SingaporeCô Alice, 43 tuổi, đồng ý chuyển khoản 5.000 USD cho một người tự xưng là chủ đại lý kim cương, dù mới quen qua mạng 2 tuần.
Đau buồn khi mối quan hệ yêu đương suốt một năm trên internet tan vỡ, Alice (biệt danh) tìm đến một ứng dụng hẹn hò nổi tiếng trên mạng. Tháng 7 vừa qua, cô bắt đầu trò chuyện với một người đàn ông tự xưng là chủ một đại lý kim cương, sinh ở Đài Loan, hiện sống tại Mỹ.
Họ nhắn tin, gọi điện cho nhau mỗi ngày trên mạng xã hội. "Anh ta nói rất cô đơn và luôn cảm thấy trống rỗng khi mẹ chết, nên muốn có một người phụ nữ trong đời", Alice kể.
Người này thường gửi cho cô những bài thơ lãng mạn, ảnh bản thân và ảnh mô tả một cuộc sống như thật, nên Alice không chút nghi ngờ. Anh ta cũng nhiều lần ngỏ lời yêu và nói sẽ đến Singapore để gặp cô. Tuy nhiên, Alice vẫn từ chối vì chưa nguôi ngoai sau chia tay người cũ.
Hai tuần sau đó, người đàn ông đề nghị vay cô 5.000 USD.
Người phụ nữ suýt thành nạn nhân của trò lừa đảo tình yêu. Ảnh: straitstimes. |
"Anh ta nói có một gói kim cương trị giá 800.000 USD cần trả phí để gửi đến khách hàng", Alice kể. Cô đồng ý giúp đỡ nên chuyển khoản số tiền qua internet.
Vài ngày sau đó, người này nói với Alice chưa nhận được tiền và yêu cầu chuyển lại lần hai, khiến cô nghi ngờ. Alice âm thầm kiểm tra và được xác nhận giao dịch đã thành công.
Cô nghĩ mình bị lừa nên báo cảnh sát. Nhờ vậy, Alice đã nhận lại được khoản tiền 5.000 USD gửi cho kẻ lừa đảo.
Carolyn Misir và Jeffery Chin, hai chuyên gia tâm lý thuộc lực lượng cảnh sát Singapore cho biết, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tình yêu trên mạng. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng chiến thuật đồng thời thuyết phục, khiến nạn nhân phải chuyển tiền cho chúng.
"Chúng nghiên cứu mục tiêu, tạo hồ sơ giả phù hợp với những gì nạn nhân tiềm năng mong đợi. Chúng cũng lựa chọn thời điểm nạn nhân đang tổn thương tinh thần, chẳng hạn như chia tay, ly hôn hoặc biến cố tình cảm để làm quen", bà Misir nói.
Theo chuyên gia tâm lý Jeffery Chin, tất cả các nạn nhân của trò lừa đảo tình yêu trên mạng, ở một thời điểm nào đó, thường cũng nảy sinh nghi ngờ. Tuy nhiên, hầu hết họ không hành động để tìm ra sự thật mà sẽ cố lờ đi, vì không muốn từ bỏ mối quan hệ vừa có.
"Đó không chỉ là những tổn thất về tiền bạc, mà nó còn giống như mất mát người thân yêu", chuyên gia nói.
Các nhà tâm lý học khuyên không nên chuyển tiền cho người chúng ta không quen biết, cũng đừng ngại nói với họ bạn sợ mình sẽ là nạn nhân của kẻ lừa đảo.
Về phần Alice, sau khi biết mình thân thiết với một kẻ trục lợi, cô đã mất lòng tin vào những người trên mạng lẫn đời thực.
"Tôi may mắn nhưng những nạn nhân khác thì bị tổn thương nặng nề. Để tự bảo vệ mình, bạn đừng quá tin tưởng vào những mối quan hệ trên mạng", cô chia sẻ.
Nhật Minh (Theo Straits Times)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét