"Charlene, trong 10 ngày tới, em phải quyết định xem có thừa kế công ty Heineken hay không", Michel de Carvalho nói với vợ.
Đó là ngày 3/1/2002. Bên dưới bầu trời xám xịt ở Noordwijk, Hà Lan, Michel cùng vợ là Charlene đưa tiễn Freddy Heineken, cựu giám đốc điều hành hãng bia Heineken, về thế giới bên kia. Freddy ghét sự phô trương nên đám tang ông diễn ra đơn giản trong một nghĩa trang bình thường. Chỉ có 4 người tham dự: thư ký, Lucille - vợ Freddy, con gái Charlene và con rể Michel.
Trước khi bố qua đời, Charlene không hề có tiền, ngoại trừ một cổ phiếu trị giá 25,6 euro, tương đương 32 USD. Người phụ nữ lúc ấy 47 tuổi cũng chẳng nghĩ gì về trách nhiệm của mình.
"Những gì Michel nói đã cảnh tỉnh tôi", Charlene kể. Chưa đầy một tuần trôi qua, Charlene đồng ý nghe theo chồng. Từ một người chưa từng được đào tạo chính quy về kinh doanh, bà đứng lên, tham gia điều hành và bảo vệ di sản gia đình.
Charlene và Michel tại trụ sở Heineken. Ảnh: Fortune. |
Sự nghiệp kinh doanh của nhà Heineken bắt đầu từ năm 1864, khi ông cố của Charlene, Gerard Adriaan Heineken, mua nhà máy bia nhỏ De Hooiberg ở Amsterdam và bắt đầu sản xuất bia với một loại men đặc biệt. Henry, con trai Gerard, quản lý Heineken 23 năm nhưng đánh mất quyền kiểm soát vào năm 1942. Năm 1954, Freddy, con trai Henry, mua đủ cổ phần Heineken để giành lại quyền kiểm soát về gia đình.
Lớn lên ở thị trấn ven biển Noordwijk, Charlene Heineken, con gái độc nhất của Freddy, rụt rè, nhút nhát và được bao bọc. Tuy nhiên, gia đình Heineken không nuông chiều con gái. "Mẹ chở tôi đến trường mỗi ngày. Tôi không hề có tài xế riêng", Charlene tiết lộ.
Dù thời điểm ấy đã vô cùng giàu có, nhà Heineken vẫn ưa thích cuộc sống đơn giản. Buổi tối, gia đình ba người ngồi ăn trước tivi, thực đơn đôi lúc chỉ có mỳ và thịt viên. Họ cũng không thích giao lưu dù quen biết hàng loạt nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả Hoàng tộc Monaco.
Freddy chưa bao giờ đề cập đến việc chuyển giao quyền quản lý Heineken cho Charlene mà chỉ muốn con sống hạnh phúc, thoải mái. Bản thân Charlene cũng không hứng thú kinh doanh, thậm chí khó chịu vì thấy họ của mình xuất hiện khắp nơi. Phần lớn nhân viên Heineken còn không biết Charlene là con gái Freddy.
Năm Charlene 17 tuổi, Freddy không cho con đi du học với lý do cô bé "còn quá nhỏ". Không còn lựa chọn nào khác, Charlene đăng ký một khóa học thư ký ngắn hạn ở The Hague và lấy bằng luật ở Đại học Leiden.
Năm 20 tuổi, Charlene rời Hà Lan, học tiếng Pháp ở Thụy Sĩ và nhiếp ảnh ở Mỹ. Một thời gian trôi qua, Charlene làm việc cho một công ty quảng cáo ở London rồi chuyển tới chi nhánh Heineken Paris. "Tôi thử hết thứ này đến thứ khác, không quyết định được gì", Charlene thừa nhận.
Charlene gặp Michel de Carvalho ở khu trượt tuyết St. Moritz, Thụy Sĩ. Đối với một tiểu thư được bao bọc kỹ càng và không rõ định hướng tương lai, Michel quá đặc biệt. Có cha là nhà ngoại giao người Brazil và người mẹ gốc Anh, Michel từng làm diễn viên trước khi đến học ở Harvard. Vì muốn phản kháng gia đình, ông bỏ học, tham gia đội trượt tuyết của Anh tại kỳ Olympic 1968 ở Grenoble (Pháp).
Yêu Charlene, Michel tự thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ bạn gái độc lập hơn. Ông từng nhận xét mối quan hệ giữa Charlene và Freddy là "sợi dây không thể phá vỡ". Một lần, Freddy dành 3 tiếng ăn tối với Michel để tra hỏi con rể tương lai về mọi mối tình cũ, tài khoản ngân hàng và cả thị lực. "Điều tuyệt vời nhất mà ông ấy từng nói về tôi là tôi không yêu Charlene vì tiền", Michel kể.
Mùa thu năm 1983, Charlene và Michel kết hôn. Hai ngày sau tuần trăng mật của đôi trẻ, Freddy Heineken bị bắt cóc. Nhờ gia đình trả 20 triệu USD tiền chuộc và cảnh sát nỗ lực tìm kiếm, Freddy về nhà an toàn.
Trải qua vụ việc trên, Charlene, vốn trầm lặng, càng muốn rời xa sự chú ý của công chúng. Bà rời Amsterdam, chuyển đến London cùng chồng.
Michel làm việc cho tập đoàn tài chính, thường xuyên công tác nước ngoài còn Charlene ở nhà, chăm sóc năm đứa con. Bà sống nhờ lương chồng, hạnh phúc trong vai trò người vợ và sẵn sàng từ bỏ họ Heineken, trở thành "bà de Carvalho" cho đến năm 2002, khi Freddy qua đời.
Michel hiểu rằng khi đề nghị Charlene tham gia điều hành Heineken đồng nghĩa với việc cả hai vợ chồng phải cùng san sẻ trách nhiệm. Ông xin từ chức ở tập đoàn tài chính để dành thời gian hỗ trợ vợ.
"Nhiều người nghĩ chúng tôi sẽ bán công ty hoặc phá hỏng nó", Michel nhớ lại. Để chứng minh mình có thể làm được, Charlene và Michel đi tới các nhà máy bia và văn phòng Heineken khắp thế giới, hỏi thăm khó khăn đồng thời đánh giá nhân sự. Họ tìm gặp các nhà quản lý, đầu tư và dành cả đêm trao đổi với nhau. "Thời gian ấy thật thú vị", Charlene nhớ lại.
Với sự ủng hộ từ chồng, Charlene nhận ra đam mê với kinh doanh, quyết tâm thay đổi công ty để bảo vệ di sản gia đình. Thấy Heineken liên tục bỏ lỡ cơ hội, bà kêu gọi hội đồng quản trị thay thế giám đốc điều hành, sau đó chọn Jean François van Boxmeer, người góp phần mở rộng quy mô công ty lên ba lần.
Hai vợ chồng cũng thể hiện rõ ràng rằng mình không dễ bị bắt nạt. Một lần, Michel viết thư cho chủ tịch Heineken: "Ông đã thấy khía cạnh ngọt ngào, dễ thương của Charlene. Nhưng tôi xin nhắc ông rằng cô ấy có 50% của cha mình. Đó là khía cạnh mà có lẽ ông nên để yên".
Charlene và Michel bên các con. Ảnh: Fortune. |
Giờ đây, Charlene sở hữu 23% cổ phiếu công ty Heineken với quyền kiểm soát bỏ phiếu, có nghĩa phiếu bầu của bà giá trị hơn mọi phiếu bầu khác trong hội đồng quản trị. Ở tuổi 65, bà được xếp vào top phụ nữ giàu nhất thế giới, tài sản tính đến 2/11/2019 là 15,7 tỷ USD.
Khi được hỏi về nỗi lo lắng lớn nhất, Charlene nghĩ vài giây rồi trả lời: "Đôi lúc thành công gây ra tự mãn". Nhận ra đam mê kinh doanh khá muộn và không được đào tạo chính quy về ngành này, Charlene phải chiến đấu để giành lấy sự tôn trọng. Hơn ai hết, bà hiểu rõ rằng dù tài sản của bạn lên tới hàng chục tỷ USD, sự tôn trọng vẫn là điều không dễ đạt được.
Hiện vợ chồng Charlene và Michel chưa quyết định ai trong năm đứa con sẽ thừa kế Heineken. Để các con không áp lực, họ thuê chuyên gia tư vấn đến nói chuyện về tham vọng, mong muốn, thắc mắc và cả nỗi sợ thừa kế. Bên cạnh đó, Charlene luôn luôn nhắc các con: "Hãy cứ theo đuổi đam mê nếu có thể. Làm điều mình thích sẽ tốt hơn là làm điều mình được bảo".
Minh Trang (Theo Fortune, Forbes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét