Tôi hạnh phúc khi còn có ba mẹ đủ đầy và cố gắng sống tốt để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Đây là lá thư thứ 4 con viết để gửi về cho mẹ. Đáng lẽ, lá thư này con đã viết cho mẹ trước ngày con tạm biệt nhà mình để vào Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình tìm việc.
Tôi hạnh phúc khi luôn được ba mẹ dạy bảo, yêu thương. |
Mẹ yêu, mẹ biết không!
Tháng 6 vừa rồi con về quê chơi, lúc chạy xe một mình ra nhà bác, con không khỏi xúc động nghĩ về cuộc đời của mẹ. Lúc ấy con chực trào nước mắt. Mảnh đất nơi con sinh ra nhưng đã khiến con và mẹ đầy đau khổ, tủi nhục. Mẹ là người con thứ 4 trong gia đình. Dù là con gái nhưng mẹ đã lo toan hết mọi việc trong nhà. Hồi xưa (theo lời kể của mẹ), mẹ làm ăn rất giỏi, có của dư của để, nhưng đều trang trải mọi chi phí trong nhà hết. Mẹ có bao nhiêu tiền đều lo cho cậu và dì của con.
Đến khi mẹ cưới ba con thì sự việc không còn suôn sẻ nữa. Mẹ làm đến đâu là thua lỗ tới đó, bao nhiêu tiền bạc đều trắng tay. Sinh con ra, mẹ vẫn phải chạy chợ từng bữa vì nhà bà nội cũng nghèo khó, ba thì đi bộ đội tận Hà Giang, mấy tháng mới về nhà một lần. Vì thế con toàn ở nhà với bà. Con được bà chăm và chưa biết đến nỗi cực khổ của mẹ.
Khi lớn hơn chút nữa, con đã hiểu chuyện hơn. Có năm cả nhà mình ly tán, mỗi người ở một nơi. Mẹ đi chợ, ba làm xa, em thì ở với bác, còn con ở với O. Lúc con học lớp 2 thì có mấy tháng mẹ đi không về nhà, người trong xóm đồn mẹ bỏ vào Nam làm ăn. Chỉ mỗi con và em ở nhà với bà vẫn ngây ngô nghĩ là mẹ đi làm một công việc đỡ vất vả hơn.
Ngày mẹ trở về, con chuẩn bị vào lớp 3. Khi đó mẹ không còn đi chợ nữa, mà ở nhà chăm cho con học hành. Hồi đó con học dốt lắm vì mải chơi quá. Mẹ đã mua riêng một cái bàn nhỏ, bắt con ngồi học nghiêm chỉnh. Con học khá lên rõ rệt dưới sự hướng dẫn của mẹ. Con được cô giáo khen và nêu gương cho các bạn trong lớp noi theo.
Cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, mẹ làm hương và con cũng phụ làm để mẹ mang ra chợ bán. Đến nay con vẫn còn nhớ lời mẹ dặn "Một bó hương con để 12 cây, rồi gói lại và dán nhãn lên". Bán hương thu nhập ít quá, bác con mở một quán ăn trước nhà, gọi mẹ qua làm. Mà việc này chỉ làm khổ mẹ con thôi. 2 bác là cán bộ, đi làm từ sang tới tối. Mẹ lại một mình lo công việc ở quán. 4h sáng mẹ đã phải dậy để đi chợ và chuẩn bị hàng bán cho cả ngày, đến kkhuya mới được về nhà. Con cũng theo mẹ ở quán suốt. Nhà mình có đó mà mẹ mấy khi được nghỉ ngơi.
Ngày Rằm năm đó, con ở quán chờ mẹ về nhà. Mãi đến 23h, mẹ và con mới ra giếng để tắm. Dù là ngày Rằm nhưng trên bàn thờ nhà mình chẳng có gì cả. Con nhớ như in mẹ đã lấy nước giếng để trong chai thủy tinh màu xanh đặt lên bàn thờ và hương cho ông bà tổ tiên. Có lần, mẹ và con đi Đô Lương, lúc về, trời đã chiều. Mẹ dẫn con vào một quán chè và gọi cho con ăn. Khi con ăn xong, mẹ dặn lúc về không được nói với bác và con đã ngoan ngoãn nghe lời.
Ngày đó, con vẫn dại khờ và chưa hiểu được nỗi khổ của mẹ. Nhưng bây giờ, mỗi lần về quê, đi ngang quán đó con vẫn không thể nào quên những lời mẹ dặn. Đôi lúc ba còn đòi bỏ mẹ con mình. Điềy này khiến mẹ rơi nước mắt. Mẹ ôm con khóc thật nhiều. Đến khi con hoàn thành tiểu học, ba quyết định đưa cả nhà xuống Vinh. Nhà mình lại bắt đầu cho một hành trình mới, nhưng đây là lúc cả gia đình thực sự đoàn tụ với nhau.
Lúc đầu, cả nhà thuê một căn cấp 4, bé xíu. Mẹ đi bán trái cây, nhưng không ăn thua. Thấy vậy, bác hàng xóm chỉ cho mẹ nghề may gia công. Mỗi cái quần mẹ may đôi khi giá có 500 đồng tiền công. Mỗi ngày mẹ phải may đến mấy chục chiếc mới có tiền trang trải thêm chi phí cho gia đình. Thế là từ đây, mẹ lại còng xương sống. Tuy không đội nắng, đội mưa nhưng lúc nào nhà mình cũng xành xạch nghe tiếng máy may của mẹ từ sáng cho tới khuya.
Ngày đó, nhà mình chỉ có một chiếc giường mà 4 nằm người nằm chung. Năm con lớp 7, nhà mình mua được đất và xây nhà mới. Cuộc sống bắt đầu đỡ khó khăn hơn nhưng ba lại phải chuyển công tác xa. Nhà mình lần nữa phải xa nhau. Năm con, vào đại học thì nhà còn mẹ và em. Khi trả nợ hết tiền nhà, ba mẹ lại bắt đầu kiếm tiền để con ăn học. Khi đi học, con mới thực sự cảm nhận được tình cảm gia đình. Con thực sự thấy hạnh phúc vì còn ba mẹ.
Giờ đây, mọi khó khăn, cực khổ đã qua. Bù đắp cho những tổn thương ngày xưa là ba mẹ đã thương con rất nhiều. Con đi học, mở mang được tầm mắt, dần hiểu nỗi khổ của mẹ. Hè nào, khi về nhà, con cũng ôm mẹ khóc. Mẹ nói mẹ thương con nhất và luôn tự hào về con. Mẹ à, mùa báo hiếu về nhưng con chưa báo hiếu được cho mẹ. Con hổ thẹn với chính mình vì có những điều con chưa phấn đấu để mẹ vui lòng. Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh cho ba và 2 con. Điều này ba và hai con rất hiểu. Mẹ ơi, công sinh thành dưỡng dục không biết khi nào chúng con mới trả hết được. Mẹ thường nói với con rằng "Con nên người là ba mẹ vui rồi". Mẹ ơi, con thương mẹ và cả nhà thật nhiều!
Nguyễn Thái Hà
Từ ngày 28/6 đến 11/8, độc giả chia sẻ cảm xúc, tình yêu thương, kỷ niệm khó quên bên đấng sinh thành có cơ hội nhận sữa Boost Optimum. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 300 - 1.200 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất một hình ảnh minh họa; bài ảnh (tối đa 12 hình ảnh) tự chụp, hoặc bài dự thi dưới dạng video thể hiện tình cảm với cha mẹ. Gửi bài dự thi .
0 nhận xét:
Đăng nhận xét