Tình trạng này không phải là mới, mà trở nên phổ biến vài năm nay, đến mức người ta còn đặt biệt danh cho những bậc cha mẹ ly tán này là "Những người ly hôn gaokao" - Những người ly hôn hậu thi đại học.
Gaokao - kỳ thi quan trọng bậc nhất của Trung Quốc - là khoảnh khắc quan trọng đến mức rất nhiều cha mẹ trì hoãn kế hoạch chia tay để con ổn định tâm lý. Vượt qua kỳ thi này với điểm cao, các học sinh mới có cơ hội vào trường đại học tốt, mở rộng cơ hội có việc làm về sau. Khi gaokao kết thúc, những dòng người xếp hàng dài ở các tòa thị chính trên khắp đất nước để làm đơn ly hôn.
Dòng người xếp hàng dài chờ ly hôn tại một tòa thị chính ở Trung Quốc. Ảnh Sohu. |
Theo Global Times, vì sức ép của kỳ thi đại học quá lớn, cha mẹ không muốn dồn thêm áp lực cho con bằng việc ly hôn. Một lý do khác là nhiều phụ huynh cảm thấy phần lớn trách nhiệm cha mẹ của họ đã hoàn tất sau kỳ thi này: kỳ thi đánh dấu sự kết thúc trung học và bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành của con.
Trang Baidu của Trung Quốc từng có chủ đề về bùng nổ ly hôn hậu thi đại học, mô tả đây như là một "xu hướng gia tăng", kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Đây cũng là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội nước này hôm nay.
Nhiều người cho rằng những cuộc ly hôn trì hoãn "vì con" như vậy thực ra rất có hại, nó khiến đứa con cảm thấy mình là một lý do khiến cha mẹ không hạnh phúc.
"Nếu các vị không còn yêu nhau nữa, tại sao lại giả vờ điều đó và tiếp tục sống cùng nhau", một người bình luận trên Weibo.
Một bạn trẻ có cha mẹ đã ly hôn thì cho rằng; "Với tư cách là đứa trẻ lớn lên trong những cuộc cãi nhau triền miên của cha mẹ, tôi chỉ có thể nói một điều: nếu các bạn muốn ly hôn, hãy làm đi, đừng ở với nhau 'vì lợi ích của con cái'".
Các nghiên cứu cho thấy, văn hóa Trung Quốc vẫn có cái nhìn tiêu cực với ly hôn, và việc "giữ gia đình trọn vẹn" luôn được đề cao, ngay cả khi gia đình đó không thực sự hạnh phúc.
T. An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét