Ngày 13/6 vừa qua, bà Lụa (81 tuổi) thành phố Cao lãnh, Đồng Tháp vừa được TAND tỉnh tuyên thắng kiện, đòi được đất từ tay con trai là ông Minh, 53 tuổi.
Vợ chồng bà Lụa lập được nhiều nhà đất. Ông mất, bà cho 3 người con sau mỗi người một phần để xây nhà ở. Riêng ông Minh, con cả, vì vất vả từ nhỏ nên bà làm hợp đồng tặng cho lô đất rộng gần 8.000 m2 để canh tác, đồng thời phải có trách nhiệm nuôi mẹ, thờ cúng tổ tiên. Bà ở lại trong căn nhà của mình.
Sau vài năm phụ cấp, ông Minh cắt khoản này với lý do nuôi con khó khăn. Không có tiền sống, bà Lụa thu hoạch nông sản trên đất đã cho con trai để đi bán, nhưng ông Minh từ chối và báo cho chính quyền đến lập biên bản. Bức xúc, bà Lụa yêu cầu con trả lại đất mà không thành. Bà kiện ra tòa đòi lại và đã thắng.
Hiện nay rất nhiều cụ ông, cụ bà đến tòa để giải quyết câu chuyện liên quan đến tài sản của gia đình mình: P.T. |
Bà Lụa giờ rất đau khổ và hối hận về quyết định chia thừa kế của mình. Bà dự tính sẽ cho thuê mảnh đất nọ để trang trải cuộc sống. Để tránh việc tranh giành giữa các con, bà đã nhờ người lập di chúc chia đều số đất khi mình qua đời.
Tình cảnh tương tự xảy ra với bà Luyến (huyện Bình Đại, Bến Tre). Năm 2001, bà Luyến (83 tuổi) sang tên cho con gái là chị Luyến 2.000m2 đất, đổi lại chị có nghĩa vụ nuôi mẹ đến cuối đời. Khi đó chị Luyến chưa có gia đình riêng. Tuy nhiên, sau khi con gái có gia đình riêng, bà Luyến cho rằng chị bỏ bê mình nên giận, yêu cầu chị trả lại đất và cũng được tòa án tỉnh chấp thuận.
Từng tư vấn cho nhiều người mẹ gọi đến tư vấn nên làm thế nào khi cho con hết tài sản mà vẫn không yên, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM cho biết, đây là chuyện vô cùng đau lòng, nhưng khá phổ biến trong thực tế. Nguyên nhân chỉ vì con nhận tài sản đã lơ là hoặc không thực hiện việc nuôi cha mẹ, hoặc chia tài sản không đều dẫn đến anh em tị nạnh nhau.
Thạc sĩ Hoa còn nhớ một người mẹ hơn 80 tuổi (ở quận 1, TP HCM) đến văn phòng mình, nhờ tư vấn việc 4 người con của bà muốn được mẹ bán nhà để chia lần hai. Trước đó, bà cụ đã chia thừa kế, và muốn giữ lại căn nhà mặt tiền để ở, dự tính ai nuôi mẹ sẽ được cho. Nhưng các con bà hết lần này đến lần khác kêu mẹ bán để chia tiếp.
"Tôi đã khuyên cụ ấy nên giữ lại căn nhà và hãy lập di chúc sẵn, nếu thấy ai có hiểu, nuôi mẹ thì cho", thạc sĩ Hoa kể lại.
Trong hơn 30 năm làm công tác xét xử, thẩm phán Lê Thị Hằng, nguyên phó chánh án TAND quận 4 (TP HCM) cho biết, hiện nay ngành tòa án thụ lý và xét xử rất nhiều vụ kiện liên quan đến thừa kế, chiếm khoảng 10% trên tổng số vụ, trong đó chủ yếu xảy ra ở các thành phố.
Mới đây, TAND TP HCM cũng chấp nhận yêu cầu của bà Yến (85 tuổi, quận 3) kiện con gái đòi lại nhà đã cho. Nguyên nhân vì chị này hứa sẽ đưa tiền cho các em khi nhận nhà nhưng không thực hiện. Cho rằng con gái lừa dối, bà kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho.
"Câu chuyện nào cũng đau lòng và trăn trở khi tôi nhìn họ ra tòa chì chiết, miệt thị, từ mặt nhau vì tài sản. Để thừa kế cho con là tốt, nhưng tôi mong rằng, các cha mẹ hãy giữ lại cho mình đến cuối đời và nên 'có lương hưu' để tự nuôi mình, đừng phụ thuộc con", vị thẩm phán nói.
Theo thạc sĩ Hoa, việc cho nhận thừa kế có sự khác nhau giữa thế hệ trước và người trẻ hiện nay. Cha mẹ trước đây thường nghĩ, tạo lập tài sản rồi để lại cho con khi chúng lập gia đình. Còn các ông bố bà mẹ hiện nay thì để con tự lập, giữ lại tài sản cho mình đến cuối đời mới trao.
"Trường hợp nào cha mẹ gọi đến nhờ tư vấn tài sản, tôi đều khuyên họ nên giữ lại phần cho mình và không phụ thuộc con lúc cuối đời. Tôi mong rằng, các bậc cha mẹ hãy làm như vậy, bởi khi có gia đình riêng con cái còn nhiều thứ phải lo", vị chuyên gia nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phan Thân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét