Hà NộiBị chồng đập gậy, mẹ chồng đổ mắm vào người, chị Oanh chỉ biết âm thầm chịu, muốn trốn đi xa, cho đến ngày học được "phải vùng lên".
Khuôn mặt hồng hào tô thêm chút phấn son, chị Nguyễn Thị Oanh, 50 tuổi nở nụ cười rạng rỡ, trên tay cầm tấm bằng 'Hiệp sĩ công lý 2019'. Chị Oanh là một trong 5 người được vinh danh giải thưởng này tại Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4, diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội.
Trong bộ trang phục dân tộc chỉn chu, ánh mắt rạng ngời, tay cầm tấm bằng và bó hoa tươi, chị nói: "Mình thật sự hạnh phúc và tự hào. Từ một người phụ nữ bị bạo hành gần 20 năm, đến nay mình có thể đứng lên, thành lập một cộng đồng giúp ích cho những người phụ nữ khác cũng bị bạo hành giống mình".
Nhiều người giật mình khi nghe đến con số 'gần 20 năm' mà chị nhắc đến. "Đó là quãng thời gian dài đằng đẵng, dai dẳng, đeo bám mình và các con", chị nói. "Có được ngày hôm nay thật như một giấc mơ!".
Chị Nguyễn Thị Oanh đã vùng lên sau nhiều năm bị bạo hành. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Chị Nguyễn Thị Oanh là người dân tộc thiểu số, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng năm 1991, chị bắt đầu bị bạo hành. "Đầu tiên là mẹ chồng đánh đập", chị kể.
Buổi tối trong căn nhà sàn nhỏ, không có ánh điện, chị Oanh tiếp tục làm việc nhà. Căn bếp 9h tối vẫn còn ấm hơi lửa, tỏa khỏi nghi ngút. Chị Oanh bộ dạng nhếch nhác, áo đẫm mồ hôi, ngồi một mình đun nồi nước mắm. Bà mẹ chồng đột ngột từ trên nhà chạy xuống, hất luôn nồi nước mắm vào người chị. Chiếc bồ cào dựng ở góc bếp, bà cầm lấy, liên tiếp đập vào người chị nhiều phát, chửi bới...
Chị Oanh không cãi lại, cũng không chạy đi, chỉ lấy tay lên che đỡ mặt. Bị đánh xong, chị lên góc nhà, một mình ngồi khóc. Đứa con nhỏ thấy vậy cũng khóc theo. Người chồng ngồi im, không nói, không can ngăn.
"Một ngày vài trận như thế", chị Oanh kể. "Bà ghét mình, cho rằng vì mình mà chồng không quan tâm đến mẹ nên ngày nào cũng chửi bới, đánh đập". Những vết bầm dập, thâm tím trên cơ thể lâu ngày tích tụ, chị cứ để mặc như vậy, không ngó ngàng cũng chẳng thèm bôi thuốc cho chóng lành.
Một thời gian sau, chồng quay ra bạo lực lại với chị để mẹ thỏa mãn. Đầu tiên anh chửi, sau đó anh tát nhiều lần vào mặt chị. Không thỏa mãn, anh lấy củi đánh mạnh vào nhiều chỗ trên cơ thể chị. Chị Oanh không phản kháng. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Oanh không có tiếng nói trong gia đình, ly hôn không được, 'chết thành ma nhà chồng chứ không được quay về nhà bố mẹ đẻ', chị chỉ biết âm thầm chịu đựng. Bí bách, chị tìm cách tự tử nhưng không thành, bỏ trốn 2 lần nhưng cũng không được.
"Mình chỉ muốn trốn đi thật xa, cắp con bỏ chạy, vượt biên giới cũng được, chứ ngày ngày chịu cảnh đánh đập, sống không bằng chết, khổ quá", chị nói.
Nhiều năm chịu đựng, chị bị trầm cảm. "Mình chỉ quanh quẩn trong nhà xó bếp, đi làm nương thì bịt kín mặt, không muốn gặp hay tiếp xúc với ai, nhìn ai cũng muốn tránh bởi vì xấu hổ", chị chia sẻ. "Lúc đấy mình nghĩ phải chăng do kém cỏi nên bị người nhà đối xử như thế". Chị cứ lầm lì, cuộc sống là một vòng luẩn quẩn đi làm, chăm con, bị đánh đập, chịu đựng...
"Hôm đó, chồng mình dùng cây củi to đập thẳng đầu, mình đau đến ngất luôn", chị nhớ lại. Chị được bố mẹ đẻ đưa đến 2 bệnh viện chữa, với chẩn đoán chấn thương sọ não. Chị qua cơn nguy kịch, nhưng phải nằm viện 2 tháng.
Không chỉ bị đánh đập, chị Oanh còn phải chịu đựng cảnh chồng bạo lực tình dục kéo dài. "Một ngày không kể sáng, trưa, chiều, tối, đêm, chồng đòi hỏi, mình không chịu được", chị nói. "Ngày đấy mình không nghĩ đó là bạo lực tình dục, chỉ nghĩ đó là nghĩa vụ một người vợ phải đáp ứng nhu cầu của chồng nên cũng không dám nói với ai". Ngày ngày đi làm nương rẫy trên đồi, trên núi, chăm con, làm việc nhà, cả chuyện đó, "Mệt lắm!". Có hôm chị dậy không được nhưng vẫn phải đáp ứng. Nhiều sáng, chị phải dậy sớm, 3-4 giờ, xuống bếp ngồi để tránh sự va chạm vợ chồng.
Năm 2010, khi biết đến chương trình của hội phụ nữ hỗ trợ cho những phụ nữ bị bạo lực, chị giấu gia đình đăng kí xin đi học kỹ năng phòng tránh. Mỗi ngày chị đạp 10 km từ nhà đến trung tâm để đi học. "Đi học nhưng phải nói dối là đi chợ", chị kể. Tại lớp học, chị biết đến nhiều phụ nữ cũng trong cảnh như mình nhiều năm.
"Học đến đâu mình áp dụng đến đấy", chị nói. Sau khi học về, những tài liệu học được chị để hết ra bàn, ra giường. Chồng chị đọc được, dần dần anh và mẹ chồng thay đổi cách đối xử với chị. Chị không còn phải giấu việc mình đi học nữa.
Xong khóa học, chị xin về ứng cử vào ban chấp hành hội phụ nữ xóm, xã. Chị thành lập nhóm gia đình hạnh phúc, tư vấn, giúp đỡ cho những chị em có hoàn cảnh giống mình. Có trường hợp nào bị bạo hành, họ gọi điện cho chị, chị Oanh liên hệ tổ hòa giải của xóm để giải quyết, can ngăn. Nhiều năm, tình trạng bạo hành giảm thiểu đáng kể trên chính quê hương chị.
Thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2019, từ năm 2014, trung bình mỗi năm tòa thụ lý hơn 1.600 vụ bạo lực tình dục. Trong số những người bị bạo lực được phỏng vấn, chỉ 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN wome) tại Việt Nam chia sẻ những nạn nhân bị bạo lực phải sống trong sợ hãi và đau đớn, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Trong những trường hợp xấu nhất, bạo lực thậm chí cướp đi mạng sống.
Lặng đi hồi lâu, chị Oanh chia sẻ: "Ngày đó, mình chỉ nghĩ muốn cứu con thì mình phải cứu mình trước, nên mình chịu đựng, và mình nỗ lực học tập để giải thoát. Bây giờ, có nhiều người trong hoàn cảnh mình trước đây chủ động tìm đến nhà mình để được tư vấn. Mình chia sẻ ngay trước mặt mẹ chồng. Bà ấy hiểu ra những hành động đánh đập trước kia là sai trái, bà đồng cảm rất nhiều".
Ngày 4/12, chị được vinh danh 'hiệp sĩ công lý' cho những nỗ lực của mình trong việc chống lại nạn bạo lực.
Thúy Quỳnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét