Về nước ít ngày, Mùi quay lại Trung Quốc vì nhớ con. Nhưng vừa tới cửa, bóng đèn rơi vỡ toang khiến chị nghĩ là điềm dữ, đành ở lại.
Tết đến nhưng trong ngôi nhà nhỏ của chị Uông Thị Mùi (thôn 3, Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn không sắm sửa gì. Thằng Chung, lớp 8, con trai chị đang lúi cúi với cái điện thoại. Chị Mùi nằm buồn trên giường nghỉ trưa. Bạn rủ mua hoa, chị cười bảo đang túng. Nhà không có nhiều tiền nhưng chị bỏ hẳn một triệu đồng đăng ký internet để nói chuyện qua mạng xã hội với con gái lớn đang ở Trung Quốc cùng bố. 10 năm kể từ khi ở bên ấy trở về cũng là ngần đó năm mẹ con chị không gặp nhau.
Chị Mùi đi bán hàng rong ở Đồng Nai, mỗi năm về nhà 2 lần vào tháng 7 và cuối năm. Giờ chị đã xây được một ngôi nhà mới. Ảnh: Nhật Anh. |
Người phụ nữ 38 tuổi kể, năm vừa tròn 17 tuổi chị cùng với 3 người bạn khác trong làng ra Hà Nội cấy thuê. Vừa xuống xe, họ bị một người phụ nữ giữ lại, bảo đừng đi cấy lúa và hứa sẽ tìm cho 4 cô gái trẻ công việc nhẹ nhàng với mức thu nhập cao. Chị chỉ nhớ mình được đưa lên một chiếc xe, khi tỉnh lại, một phụ nữ tuyên bố bằng tiếng Việt rằng Mùi đã bị bán cho bà ta nên phải nghe lời. Sau đó, cô gái trẻ bị đưa đến đảo Hải Nam, Trung Quốc sống như vợ chồng với một người đàn ông hơn mình 10 tuổi.
Gia đình người đàn ông ấy có 3 trai, một gái. Hàng ngày, Mùi theo họ đi làm ruộng, trồng hoa màu để sinh sống. "Khi mới đến, tôi khóc nhiều lắm, chẳng biết mình đang ở đâu, không ai hiểu mình nói gì và mình cũng không hiểu người ta", chị Mùi nhớ lại.
Đến đấy khoảng vài tháng thì chị có thể giao tiếp cơ bản, bốn năm sau, sinh một đứa con gái, sáu năm tiếp theo thì đẻ thằng Chung. Nỗi nhớ gia đình phần nào nguôi ngoai sau 13 năm sống ở xứ người, chị không còn ý nghĩ sẽ được trở lại Việt Nam.
Giữa năm 2008, Mùi gặp một đồng hương khi mang trứng ra chợ bán. Người đó nói có thể giúp chị tìm đường về nước. Đến đêm, người mẹ hai con kể cho chồng nghe và xin về thăm gia đình một thời gian. Người đàn ông đồng ý. "Cũng may mắn là chồng tôi rất thương vợ và tâm lý, chẳng bao giờ đánh đập. Anh đi đâu có gì ngon đều mua mang về cho tôi, ốm đau anh ấy cũng chăm sóc tử tế. Khi tôi nói muốn về Việt Nam thăm nhà rồi quay lại, anh ấy còn cho tiền", chị Mùi kể.
Ngày chị Mùi về nước, mang theo con trai nhỏ, đứa con gái 9 tuổi níu chân đòi đi theo. Chị mang kẹo ra dỗ nó vẫn khóc ngằn ngặt. Người mẹ hứa chỉ đi mấy hôm sẽ quay lại.
"Nó về cũng vào độ cuối năm. Thế mà được ít hôm, nó nói nhớ con, cứ đòi đi. Vợ chồng tôi nhất định không đồng ý", ông Uông Ngọc Lam, bố Mùi, kể.
Xa quê nhiều năm nên mọi thứ với Mùi đều lạ lẫm và xa cách. Những bạn bè đồng trang lứa đã có gia đình. Nhớ chồng, thương con gái, chị vẫn quyết định sang Trung Quốc. Cuối năm 2008, một tay bế con, một tay xách túi, Mùi bước ra đến cửa thì cái bóng điện đột nhiên rơi xuống trước mặt vỡ toang. "Tôi không dám đi nữa vì sợ đó là điềm báo, nếu mình cứ liều hẳn có xui xẻo", chị nhớ lại.
Không biết chữ, không có tay nghề, ruộng vườn lại ít nên để có tiền nuôi con ăn học, chị Mùi phải theo người làng vào Đồng Nai bán hàng rong. Thời gian đầu, đêm nào nằm ngủ chị cũng khóc vì nhớ con gái. "Cứ tỉnh giấc, tôi lại thấy chị nằm thút thít, hỏi thì chỉ nói nhớ chồng và thương con gái đến tuổi ăn, tuổi lớn mà không có mẹ ở bên. 3 giờ sáng đã phải dậy đi bán hàng mà hình như cả đêm chị không ngủ", chị Lê Thị Trang (30 tuổi), người bạn hàng rong sống chung nhà trọ với Mùi nói.
Đợt chị Mùi về nước, có mang theo số điện thoại cố định của nhà chồng, nên thỉnh thoảng vẫn gọi để nghe giọng con. Khoảng hơn một năm sau số điện thoại đó không còn liên lạc được nữa. Tưởng như không còn cách nào kết nối với chồng con thì giữa năm 2016, có một phụ nữ ở Trung Quốc về nước, đến nhà Mùi đưa một số điện thoại của con gái.
Hôm ấy, đang ở Đồng Nai nghe người nhà gọi điện thông báo, chị chẳng bán được gì mà vẫn vui. Mùi cứ luống cuống tay chân, hết đi ra lại đi vào mà không biết mình muốn làm gì. Chị lục lọi trí nhớ, tìm lại ngôn ngữ vì đã hơn chục năm rồi không dùng đến. Con gái cho tài khoản mạng xã hội wechat, chị nhờ những người trọ cùng tìm kiếm giúp để được nhìn mặt và nói chuyện với chồng con.
Lần đầu thấy khuôn mặt con gái hiện lên qua màn hình điện thoại sau 10 năm không gặp, chị Mùi chỉ nhìn vì đã quên gần hết tiếng. Về sau, hai mẹ con nói chuyện thường xuyên nên chị nhớ nhiều hơn. "Có những từ đến bây giờ tôi cũng không phát âm được, nó bảo tôi có nhiều chuyện con muốn tâm sự nhưng mẹ không hiểu được hết ý con", giọng người mẹ xa con đượm buồn.
Khoảng 2 năm nay, mẹ con chị Mùi được kết nối lại với chồng và con gái ở Trung Quốc qua mạng xã hội. Ảnh: Nhật Anh. |
Chị bảo, con gái giờ đây đã là sinh viên năm thứ 2 đại học, chuyên ngành sư phạm. Cô gái trẻ nhiều lần cũng hỏi khi nào mẹ sẽ dẫn em sang thăm. Còn chồng Mùi, khi nói chuyện qua mạng xã hội vẫn trách vợ không giữ lời hứa. "Cứ nghĩ anh ấy sẽ oán giận lắm, thế mà mới hôm nọ còn bảo tôi dẫn thằng Chung sang đấy. Tôi đùa bảo không có tiền, anh ấy nói cứ sang sẽ lo cho hai mẹ con", giọng chị trìu mến.
Sau nhiều năm bán hàng rong, mẹ con chị Mùi cất được căn nhà 2 gian nho nhỏ trên miếng đất của bố mẹ đẻ. Mùi nhẩm tính, trả hết được nợ làm nhà sẽ tích cóp chút ít, đợi khi con gái chồng thì sang bên ấy thăm.
Thằng Chung giờ thi thoảng mày mò nhắn tin trên mạng xã hội cho chị gái bằng tiếng Anh. "Mẹ ơi, chị bảo hè sang năm sẽ về thăm hai mẹ con mình", nó nhảy lên sung sướng nói. Chị Mùi đang thẫn thờ ngồi bệt dưới nền nhà, nghe câu đó, chị cười, tất tả ra chợ mua một chậu hoa xuân.
"Chị Mùi bị bán sang Trung Quốc và đã về địa phương sinh sống khoảng chục năm nay. Hiện tại, mẹ con cô ấy chung khẩu với nhà bố mẹ đẻ, nhưng đã xây được nhà riêng", ông Tô Văn Luật, trưởng thôn 3, xã Quảng Thái, cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm 5 gần đây, hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Trong đó trên 2.500 nạn nhân đã trở về. Giai đoạn 2012 -2015 có 75% nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị đưa sang Trung Quốc.
Nhật Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét