Vợ chồng giống và hiểu nhau nên có hôn nhân hạnh phúc hay ngược lại là điều nhiều chuyên gia đang tìm cách lý giải.
Câu nói "Trái ngược tạo sự hấp dẫn" không sai, nhưng nó chỉ đúng khi nói về cá tính. Chúng ta thường có chút khác biệt trong tính cách so với bạn đời nhưng gương mặt lại có nét hao hao nhau. Vì sao lại như vậy? Dưới đây là lý giải của các nhà khoa học:
Giống nhau từ lúc bắt đầu chọn nhau
Một bí mật khá thú vị là người ta có vẻ thích hẹn hò với những người giống họ về mặt nào đó - trình độ giáo dục, chiều cao, tuổi tác, hình dáng khuôn mặt... Điều đó được gọi bằng thuật ngữ khoa học là giao phối chọn lựa và nó từng được dùng để giải thích tại sao những người có trình độ giáo dục cao hay tìm người tương ứng và cơ hội thành công của mối quan hệ tăng lên gấp đôi. Cũng chẳng có gì khó hiểu khi bạn thích một người hiểu rõ những gì bạn nói hay có khuôn mặt trông hơi giống với bạn.
Một nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy người da trắng đặc biệt có khuynh hướng lựa chọn bạn đời có ADN giống mình. Vì thế, bạn đừng quá ám ảnh vì chuyện mình đã không thể cùng người cũ xem bóng đá hay tự tay làm tặng chàng bánh kem nên hai người hai ngả. Đơn giản là gene của hai người không hợp với nhau thôi. Chúng ta vô thức muốn truyền lại nguồn gene của mình và cơ hội để có được đứa con giống bản thân nhất chẳng phải là chọn được vợ/chồng cũng giống mình sao?
(Không may là hiện tại chưa có nghiên cứu nào về khuynh hướng này đóng vai trò ra sao ở các đôi kết hợp giữa các chủng tộc khác nhau).
Ảnh minh họa: Indiatimes. |
Vợ chồng thì cùng chia ngọt sẻ bùi
Nghiên cứu về "sự giống nhau ở gương mặt" từ nhà tâm lý quá cố Robert Zajonc, Đại học Michigan vào năm 1987 vẫn rất chuẩn với những người luôn lo rằng họ đang bị lây vẻ hay cau có từ bạn đời của mình. Zajonc và nhóm của ông đã yêu cầu các tình nguyện viên nối ảnh của các nam giới và phụ nữ giống nhau nhất, kết quả cho thấy những đôi đã kết hôn 25 năm được khớp với nhau nhiều hơn hẳn.
Có hai giả thiết chính lý giải cho điều này: Một là, khi ở với nhau lâu, các đôi có cùng nhiều trải nghiệm và điều đó để lại các dấu vết tương tự trên gương mặt họ, ngoài việc ngay từ đầu lựa chọn họ đã tìm người khá giống mình. Giả thuyết thứ hai thực tế hơn, cho rằng sự giống nhau về gene trở nên rõ ràng hơn khi dấu ấn thời gian in hằn trên gương mặt họ. Ngoài ra, ý tưởng của Zajonc khá dễ hiểu: hai người cùng vượt qua những khó khăn, thăng trầm giống nhau sẽ có những vết nhăn tương tự.
Vợ chồng càng hạnh phúc thì càng giống nhau
Chúng ta hay bắt chước những người sống gần mình nhất. Hiện tượng này được gọi là "bắt chước vô thức" và đó là lý do chúng ta tự nhiên "nhiễm" giọng điệu của bạn bè hay có điệu bộ y hệt bạn trai khi ở trong quán xá. Tất cả là do sự gắn bó và khiến chúng ta cảm thấy mình là một phần của nhóm. Và chúng ta bắt chước bạn đời suốt một thời gian dài, đến mức dần dần hình dạng khuôn mặt cũng biến đổi theo họ.
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy sự tương đồng về di truyền dường như liên quan đến mức độ hạnh phúc trong hôn nhân nhưng liệu nó là nguyên nhân hay hệ quả của quá trình đó thì vẫn chưa rõ. Vợ chồng bạn hạnh phúc bởi các bạn hiểu nhau hay bởi vì có cùng các biến thể gene tương tự - thứ được cho là mấu chốt tạo nên sự hài hòa cảm xúc trong một mối quan hệ? Sự hạnh phúc khiến khuôn mặt vợ chồng trở nên giống nhau hay ngược lại?
Dù thế nào, một điều chắc chắn là: Có vẻ ngoài giống nhau không có nghĩa là các bạn sẽ suy nghĩ như nhau. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người đã kết hôn 40 năm có tính cách hoàn toàn khác biệt, giống như thủa họ bắt đầu mối quan hệ, ngay cả khi họ có cùng các thói quen, nhà ở, tài chính. Hôn nhân dường như chỉ tác động rất hời hợt, ở vẻ bề ngoài.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét