Sự cố đứt cáp quang biển không chỉ gây phiền toái cho người dùng cá nhân, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho những người kinh doanh qua mạng và doanh nghiệp.
Sự cố đứt cáp quang APG, AAG và IA khiến nhiều người dùng Internet trong nước gặp khó khăn khi truy cập các dịch vụ quốc tế như Google, Facebook. Kể từ ngày 7/1 đến 12/1, nhiều người dùng Internet Viettel cho biết không thể vào Google, Facebook... khi dùng Wi-Fi và đôi khi chập chờn, không truy cập được khi bật 3G.
Dù đã định tuyến, san tải sang các hướng phụ trợ, Viettel chỉ khắc phục được ở mức tương đối. Các ISP khác như VNPT, FPT Telecom, CMC vẫn có một số trường hợp khó truy cập.
Nói với Zing.vn, đại diện của VNPT cho biết việc khắc phục sự cố cáp quang biển AAG, tuyến cáp chính giúp Việt Nam kết nối với quốc tế, sẽ hoàn tất sớm nhất vào ngày 23/1. Nhưng nếu điều kiện không thuận lợi, phải đến 7/2 cáp AAG mới được sửa xong.
Giới kinh doanh, quảng cáo khóc ròng vì đứt cáp
Không chỉ người dùng cá nhân, doanh nghiệp có kết nối với khách hàng ở nước ngoài và những người kinh doanh trên Facebook cũng là “nạn nhân” chịu thiệt hại nặng nề bởi sự cố đứt cáp.
“Trong những ngày qua, giá quảng cáo mỗi bài đăng trên Facebook tăng từ 290 đồng/lượt xem lên đến 1.500 đồng/lượt xem vì số khách hàng tiềm năng giảm mạnh”, chị Võ Vi Vân, một người làm trong ngành marketing và quảng cáo ở TP.HCM nói với Zing.vn. Không vào được Facebook khiến các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội này khó tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng, ảnh hưởng đến doanh số và hiệu quả quảng cáo.
Tương tự, anh Nguyên Huy Khoa (quận 10, TP.HCM), chuyên rao bán và kinh doanh điện thoại qua Facebook, cũng vắng khách đáng kể trong những ngày qua. “Cận tết là dịp tốt nhất để bán hàng vì người dùng có thưởng cuối năm, nhu cầu sắm máy mới lên cao, nhưng mấy hôm nay đăng bài bán hàng rất ít người xem”, anh Khoa cho biết.
Không chỉ những người kinh doanh qua mạng xã hội, sự cố đứt kết nối Internet đi quốc tế cũng khiến các doanh nghiệp có giao dịch nước ngoài gặp khó. “Việc liên lạc với khách trong những ngày qua hết sức khó khăn vì đa phần gọi từ Skype, Viber… Có khách quyết định huỷ tour hoặc dời lịch bay sau khi biết Việt Nam đang gặp sự cố Internet”, Nguyễn Ngọc Hoa - nhân viên kinh doanh của một công ty du lịch ở quận 1, TP.HCM cho biết.
Khó có phương án đền bù
Trước câu hỏi "vì sao người dùng đóng tiền đầy đủ hàng tháng nhưng khi gặp sự cố dẫn đến thiệt hại, nhà mạng không có chính sách đền bù thoả đáng", không ISP nào ở Việt Nam đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện Viettel Telecom cho biết đang tập trung vào việc khắc phục hậu quả, hạn chế ảnh hưởng đến khách hàng nên chưa có phương án đền bù. VNPT cho biết việc đánh giá thiệt hại và đền bù đang được đưa ra bàn thảo nội bộ, nhưng chưa có thông tin cụ thể. FPT Telecom từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo Luật thương mại, điều 302 quy định: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do việc vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm". Tuy nhiên, theo điều 294, "bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng".
Mặt khác, trong hợp đồng ký với khách hàng, các nhà cung cấp Internet thường đưa vào điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp hư hỏng do thiên tai.
Một đại diện giấu tên của một ISP trong nước cho biết trong sự cố đứt cáp quang biển, các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải thuê lưu lượng truy cập qua các hướng cáp trên bộ hoặc lân cận với AAG để giảm tải với chi phí cao. Thiệt hại của từng khách hàng không dễ đong đếm, thiếu cơ chế để xác định, nên việc đền bù vẫn "lực bất tòng tâm".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét