Bố Pháp, mẹ Việt, gia đình hiện sống ở Paris, cả ba con của chị Tú Anh đều nói thạo và rất ngọt tiếng Nghệ An quê ngoại.
Chị Tú Anh, 33 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Vinh, Nghệ An. Chị kết hôn với một nhà ngoại giao người Pháp và có ba con là Elisa Tú Anh 11 tuổi, Nicolas Tuấn Anh 9 tuổi và em út Ema Hải Anh 4 tuổi. Elisa có thể nghe nói, đọc viết tốt 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung, Việt. Cậu em Nicolas cũng nói và viết tốt tiếng Anh, Pháp, Việt còn cô em út 4 tuổi có thể trò chuyện tiếng Việt và Pháp.
Video chị Tú Anh trò chuyện với con bằng tiếng Nghệ An
Chị Tú Anh chia sẻ, lý do khiến chị muốn dạy con tiếng Việt, nhất là tiếng Nghệ An là để các con cảm nhận quê hương của mẹ rõ nét hơn và cũng yêu Việt Nam như chính mẹ. "Ngoài ra, mẹ cũng sẽ có cơ hội được nói tiếng 'quê' nhiều hơn và thấy đỡ nhớ nhà khi ở xa xứ", chị chia sẻ.
Ngoài ra, vì anh làm ngành ngoại giao, chị là dân ngoại ngữ nên cả hai vợ chồng đều ý thức rằng tạo điều kiện cho con nói được càng nhiều ngôn ngữ thì giúp tư duy của con càng phát triển và tương lai càng rộng mở.
Ba con của chị Tú Anh: Elisa Tú Anh 11 tuổi, Nicolas Tuấn Anh 9 tuổi và em út Ema Hải Anh 4 tuổi. |
Với cả ba bé, chị bắt đầu thủ thỉ với con bằng Tiếng Việt ngay từ lúc con còn nằm trong bụng mẹ. Sau khi con chào đời, chị luôn nói chuyện và giải thích mọi điều cho con nghe. "Đó phải là thứ tiếng Việt thuần, chuẩn, không lai tạp, chẳng hạn, mình sẽ nói 'mẹ con mình đi công viên nhé' chứ không bao giờ là 'mẹ con mình đi park nhé", chị Tú Anh cho biết. Một "nghi thức" không bao giờ thiếu trước giờ ngủ là các con sẽ đọc sách bằng tiếng Việt và có thể nói với mẹ mọi chuyện bằng ngôn ngữ này.
Trong bữa cơm gia đình chị, cả nhà sẽ nói với nhau bằng tiếng Anh, nhưng nếu chị nói riêng với các con mà không liên quan tới chồng thì sẽ nói bằng tiếng Việt.
Chị đã duy trì điều này mỗi ngày suốt hơn 10 năm nay. "Dạy con biết tiếng Việt đã khó, duy trì đều đặn là càng khó hơn bởi chỉ cần bỏ bẵng vài tháng là con quên hết", chị bày tỏ.
Bà mẹ Việt ở Pháp cho biết, không phải lúc nào các con chị cũng hào hứng học tiếng Việt, nhất là cậu nhóc thứ hai.
"Cu cậu bảo nói tiếng Việt lằng nhằng, lại có quá nhiều thanh, trong khi ở trường cháu đã phải nói bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp. Nhiều hôm, nghe bà ngoại nói tiếng Nghệ nhiều, thằng bé còn cáu gắt vì 'đi học cả ngày đã mệt, về còn phải nghe thứ tiếng mình chẳng hiểu gì'. Nhiều buổi, đến 'giờ nói tiếng Việt', cu cậu chống chế, chỉ nói một hai câu rồi chuyển sang bắn tiếng Anh, Pháp", chị kể.
Dù vậy, người mẹ không nản lòng mà mỗi ngày vẫn tiếp tục cùng con bồi đắp. "Trẻ con thích nghe mẹ thủ thỉ bên tai trước khi ngủ. Đó chính là thời điểm dễ nhất giúp con hấp thụ nhanh những điều mẹ muốn truyền tải", chị chia sẻ kinh nghiệm.
Lần khác, khi vợ chồng có chuyện bất đồng, chị buồn và thủ thỉ với con rằng: "Những lúc buồn, mẹ chỉ muốn gặp một người cùng quê để nói dăm ba câu tiếng Nghệ cho đỡ tủi thân. Vậy là con vội vàng an ủi 'mẹ đừng buồn, con sẽ chăm chỉ học để nói chuyện cùng mẹ'."
Chị Tú Anh và các con ở Pháp. |
Chị thừa nhận, tiếng Việt đọc thì dễ nhưng hiểu lại khó vì hay dùng nghĩ đen, nghĩa bóng, đa nghĩa và nhiều khi chị cũng "bí" không biết giải thích sao cho con hiểu. Chẳng hạn, có lần, chị kể với con rằng mẹ chẳng bao giờ có thời gian "buôn dưa lê" với bạn bè vì đi làm rồi về nhà với các con luôn thì cậu nhóc hỏi đi hỏi lại cụm từ "buôn dưa lê". "Ngay cả khi mình đã giải thích rằng đó là cách nói chuyện giữa bạn bè về những điều nho nhỏ, không quan trọng thì cu cậu vẫn không chấp nhận và bảo 'vậy thì gọi là 'nói chuyện đi, sao bảo là 'buôn dưa lê' làm gì, khiến mình 'cứng họng'". Có những lần, khi con hỏi mà mẹ chưa biết giải thích sao, đành hẹn "để mẹ tìm hiểu thêm" thì cu cậu vặc lại "tiếng của mẹ mà mẹ còn không biết là sao"...
Chị Tú Anh cho biết, nhiều gia đình ở nước ngoài, dù cả vợ và chồng đều là người Việt, nhưng con hoàn toàn không biết nói tiếng quê hương. Trong một nhóm 40 người bạn của chị là người Việt thì không ai có con thông thạo tiếng Việt, nếu nói được cũng chỉ là vài câu đơn giản nhất. Có những nhà sau một thời gian sống ở nước ngoài thì không thích về Việt Nam vì sợ nóng, bẩn, thiếu văn minh. Họ không nói thẳng với con nhưng khiến trẻ hiểu điều đó qua cách cư xử, thái độ và từ đó, trẻ cũng không thích về Việt Nam và nói tiếng Việt.
"Với các con, mình cũng giải thích cho các cháu hiểu vì sao quê mẹ lại nghèo, lại thiếu chỗ cho con chơi và bẩn, nóng như vậy. Mình kể cho con nghe tuổi thơ của mẹ ra sao và tận dụng mọi dịp có thể để đưa các con về Việt Nam. Giờ thì khó hơn vì các cháu đều rất bận học nhưng cả ba đứa đều rất thích mỗi lần về quê ngoại. Thực sự, nếu bạn không thích quê hương thì làm sao mà dạy được con yêu và nói tiếng Việt", chị Tú Anh chia sẻ.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét