Sau gần một năm học trường công, chị Thảo thấy con hình thành cách ứng xử khác với thầy cô giáo, né tránh và sợ nhiều hơn.
Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Thảo, ở Hà Đông, Hà Nội, về sự tiếc nuối khi bất đắc dĩ phải chuyển con từ trường tư sang trường công:
Con gái tôi năm nay học lớp 3 tại một trường công trong khu đô thị ở Hà Đông, khu nhà tôi cư trú. Trước khi chuyển về đây, cháu từng có 2 năm học một trường tư khá có tên tuổi ở khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).
Tôi buộc phải chuyển con về trường công từ đầu năm học này vì bất tiện đường sá. Trước đó, khi con học lớp 1-2, tôi có thuê người giúp việc chăm bé út mới sinh, nên buổi sáng hai mẹ con đi sớm, vào lớp đúng giờ. Nhưng khi bé út đi học mầm non ngay dưới chân nhà, không còn người giúp việc nữa, thời gian trở nên eo hẹp.
Lớp mẫu giáo của con út 7h15 mới bắt đầu mở cửa, trong khi trường con gái lớn 7h45 đã vào lớp. Quãng đường di chuyển bằng ôtô 12 km, lại luôn vào giờ cao điểm, nên thường xuyên ùn tắc, con tôi luôn nằm trong danh sách đi học muộn, cứ khoảng 8 giờ mới có mặt. Nhiều hôm tắc quá, con phải chạy từ đầu đường vào tới trường.
Cân nhắc việc di chuyển không ổn, tôi quyết định xin cho con về trường công trong khuôn viên khu đô thị ở nhà để học, con có thể tự đạp xe đi về chỉ mất 5 phút. Chiều con đi học về, qua trường mẫu giáo đón em luôn nên tôi rất tiện.
Ảnh minh họa: SCMP. |
Trường mới xây dựng hai năm, khá rộng rãi, sạch đẹp, nên tôi rất yên tâm. Nhưng sau gần một năm con học ở đây, tôi nhận ra những nhược điểm rõ ràng, trong đó điển hình nhất là việc con hình thành cách ứng xử khác với thầy cô giáo.
Trước đây, khi học trường tư, con có lần ấm ức với bạn học bắt nạt, chạy thẳng vào phòng hiệu trưởng để mách. Con rất thoải mái trong quan hệ thầy trò, có thể tự do tâm sự, kiến nghị, hay nói bất cứ điều gì. Giờ chuyển đi gần một năm, con vẫn líu lo nói với về cô giáo cũ, thầy hiệu trưởng cũ với giọng vui vẻ, đầy yêu thương.
Nhưng khi về trường công, con "vỡ mộng". Con từng kể với tôi rằng "chết khiếp" khi nhìn thấy cô hiệu trưởng thẳng tay đánh vào người một bạn nam nghịch, đá bóng vào chậu hoa, hay xách tai những bạn hư. Tôi hỏi con có sợ không, con nói "không, con chỉ ngạc nhiên thôi". Và sau đó, con tự hình thành cơ chế "phản vệ", thấy cô ở đâu là né xa, dù bản thân chẳng mắc lỗi gì. Luôn có một giới hạn giữa cô, trò như thế.
Con cũng nói rằng có bạn lớp bên kể là khi mắng học sinh, cô giáo xưng "tôi" và gọi học sinh là "anh chị". Con vẫn quen với cách xưng hô "con - cô - thầy", nên rất bất ngờ khi nghe bạn nói. Vẫn biết khi tức giận, cô mới dùng những từ đó, nhưng tôi nghĩ dần dần nó tạo nên một khoảng cách rất lớn, hình thành tâm lý "sợ thầy cô" từ học trò.
Tư tưởng vào thẳng phòng hiệu trưởng nói chuyện ngày xưa không còn trong ý thức của con nữa. Bản thân tôi đến giờ vẫn ấn tượng mãi hình ảnh thầy hiệu trưởng trường dân lập cũ của con, sáng sáng ra cổng trường đón từng học sinh, chào hỏi các cháu rất lịch sự. Khi tôi chuyển đi, các cô còn đề nghị thôi cứ cho cháu đến muộn cũng được, trường "đặc cách" nhưng tôi không muốn vậy.
Ngoài điểm đó ra, khi học trường công, con ít được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hơn. Một năm, chỉ có khoảng 2 lần con được cùng các bạn đi tham quan, dã ngoại tới các khu ngoại thành, các sự kiện trong trường cũng hầu như chỉ tổ chức đúng vào các dịp như 8/3, 20/11... Trong khi đó ở trường cũ, một năm luôn có vô số các hoạt động như festival tiếng Anh, festival mùa xuân, hội chợ đầu năm, triển lãm tranh vẽ, tổ chức chuyến đi tìm hiểu vùng miền, làm trại theo chủ đề, tìm kiếm các tài năng nhí...
Trong các hoạt động ở trường tư, các con được góp mặt nhiều hơn, chứ không chỉ ngồi cả buổi xếp ghế bên dưới. Rõ ràng học ở trường tư, chi phí đắt hơn, nên có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động hơn, phong phú hơn. Nhưng theo tôi, các phụ huynh ở trường công cũng sẵn sàng cho con tham gia các hoạt động nếu thấy nó thực sự hiệu quả.
Sau gần một năm theo học trường công, may mắn là con tôi không có sang chấn tâm lý gì đặc biệt khi chuyển sang môi trường mới. Thời gian đầu cháu cũng nhớ trường cũ, nhớ bạn bè, nhưng sau một thời gian đã quen dần và hòa nhịp. Có điểm lợi là khi chuyển trường về gần nhà, con có nhiều thời gian vận động hơn, không phải mất thời gian ngồi ỳ trên xe của mẹ, vui đùa với các bạn trong khu đô thị luôn. Tôi cũng nhàn hơn vì con còn đón em về. Sau gần một năm, con tôi trông khỏe khoắn hơn.
Một điểm nữa là khi con rời trường tư, khoản học phí giảm đi đáng kể, tôi có thêm một khoản tiết kiệm. Trước mỗi tháng tôi mất khoảng 7 triệu tiền học cho con, bao gồm tiền ăn, học, thêm môn phụ là tiếng Anh và học đàn. Khi về trường công, chi phí chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng.
Số tiền giảm đi nhiều, nhưng tôi thấy con cũng mất đi nhiều thứ. Sau khi con lên cấp 2, tôi chắc chắn tiếp tục cho con vào một trường tư. Tôi muốn con được phát triển nhiều hơn các kỹ năng mềm, tự tin, tự chủ, dám nói ra những điều mình nghĩ.
Thu Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét