Những lời chỉ trích và giáo huấn đã biến những cuộc họp mặt gia đình ngày Tết trở thành một thử thách với nhiều thanh niên Trung Quốc
Trước Tết Nguyên đán năm nay, Shen Yi, một cô gái 32 tuổi đang sống tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, đã lên kế hoạch tránh gặp họ hàng. "Tôi sẽ không đến thăm họ, chắc chắn năm nay tôi sẽ không tới thăm họ", cô khẳng định. Nhiều năm nay, cô đã cảm thấy mệt mỏi với những lời giáo huấn của người thân, đặc biệt trong những cuộc họp gia đình. Có năm, một người anh họ lớn tuổi đã nói rằng cô quá khó tính, và liên tục thắc mắc tại sao cô vẫn độc thân trong khi một người khác khuyên cô nên trang điểm nhiều hơn.
Theo SCMP, Shen không phải là người duy nhất được họ hàng đối xử theo cách này. Ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc phàn nàn về cách can thiệp đời tư từ những người họ hàng, đặc biệt trong dịp năm mới, khi họ buộc phải đến thăm những người mà lần gần nhất họ gặp chính là dịp Tết năm trước.
Papi Jiang đã chia sẻ một video nói về các điều cấm kỵ và phép lịch sự ngày Tết khiến giới trẻ Trung Quốc thích thú. Ảnh: NYT. |
Tuần trước, diễn viên hài trực tuyến Papi Jiang đã làm dấy lên cuộc thảo luận với một video dài ba phút nói về phép lịch sự khi đến thăm họ hàng trong năm mới. Cô liệt kê những điều cấm kỵ và lấy ví dụ về những hành vi có vấn đề. Cô gái 23 tuổi khuyên đừng hỏi một người về điểm thi, lương tháng, khi nào cưới hay sinh con và đừng bao giờ ép họ đi hẹn hò với người mà họ không hề quen biết.
"Bạn cũng đừng khoe khoang cuộc sống của bạn tuyệt vời như thế nào, đừng khoe con, đừng ép người khác uống, đừng ép con cái họ thể hiện hoặc ép người khác xem con bạn thể hiện", Jiang nói. "Hãy là người văn minh, hành động văn minh, là người thân lịch sự, để có một ngày lễ vui vẻ".
Thông điệp của cô gây được tiếng vang với nhiều người, họ thừa nhận cô đã nêu chính xác tất cả các hành vi gây phiền nhiễu mà họ muốn tránh.
"Thay vì chuyển tiếp video này cho gia đình, tôi sẽ chiếu nó trên màn hình TV và phát liên tục mọi lúc, trừ giờ đi ngủ", một khán giả của Jiang bình luận. Nhiều khán giả của Jiang cũng kể lại những trải nghiệm đau khổ của chính họ. Một người nói rằng có người họ hàng đã bắt cô dạy tiếng Anh cho con họ. Một người khác cho biết một người họ hàng đã cố gắng mai mối mà không nói với cô. Cô bước vào nhà họ và thấy một anh chàng đang ngồi trên ghế sofa đợi mình.
Trong những năm gần đây, đề tài nói về những hành vi gây phiền từ những người họ hàng luôn trở thành tâm điểm của những cuộc thảo luận công khai ở Trung Quốc. Hành vi thiếu tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của người thân được một số người liên tưởng tới Cách mạng Văn hóa (1966-76), khi thư từ và các mối quan hệ cá nhân đều được yêu cầu phải công khai.
Một bài báo đăng trên Tạp chí Luật của Đại học Victoria năm 2005 cho rằng khái niệm về quyền riêng tư đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc từ những năm 1980, sau khi quốc gia này bắt đầu cải cách và mở cửa. "Nền kinh tế đang phát triển mang lại cho con người sự giàu có. Toàn cầu hóa mang đến cho mọi người những kiến thức mới nhất. Từ đó, mọi người bắt đầu ý thức về quyền lợi của mình và khuyến khích sự tôn trọng đối với những người khác về quyền và lợi ích của họ", Cao Jingchun, tác giả bài viết nhận xét.
Những người trẻ tuổi đã sẵn sàng "chiến đấu" để bảo vệ quyền riêng tư. Họ không chỉ chia sẻ các bài hát, video trên mạng mà đã có những hành động táo bạo. Trang thương mại điện tử Taobao bày bán nhiều món hàng giúp ngăn chặn những câu hỏi quá soi mói đời tư từ người thân. Những chiếc áo đỏ với những dòng chữ "Đừng hỏi điểm số của tôi", "Tôi không đi gặp mặt ai", "Tôi gặp khó khăn trong việc giao tiếp", "Tôi đã cố gắng giảm cân", "Bất cứ điều gì bạn nói"... được nhiều bạn trẻ yêu thích. Một người mua hàng cho biết: "Tôi hy vọng mặc áo này tôi sẽ thắng được những người thân của mình".
Hoàng Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét