Dẫn những người bạn Việt đi chợ tặng đồ, anh Armin ấn tượng với Thương vì cô chỉ chọn một đôi giày tập đi rẻ tiền cho con gái.
Nhiệt độ Schorndorf, Bayern, nước Đức hiện âm 4 độ. Hoài Thương ôm con trai 10 tháng tuổi trong ngôi nhà ấm áp. Dịp này, cô hay nhận được điện thoại của chồng, bố mẹ, có lúc là cô dì, chú bác nhà chồng hỏi han, khiến trái tim cô xúc động. Nhiều lần, cô đặt tay trước ngực thầm cảm ơn Chúa, đã mang cô gặp được chồng mình, anh Armin Daschner, 35 tuổi, một kỹ sư lắp ráp thiết bị đo lường.
Thời điểm này 4 năm trước, Hoài Thương bế con gái rời khỏi cuộc hôn nhân nhiều đau khổ. Từ TP HCM, cô về Huế, giúp việc cho người em họ vừa mở homestay các công việc dọn phòng, giặt giũ, chở khách đi tham quan... Có chỗ tá túc đã quá tốt, Thương không quản việc gì.
Anh Armin Daschner vốn là bạn với em họ Thương. Nghe tin bạn mở homestay, anh tới đây đặt phòng 9 ngày ủng hộ. Thương tranh thủ chở Armin đi thăm các di tích, mỗi lần được 200 nghìn đồng lấy tiền mua sữa cho con. Đến ngày thứ ba trời mưa nên Armin không thể ra ngoài được, song anh vẫn trả đủ tiền.
Vợ chồng Thương và Armin trong ngôi nhà ấm cúng ở Schorndorf, huyện Charm, nước Đức. Ảnh chụp hôm 19/1. |
Những ngày sau Huế mưa tầm tã, chàng khách đành ở lại nhà nghỉ. Mỗi ngày xuống ăn sáng, Armin thấy Thương vừa dọn phòng, vừa phải check in cho khách, con gái chưa đầy tuổi ngồi chơi một mình. Rảnh rỗi, anh chơi cùng bé, nhiều hôm bị nhờ trông hộ đến vài tiếng.
"Ẻm họ mình không có tiền mua máy giặt nên mình phải giặt tay rất nhiều đồ, tay khô nứt nẻ. Armin thấy thế liền bỏ tiền ra mua một chiếc máy giặt và bảo mình dành thời gian đó chăm con", Thương, 29 tuổi, kể.
Về phần Armin, những ngày rảnh đó anh có thời gian để ý hai mẹ con Thương. Anh thấy cô bận bịu nhưng luôn hỏi han khách cần gì sẽ giúp. "Nhìn cảnh cô ấy vừa chăm con, vừa làm 'núi' việc, tôi thấy thương và muốn được che chở", anh chia sẻ.
Một ngày, anh cùng vài người bạn nữa ra chợ Đông Ba chơi, trong đó có Thương. Anh hứa tặng mỗi người một món quà. Mọi người đều chọn túi, quần áo, riêng Thương chọn một đôi giày tập đi cho con gái. "Tôi ấn tượng vì chắc cô ấy sợ tôi hết tiền nên chọn món đồ có giá trị rất nhỏ", Armin kể thêm.
Ngày về nước, khi đã vào đến cửa phòng chờ sân bay, người đàn ông Đức vội chạy trở lại dúi vào tay Thương 500.000 đồng, bảo cho em bé. Đêm đó, Armin ra đến Hà Nội, Thương nhắn tin hỏi mới biết anh đã nhịn từ trưa, bởi tờ tiền Việt duy nhất đã cho hai mẹ con cô, còn tiền đôla nhưng chưa kịp đổi.
Ngay khi về Đức, Armin nhắn tin cho Thương nói: "Anh muốn tạo điều kiện cho bé đi mẫu giáo. Anh cũng muốn nhận bé làm con nuôi". Nghe vậy, Thương đùa "Vậy nuôi mẹ luôn nhé". Chỉ chờ cơ hội ấy, Armin đồng ý luôn. Anh đi mua nhẫn, gửi về tặng cô đúng dịp Valentine như một lời đính ước.
Khoảnh khắc trao nhẫn cho Thương trong lễ cưới tháng 10/2015, Armin cảm thấy tình yêu dành cho cô đã lớn hơn tình thương trước đó. Ảnh: NVCC. |
Quãng thời gian sau đó, ngày nào Armin cũng lo lắng cho cuộc sống của hai mẹ con và muốn nhanh nhất chấm dứt những ngày vất vả của Thương. Anh xúc tiến làm các thủ tục, đến tháng 10/2015 thì hai người tổ chức đám cưới và đến giữa năm 2016 thì cả gia đình đoàn tụ tại Đức.
Sau cuộc hôn nhân lúc tuổi còn trẻ khiến cô chịu nhiều nỗi đau, Thương không thể ngờ lại xuất hiện một người yêu thương mẹ con cô đến vậy. "Có lần anh về thăm, hai mẹ con ra sân bay đón. Con bé la lên 'Ba kìa', rồi chui qua dây an ninh chạy đến. Hai ba con ôm nhau, mắt đỏ hoe. Lần ấy, cả nhà đến khu vui chơi. Con bé muốn một con gấu to, nhưng cần 800 vé đổi thưởng. Anh chiều con, chơi hết các trò, mất cả buổi tối mới đổi được món đồ con bé thích", cô kể.
Khi sang Đức, Thương không gặp khó khăn hoà nhập, một phần vì có gia đình chồng rất tốt. Ba mẹ dù cách 300 km, song tuần nào cũng xuống thăm con cháu. Những lúc ấy, bố chồng sẽ trông cháu, còn mẹ chồng thường dẫn nàng dâu Việt đi siêu thị và dạy cô nấu thêm nhiều món ăn của người bản xứ.
Một trong những điểm Thương quý trọng nhất ở chồng là anh không hứa hẹn, mà luôn làm tốt nhất trong khả năng cho mẹ con cô. Ảnh: NVCC. |
"Bà chuẩn bị cho mình đến cả đôi dép đi trong nhà vừa size, mũ nón mỗi lúc ra ngoài. Xúc động nhất lần mình sinh con xong, bà đón về chăm. Trong phòng bà chuẩn bị đầy đủ đồ và có cả một ngăn chất kín băng vệ sinh cho mình", Thương hạnh phúc kể thêm.
Mẹ chồng cô còn học nói tiếng Việt để nói chuyện với nhà thông gia. Bà hay bảo con dâu gọi về cho mẹ đẻ, qua đó hỏi thăm "Chào bà, bà khỏe không?", bằng giọng lơ lớ dễ thương.
Gần hai năm sống ở xứ người, giờ khó khăn lớn nhất với Thương chỉ còn là vấn đề ngôn ngữ. Nhiều lần, cô bị con gái 6 tuổi trêu chọc "Mẹ phải cố gắng hiểu, con không thể giải thích cho mẹ mãi được", trong khi ngày mới sang chính cô là người nói điều ấy với con gái...
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét