Đến giờ, khi con trai đã hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa vui vẻ, anh Thành Long, 32 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn toát mồ hôi khi nhớ tới giây phút "hồn bay phách lạc" hôm 15/9.
"Bố chưa bao giờ trải qua cảm giác tồi tệ đến thế. Trưa nay, con khóc hờn gọi nhớ mẹ mấy phút rồi nằm vật ra co giật, sùi bọt mép, mặt đổi dần sang tím ngắt... Tất cả diễn ra trong 1-2 phút mà con làm cả nhà như chết lặng, không biết phải làm gì", anh Long viết trên trang cá nhân.
Anh Thành Long vẫn không hết ám ảnh về giây phút con nằm viện cấp cứu vì co giật, tím tái sau vài phút khóc hờn. |
Anh kể, ngay sau đó, bố và ông bà chỉ kịp bế con chạy nhanh ra đường, đập cửa bất cứ xe nào nhờ đưa con đi cấp cứu. "Cả đoạn đường đến bệnh viện, con ngất lịm trên tay bố, hàm răng cắn chặt ngón tay bố rồi thở yếu dần. Đến khi con vào viện rồi, mẹ từ chỗ làm về bế và gọi, con vẫn không tỉnh. May mắn là vào đến khoa cấp cứu một lúc thì con tỉnh và khóc", anh nhớ lại.
Anh Long cho biết, cả ngày hôm đó, bé được theo dõi, truyền dịch và đến tối thì tỉnh táo, vui vẻ rồi được cho về nhà. Tuy vậy, anh chỉ thở phào khi hôm qua nhận kết quả điện não, xét nghiệm cho thấy bé hoàn toàn bình thường.
Sau sự việc này, ông bố trẻ cho rằng, bố mẹ nên biết nương theo tính cách của con mà khéo léo trong việc giáo dục. Nếu muốn uốn nắn con bằng cách "để con tự nín" thì cũng cần chú ý quan sát các biểu hiện của con để can thiệp đúng lúc.
Là ông bố luôn dành cho hai con sự ân cần, trìu mến, anh Long nói rằng cách "để con tự khóc" anh áp dụng lần đầu và sẽ là lần cuối sau sự việc bé phải đi cấp cứu. |
Bài chia sẻ của anh Long thu hút gần 10.000 lượt bình luận, trong đó đa số là các bố mẹ có con nhỏ. Anh cũng nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh từng có con rơi vào tình huống tương tự.
Sau sự việc, anh Long cũng chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân và đúc rút từ dặn dò của bác sĩ:
- Đừng bao giờ để con khóc hờn, xúc động mạnh trong thời gian lâu. Dù có ý định giáo dục con thế nào xin hãy biết an ủi con đúng lúc.
- Nếu con co giật sau khi khóc, hãy bình tĩnh để con nằm nghiêng về bên trái, không giữ chặt tay, chân, tránh sai gãy, đồng thời nếu bé có trớ ra đờm hay vật lạ thì không bị sặc và dễ thở.
- Nên quay lại video lúc con co giật và đưa con đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Video này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tình con sớm hơn.
Theo thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý, giáo dục (Hà Nội), việc để trẻ khóc vài phút nếu bé mè nheo, có những đòi hỏi vô lý là hoàn toàn bình thường và là cách nhiều phụ huynh áp dụng khi không muốn con lặp lại hành vi chưa tốt. Việc em bé 2,5 tuổi bị co giật, ngất xỉu khi khóc hờn vài phút có thể là không may hoặc do con có vấn đề gì đó về sức khỏe hoặc tâm lý.
Theo chuyên gia, với một số trẻ nhút nhát, dễ sợ hãi, lo âu, thì bố mẹ nên chú ý hơn khi áp dụng các cách kỷ luật. Tránh để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, dễ khiến con kích động mạnh.
Khi để con khóc tự nín, bố mẹ cần để ý tới sức khỏe thể chất, tâm lý của con. Lúc trẻ đang ốm, mệt thì có thể chiều bé hơn một chút, không nên quá cứng nhắc. Khi trẻ khóc, nên tìm hiểu nguyên nhân, quan tâm đến nhu cầu của trẻ, giải thích lý do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu đó. Quan trọng là bố mẹ cần để ý đến đặc điểm riêng của con, nếu thấy cách mình áp dụng không hiệu quả hoặc gặp sự phản ứng thái quá thì cần điều chỉnh.
Một bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, trẻ co giật, tím tái sau khi khóc có thể liên quan tới bệnh lý nào đó về thần kinh, cần được kiểm tra và theo dõi về lâu dài. Tốt nhất nên cho trẻ đi khám chuyên khoa sâu để loại trừ bệnh lý và cố gắng tránh để trẻ khóc kéo dài, xúc động mạnh.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét