnh, đói và khó thở, ông kỹ sư về hưu tự an ủi "trải nghiệm một đêm ở đây cũng đáng tiền".
Những tai nạn trên hành trình của ông đến giờ vẫn in dấu trên chiếc gương phải bị gãy, những vết xước dài bên khung xe, thậm chí thùng nhôm bị mài thủng cả một góc. "Cú ngã trên cao tốc ở Kazakhstan khiến gương gãy bay vài chục mét. Người tôi trượt trên đường, áo rách, lông vũ bay tơi tả như tuyết rơi", ông Hùng kể.
Ông Hùng chỉ vết xước dài trên khung xe. Ảnh: Phan Dương. |
"Là khách hàng vốn được chăm sóc nhưng chú Hùng không hề kêu ca mỗi lúc lỡ đường không kiếm được chỗ ăn, ngủ. Chú thậm chí còn chăm sóc, động viên lại chúng tôi. Đặc biệt kỹ năng sửa xe của chú giúp chúng tôi trong nhiều tình huống, đến những người thợ nước ngoài cũng phải khâm phục", người dẫn tour chia sẻ.
Hai lần đứt xích, thay 3 lốp, trung bình mỗi ngày đổ 20 lít xăng, những cú ngã vì đổ xe nhiều không đếm xuể, còn ngã bay người không dưới chục lần. Nhưng hành trình này mang lại cho ông Hùng những cảm xúc không gì mua được.
Trong hồi ức của người lãng khách, cung đường lãng mạn nhất là đoạn qua Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á nằm cuối con đường tơ lụa. Ngoài những cung đường nguy hiểm, ở đây núi đồi trùng điệp, hoang sơ, đàn gia súc gặm cỏ trên những sườn núi, người dân du mục sống một đời an yên.
Tới Thuỵ Sĩ, nhìn thiên nhiên thơ mộng và thanh bình, ông Hùng hiểu tại sao Hiệp định Geneve lại được ký ở đó hay có những người từng muốn từ bỏ cuộc đời lại cảm thấy được hồi sinh khi tới đây.
Nhưng mọi cảm xúc của ông vỡ oà khi đặt chân tới Gruzia - nơi ông học từ năm 1973 đến 1976. Từng hai lần quay lại Nga nhưng ông chưa thể đến thăm trường cũ. Khi xe lăn bánh vào đất nước này, người dẫn đường thậm chí đã sợ ông xúc động quá mà chệch choạc tay lái nên liên tục ra hiệu bình tĩnh lại.
Con đường xưa, những nếp nhà vẫn thế, nhưng lại có cái lạ. Bởi hàng tùng bách năm xưa nơi ông đứng gửi thư chỉ cao hơn đầu người, giờ thành những cây cổ thụ. "Tôi đỗ xe trước cổng trường, cởi áo giáp, chạy ra bãi cỏ, nằm xuống. Tôi chạy vào rừng, ôm gốc dâu ngày xưa từng hái ăn, lòng nghĩ: 'Ai dám đánh đổi để có được hạnh phúc này'", mắt ông lấp lánh và giọng lạc đi.
"Bậc thềm này, thời trai trẻ tôi cùng tụi bạn chiều chiều ra ngóng nắng, xem tuyết tan, ngắm các nữ sinh qua đường. Hình ảnh sống động và mùi ký túc xá đặc trưng cùng lúc dội về khiến tôi thấy ngộp thở", ông nói tiếp.
Ở Gruzia, ông Hùng đã tìm gặp lại cô hàng xóm, anh bảo vệ. Thầy hiệu trưởng thì giật mình vì chưa bao giờ có một du học sinh đi xe máy trở lại. Còn ông Hùng, nước mắt trào ra khi nghe cô giáo mình quý nhất qua đời 3 năm trước...
Ông Hùng cho bà hàng xóm nhà gần trường cũ xem lại hình ảnh 44 năm trước của mình cùng những người bạn và bà nhớ rõ. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Rời Gruzia, Trần Lê Hùng tiếp tục đi qua châu Âu, quay trở lại Nga, Trung Quốc... trước khi về Việt Nam. Quãng đường lúc trở về hơn 10.000 km phải đi trong tiết trời âm độ thực sự là thử thách với người đàn ông 66 tuổi này.
Tối 19/12, chiếc xe đỗ xịch trước cửa nhà. Lúc này ông Hùng mới tin là mình đã thành công và nhận những lời chúc mừng của vợ con, bạn bè. Bước vào nhà, ông tới gần chiếc xe Honda 67, vỗ vào nó sau nửa năm xa cách: "Tao đã về rồi. Đệ tử của mày (chiếc xe mới) đã làm tròn nhiệm vụ".
Hành trang ngày trở về không phải là những đồ lưu niệm mà là một con xe vẫn còn nguyên bùn đất, mấy đốt xích đứt, vài con ốc và một quả thông nhặt dưới gốc cây trường cũ mà năm xưa ông hay chơi. Giờ đây nó nằm trong tủ kính, để mỗi ngày đi qua ông sẽ thấy...
Chùm ảnh:
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét