Người đàn ông Việt - Mỹ 12 năm tìm cha giúp các bạn con lai

Tìm được cha đẻ Mỹ sau 25 năm xa cách, anh Tùng như được lấp đầy hạnh phúc. 12 năm qua anh giúp người khác có kết hậu như mình.

Một buổi tối cuối tuần ở thủ đô Washington, thay vì ở bên gia đình, Phan Nhật Tùng, tên Mỹ là Jimmy A. Miller, sinh năm 1967, tận tình hướng dẫn cho một người con lai Việt Mỹ tập lái xe. Sau khi hỗ trợ người này tìm được cha đẻ, anh lại giúp người bạn lai hòa nhập với cuộc sống ở đất nước cha mình sinh ra.

"Mỗi lần chứng kiến một cuộc hội ngộ xúc động của người con lai Việt với ba, tôi như được sống lại ngày gia đình mình đoàn tụ sau 25 năm xa cách", Nhật Tùng, hiện làm kiểm tra chất lượng thiết bị máy bay tại Washington, Mỹ nói. 

Nhật Tùng là quả ngọt trong mối tình đầu của cô gái Sài Gòn Phan Kim Chi và người lính Mỹ tên James A. Miller. Họ tổ chức đám cưới ngày 21/5/1966. Khi con trai được hơn một tuổi, James bị thương và được đưa về nước. Thấy chồng bặt tin, bà Chi đinh ninh, người ấy đã bỏ rơi hai mẹ con. Hai năm sau, bà bước thêm bước nữa và chuyển đến một nơi khác của Sài Gòn.

Anh Tùng và mẹ tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Anh Tùng và mẹ tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Vì đã có gia đình, bà Chi chọn cách chôn vùi quá khứ. Những căng thẳng chiến tranh thời điểm đó cũng buộc bà phải che giấu chuyện mình từng có chồng là lính Mỹ. Khoảng năm 1970, nhận được những lá thư, biết là của cha Tùng, bà không một lần hồi đáp.

Vì là con lai nên khi đi học, anh Tùng thường bị bạn bè trêu chọc. Năm lớp 3, anh phải nghỉ học, chuyển về nhà ngoại ở Vũng Tàu sống. "Mày không phải người Việt Nam, mày là con của lính Mỹ. Về nước với ba mày đi", đó là câu nói ám ảnh tuổi thơ của Tùng và cũng là động lực để anh nuôi giấc mơ tìm cha.

"Nghỉ học nhưng trưa nào tôi cũng đọc sách cho ngoại nghe. Nhờ vậy, tôi rành tiếng Việt lắm. Một người từng là giáo viên tiếng Anh cũng tình nguyện dạy ngoại ngữ cho tôi tuần vài lần.", anh kể.

Mẹ chôn giấu những kỷ vật của ba, nhưng bà ngoại Tùng lại âm thầm cất giữ thư và hình ảnh của James giúp cháu ngoại. "Năm 1990, khi gia đình tôi rời Mỹ theo diện con lai, bà đã đưa lại cho tôi. Ngoại nói muốn tôi tìm thấy ba ruột của mình, vì ngoại cũng rất thương ba", anh kể lại.

Sang Mỹ năm 22 tuổi, Tùng lúc này đã đổi tên thành Jimmy, viết một lá thư gửi đến Hội chữ thập đỏ Mỹ nhờ tìm cha. Tuy nhiên, vì chỉ có tên, tuổi nên việc tìm kiếm dần trở nên vô vọng. Anh nghĩ sẽ không thể tìm được cha và nếu có, có lẽ ông cũng đã không còn.

Tuy nhiên, Nguyễn Anh Trinh, em gái cùng mẹ khác cha của anh lại không nghĩ như vậy. Trước ngày cưới của anh trai, Trinh hứa sẽ dành tặng Jimmy một món quà cưới "không bao giờ quên được".

Nhờ tìm được một con tem còn rõ dấu cưu cục trong những lá thư không có tên và địa chỉ người gửi của ông James A. Miller, Trinh đã gọi điện đến bưu điện truy tìm nguồn gốc bức thư. Biết nó được gửi đi từ thành phố Fayetteville thuộc tiểu bang Bắc Carolina, cô liên hệ đến và tìm được số điện thoại của cha Jimmy. Trinh nói cho ông biết ông còn một con trai.

Ngày hôm sau, Trinh dặn anh "hôm nay anh Jimmy sẽ nhận được một cuộc điện thoại từ người bạn lâu năm. Nhớ nghe điện thoại nhé".

Bà Phan Kim Chi và con trai Phan Nhật Tùng 3 tuổi. Ảnh: NVCC.

Bà Phan Kim Chi và con trai Phan Nhật Tùng 3 tuổi. Ảnh: NVCC.

Ông James A. Miller gọi điện đến. Chàng trai trẻ hỏi tuổi của người ở đầu dây bên kia. Biết ông bằng tuổi cha đẻ, Jimmy lặng đi trong giây lát. Anh đề nghị xem hình của James. Dù đã 25 năm, nhưng thời gian chỉ hằn thêm nếp nhăn và đổi màu mái tóc. Những đường nét trên khuôn mặt ông vẫn chẳng khác bao so với tấm hình bà ngoại trao lại.

Một thời gian ngắn sau, James A. Miller cùng với vợ lại lái xe hơn 4 nghìn cây số đến Washington gặp con trai và vợ cũ. Jimmy đón cha tại một trạm xăng gần nhà. 

Lần đầu gặp, hai người đàn ông cao lớn ôm nhau, lặng lẽ khóc. "Bao nhiêu cay đắng của tuổi thơ không cha và những khổ sở vì phận con lai những ngày ở Việt Nam dường như tan đi trong khoảnh khắc ấy", anh nói.

Ông James kể rằng đã tình nguyện trở lại chiến trường Việt Nam năm 1972 chỉ vì muốn tìm lại gia đình. Tuy nhiên, khi trở lại, mọi người đều nói gia đình ông đã chết hết. Không có điện thoại hay mạng xã hội như bây giờ, họ biệt tin nhau suốt 25 năm.

Bà Phan Kim Chi và ông James A. Miller trong lễ cưới ngày 21/5/1966. Ảnh: NVCC.

Bà Phan Kim Chi và ông James A. Miller trong lễ cưới ngày 21/5/1966. Ảnh: NVCC.

Ngày gặp lại, James đề nghị nối lại tình xưa với bà Kim Chi nhưng bà từ chối. Vì lúc đó, bên ông đã có một người phụ nữ mới. "Chiến tranh đã qua đi nhưng vết sẹo nó gây ra mãi vẫn còn", Jimmy nói. Hai năm sau ngày hội ngộ, ông James qua đời.

Tuy năm tháng sống bên cha ngắn ngủi, nhưng anh vẫn nghĩ mình hạnh phúc hơn rất nhiều những người con lai khác ở Việt Nam vì đã tìm được nguồn cội. "Ngày con trai tôi tròn một tuổi, sinh nhật bé có đủ ba mẹ, ông bà nội và ông bà ngoại. Đó là khoảnh khắc lấp đầy niềm hạnh phúc. Tôi đã tìm được một nửa mảnh ghép của đời mình", anh tâm sự.

Không phải người con lai nào cũng may mắn tìm được mảnh ghép giống Jimmy. Năm 2007, tình cờ xem một bộ phim tư liệu, Jimmy mới biết, ở Việt Nam, có rất nhiều người giống mình. Nhiều người chôn vùi ước muốn tìm nguồn cội vì gia cảnh khó khăn.

"Tôi nghĩ mình cần kết nối với những người này và giúp đỡ họ. Tôi đã liên hệ với những người bạn lai của mình ở khắp Việt Nam, tìm cách tập hợp nhau lại", Jimmy nói.

Năm 2009, anh thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, đặt tên là Tình lai không biên giới. Từ khi thành lập, tổ chức này đã thử nghiệm miễn phí ADN cho hơn 400 con lai Việt Mỹ đang sống tại Việt Nam và giúp hàng chục lính Mỹ đoàn tụ với con mình trên mảnh đất từng tham chiến.

Mẹ Jimmy kể, nhiều đêm liền, anh ngồi lỳ trên máy tính để tra cứu dữ liệu ADN giúp một người bạn lai đang ở Việt Nam hoặc hướng dẫn một người khác ở Mỹ cách tìm kiếm cha đẻ.

Theo Jimmy, hầu hết những người ba Mỹ khi gặp lại con đều sẵn sàng đón nhận. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp khi được thông báo, người cựu lính Mỹ nói với anh: "Hãy bảo nó ở yên Việt Nam đi". Họ từ chối kết nối vì không muốn cuộc sống của mình bị đảo lộn, hay không muốn nhớ lại tội lỗi trong quá khứ.

"Tôi đã giải thích cho họ hiểu, chiến tranh đã lùi xa và người Việt không còn xem những người lính Mỹ như kẻ thù. Hơn nữa, những đứa con lai đều tha thiết được biết nguồn cội của mình, không vì nhu cầu lợi ích nào khác. Nhờ vậy, họ đều đã giang tay đón lấy giọt máu của mình", người đàn ông 52 tuổi kể.

Nhật Minh

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét