Sau những trận mưa, các loại rau trong vườn của gia đình anh Đào Văn Điển, 36 tuổi, sống ở Machida (Tokyo) lên vùn vụt. Tuần trước, gia đình anh cùng 5 hộ trong "hội nông dân", đi dã ngoại với các món rau thu hái ngoài vườn và thịt nướng. Tuần này, họ tụ tập ở một nhà, dự kiến với món lẩu.
"Hội nông dân" được anh Điển chính thức thành lập tháng 4 vừa qua, tập hợp bốn gia đình Việt (làm chung công ty hoặc sống gần nhau) và hai gia đình Nhật vốn yêu văn hoá Việt. Gần như tất cả họ đều có những mảnh vườn, trong đó không thể thiếu các rau ăn lá Việt như rau muống, mồng tơi, rau đay... cũng như rau gia vị húng, xả.
Yêu thích làm vườn từ nhỏ, anh Điển tìm thuê đất trồng trọt từ năm 2013 - hai năm sau khi sang Nhật làm việc. "Nhà có vườn bị đánh thuế cao nên chúng tôi thuê đất để trồng. Điểm khác biệt khi làm vườn ở Nhật là quần áo phải chỉnh tề, có găng tay, bảo hộ lao động. Trước khi được cho thuê đất phải tham dự một buổi đọc bản cam kết hàng chục trang", anh Điển, đang công tác trong một tập đoàn công nghệ Việt có chi nhánh tại Nhật nói. Vườn của anh là lô 40 trong hình.
Với diện tích 30 m2, tiền thuê hết 18.000 yên/năm (3,8 triệu đồng), nếu so với ở Nhật chỉ tương đương... 2 suất cơm trưa mỗi tháng. "Rau xanh bên này rất quý và đắt. Một túi rau muống 7 ngọn trên 20 nghìn đồng, một quả mướp trên 100 nghìn đồng. Nhờ làm vườn, nhà tôi tiết kiệm được ít nhất 30 triệu đồng tiền mua rau mỗi năm, sau khi trừ các chi phí", anh Điển tiết lộ.
Khó khăn chính đến từ thời tiết khắc nghiệt và đất đai hình thành từ than bụi núi lửa nên mất nước rất nhanh khi nắng. Vì thế khâu chọn giống, làm đất và gieo hạt đúng thời điểm phải được tính toán kỹ càng. Anh Điển tự đúc rút được những điều này chỉ sau một vài vụ gieo hạt.
Tuy nhiên, các thành viên trong hội của anh trước đây đều không có được kinh nghiệm như vậy. "Họ không biết dùng phân gì, mua ở đâu. Với đặc thù đất đai bên này, cần phải dùng nilon đen bọc đất chống cỏ, ngăn mất nước, song mọi người đã không làm điều đó cho đến khi được tôi hướng dẫn", anh Điển nói thêm. Trong hình anh Điển (phải) tặng phân bón và hướng dẫn cặp vợ chồng bên cạnh cách cải tạo đất.
Gia đình Phùng Văn Bẩy (kỹ sư tự động hoá, sống ở Tokyo), đã được anh Điển sang tận mảnh vườn trước nhà nhổ cỏ, cải tạo đất và gieo trồng. "Nhờ có anh ấy mà nhà tôi giờ chỉ việc hái rau ăn", anh Bẩy, một thành viên "hội nông dân" chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Ba (kỹ sư công nghệ thông tin) - mới sang Nhật được một năm - không thể quên lần đầu tiên được anh Điển mời sang ăn cơm. "Nhìn thấy nồi lẩu hải sản với đầy đủ rau nhúng của Việt Nam, tôi thực sự bất ngờ. Nhiều lần khác, nhà tôi được anh chị ấy tặng những củ khoai tây nặng đến nửa kg, những chùm cà chua đỏ mọng vô cùng thích mắt", anh Ba kể.
Mỗi ngày anh Điển mất 14 tiếng đi lại và làm việc nên thường chỉ được đến vườn - cách nhà 7 km - vào cuối tuần. Vợ anh tiện đường hơn, thường qua đây tưới nước và thu hái 2-3 lần/tuần.
Giữa lòng Tokyo đông đúc, những gia đình Việt này hàng tuần đều ngồi tụ tập với nhau ăn các món quê hương, lũ trẻ được nói tiếng Việt và chơi các trò chơi quê nhà... "Mọi nhà chỉ mong cuối tuần được nghỉ, còn chúng tôi mong được làm nông dân. Thêm bao nhiêu hoạt động ngoài trời cho cả cha mẹ và con cái, chứ trước đây không biết làm gì khác ngoài đi siêu thị", anh Phạm Thanh Hùng, kỹ sư công nghệ thông tin, thành viên "hội nông dân" nói thêm.
Phan Dương
Ảnh: Đào Văn Điển
About Unknown
0 nhận xét:
Đăng nhận xét