Vợ sếp Hàn bốc gạch để xây nhà sưởi cho người Việt

Ăn rau mua ngoài chợ cóc, dành hết thu nhập giúp người Việt ở vùng cao có nhà sưởi ấm, Kyeong Hee Lee bị bạn bè gọi là 'điên'. 

Đang ngồi ăn cơm trong căn hộ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội, điện thoại đổ chuông, chị Kyeong Hee Lee nhấn nút trả lời, nói như reo "Chào Hà, con khỏe không?". Phía bên kia hiện lên khuôn mặt rạng rỡ của một cô gái Việt "Cô, con nhớ cô. Lâu lắm không được ôm cô ngủ rồi", nói rồi mắt Hà đỏ hoe. 

Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1986), quê Hải Phòng, tình cờ gặp chị Lee khi đang là sinh viên đại học, bố mẹ vừa bỏ nhau. Sau biến cố, Hà lầm lì, ít nói. Thấy vậy chị Lee đề nghị Hà về nhà mình nuôi ăn, nuôi ở.

"Hàng ngày tôi đều tâm sự mọi việc với Hà. Dần dần, cô bé biết chia sẻ tình cảm, biết quan tâm đến người khác. Sau này tôi có xin học bổng học cho Hà ở Đại học Dong - A, Hàn Quốc. Với tôi cô gái Việt Nam đó như một người con trong gia đình", chị Lee, 49 tuổi, nói, giọng đầy tự hào. Hiện Hà dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại trường cấp 1 Myeonglyun, Hàn Quốc. 

Hà chỉ là một trong hàng chục người Việt được chị Kyeong Hee Lee trợ giúp về kinh tế và định hướng tinh thần để có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

"Có thể mang đến hạnh phúc cho người Việt Nam với tôi chính là hạnh phúc lớn nhất", chị Lee nói.

Chị Kyeong Hee Lee hiện là cố vấn của Hội liên hiệp thanh niên quốc tế (IYF) tại Việt Nam. Ảnh: Hải Hiền.

Chị Kyeong Hee Lee hiện là cố vấn không lương của Hội liên hiệp thanh niên quốc tế (IYF) tại Việt Nam - Tổ chức giúp đào tạo kỹ năng sống và rèn luyện tư duy cho thanh niên Việt. Ảnh: Hải Hiền.

Nhưng tình yêu đó là điều chị không ngờ tới, bởi nó đến như mưa dầm thấm lâu. "Khi mới sang đây 10 năm trước, tôi từng nghĩ người Việt Nam rất xấu", chị Lee chia sẻ.

Năm 2009, chị Lee đưa hai con trai sang Việt Nam - nơi chồng chị đang quản lý một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Phú Thọ - để gia đình đoàn tụ. Bạn bè nhiều người bảo chị dở hơi, đang sung sướng lại bỏ đến nước nghèo. Thế nhưng con trai cần bố, nên Lee vẫn quyết tâm đi. 

Không người thân, bạn bè, những ngày đầu sang Hà Nội, Lee tự mình làm tất cả mọi việc. Đến chợ chị thấy người bán hàng vặt lông rồi cắt tiết gà vịt mà thất kinh. "Nhìn người ta vác cả nửa con lợn còn nghi ngút khói ra băm chặt là tôi rùng mình. Trong đời tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng đó", chị kể.

Để di chuyển, Lee vào siêu thị mua một chiếc xe đạp. Vừa ra cửa, chị gặp một chiếc taxi bất ngờ rơi thanh chắn bùn, người lái xe đổ lỗi do Lee. Không biết tiếng, Lee nhờ người bảo vệ siêu thị ra phân xử nhưng người này lại không bênh chị. Cực chẳng đã, Lee gọi về cho chồng, nhưng được khuyên nên đưa tiền đền bù cho người ta để yên ổn. Không phục, Lee đứng giữa đường khóc rồi đánh giá: "Người Việt Nam không ai tốt cả".

Sau sự cố đó, Lee quyết định không tiếp xúc với người Việt. Ba mẹ con chỉ ở trong nhà chơi với nhau hơn một tháng. Trong một lần đi siêu thị, chị quen hàng xóm tên Hiền, có con trai tự kỷ. Sang nhà Hiền chơi, Lee nhận thấy dù con trai phá phách, nghịch ngợm thế nào, người mẹ vẫn luôn dịu dàng. "Lúc cô ấy lau mồ hôi sau ngày dài chăm con nhưng khuôn mặt vẫn rạng rỡ, tôi chợt nhận ra người mẹ đó đẹp biết bao", chị chia sẻ.

Một lần Lee hỏi Hiền có cảm thấy mệt không khi chăm một đứa trẻ như vậy, Hiền trả lời: "Khi muốn yêu ai đó chị hãy nhắm mắt lại để cảm nhận tình cảm thực sự từ tấm lòng mình. Yêu con cũng như vậy, yêu từ sâu thẳm trái tim thì không bao giờ thấy mệt".

Sau câu nói của người hàng xóm, Lee như tỉnh ngộ, chị quyết tâm mở lòng mình để tiếp nhận những điều mới mẻ tại Việt Nam.

Việc đầu tiên chị học là qua đường một mình. Việc thứ hai là đối mặt với những hoạt động giết mổ ở chợ gần nhà. Sau một tuần, chị đã tự sang đường không cần người dắt và vui vẻ chờ người bán hàng mổ gà đem về nhà. Rồi Lee nhận ra đi chợ rất vui vì được mọi người hỏi thăm, dù chị không hiểu gì. 

"Đi qua hàng quán nào tôi cũng thấy người bán hàng cười đùa. Họ tươi lắm, tôi tự hỏi điều gì khiến họ cười nhiều, hạnh phúc như vậy? Tôi cũng muốn được vui vẻ như thế", chị chia sẻ.

Sau 2 tháng đến Việt Nam, Lee ra hiệu sách, mua một cuốn Tiếng Việt lớp một và từ điển Hàn - Việt để tự học. Hàng ngày, ngoài giờ nấu nướng, dọn dẹp, chị dành khoảng 8-10 tiếng để học đủ 4 kỹ năng "nghe- nói-đọc-viết". Ngày nào cũng học, kể cả khi ốm.

Hơn một năm với lịch trình liên tục như vậy, cùng với việc kết thân với nhiều bà bán hàng, trình độ tiếng Việt của Lee tăng lên rõ rệt. Mỗi lần ra chợ, chị đều được họ bán cho đồ ngon, hỏi han về tình hình sức khỏe các con, thứ mà chị không nhận được khi ở quê nhà.

Nhiều người Hàn, Việt thắc mắc tại sao Lee mua đồ ngoài chợ vì họ thấy bẩn, không an toàn. "Điều mà tôi nhận lại là sự yêu quý, tình cảm thân thiết của những người bán hàng ở đó. Khi yêu nên nhắm mắt lại để cảm nhận từ trái tim, tôi yêu Việt Nam theo cách đó", Lee trả lời.

Chị Lee trong chuyến đi trao quà Tết cho trẻ em tại Lai Châu tháng 12/2018. Ảnh: K.Y.L

Chị Lee trong chuyến đi trao quà Tết cho trẻ em tại Lai Châu tháng 12/2018. Ảnh: K.Y.L

Không chỉ yêu bằng tinh thần, Lee đã dùng toàn bộ tiền kiếm được giúp đỡ nhiều người Việt.

Mọi việc bắt đầu từ việc chị giúp những phụ nữ Hàn Quốc theo chồng sang Việt Nam được hòa nhập giống mình. Mở lớp dạy miễn phí tại nhà, chị còn nấu ăn cho học viên. Một ngày, chị sững sờ khi nghe tin đồn "Lee định buôn bất động sản nên mới kết thân với mọi người" trong cộng đồng người Hàn tại Hà Nội. 

"Nghe tin đó tôi đã khóc. Học viên bảo tôi nên thu học phí để tránh điều tiếng", Lee nhớ lại. Vậy là chị thu phí. Tiền thu 2 tháng đầu tiên được trao cho một bảo vệ chung cư nơi chị đang ở, có mẹ đang đi viện, hoàn cảnh rất khó khăn.

Những tháng sau, Lee dùng tiền dạy học để mua áo ấm cho trẻ vùng cao. Thấy nhiều bé trên mặc áo rét từ thiện nhưng dưới lại cởi truồng, đi chân đất trong trời lạnh buốt, Lee ứa nước mắt. Rồi chị bỗng nghĩ tới kiểu nhà có nền sưởi ở nông thôn Hàn Quốc - loại nhà giữ nhiệt tốt - và mong ngôi nhà đó có mặt ở Việt Nam.

Không ngần ngừ, Lee bắt tay ngay xin phép các nơi để làm nhà sưởi mẫu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, rồi chuyển giao công nghệ cho địa phương. Ngoài đóng góp của bạn bè, phần lớn kinh phí chị lấy từ lợi nhuận từ công ty phân phối mỹ phẩm do mình thành lập năm 2016, đến nay đã xây được 3 căn nhà nền sưởi mẫu. 

Những ngày "ăn dầm, nằm dề" xây nhà mẫu ở vùng cao, Lee không thể quên hình ảnh người dân tò mò ngó xem "bà nước ngoài" đang làm gì mà hùng hục xúc đất cát như vậy. "Khi tôi mỉm cười, nói chuyện bằng tiếng Việt thì họ vui vẻ đến lạ, giúp đỡ tôi khuân vác, mang nước uống cho tôi. Yêu người Việt Nam từ những hành động nhỏ như thế thôi", Lee nói, giọng nhẹ nhàng như người Hà Nội.

Chị Lee cùng người dân địa phương xây nhà nên sưởi mẫu tại huyện Văn Hồ, tỉnh Sơn La tháng 11/2019. Ảnh: K.Y.L.

Chị Lee cùng người dân địa phương xây nhà nền sưởi mẫu tại huyện Văn Hồ, tỉnh Sơn La tháng 11/2019. Ảnh: K.Y.L.

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc, người từng nhiều năm làm việc với chị Lee cho hay: "Khi các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam để chuyển giao nền sưởi, Lee luôn tự lái xe đưa họ lên Cao Bằng, Hòa Bình hay Sơn La và cũng không nề hà những việc nặng như bốc vác gạch đất để xây những ngôi nhà mẫu".

"Hiếm có người nước ngoài nào lại dành hết tình cảm của mình cho Việt Nam như thế", ông Bình chia sẻ. 

Mưa rơi nặng hạt trên nóc trường mầm non xã Tô Múa, huyện Văn Hồ, tỉnh Sơn La chiều đông tháng 11, Lee vẫn miệt mài cùng đội thợ xây hoàn thành những công đoạn cuối cùng của căn nhà nền sưởi. Trời lạnh buốt nhưng trên trán chị rịn mồ hôi. Những đứa trẻ dân tộc rình thấy cô Lee xong việc là chạy ùa đến. Đứa bá vai, đứa bá cổ, đứa đòi thơm má, tiếng cười nói rộn cả một vùng đồi. 

Hải Hiền

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét